Xã hội

Khát vọng sống của người phụ nữ Thái ở Nghệ An từng là nạn nhân của bọn buôn người

Đào Thọ 02/09/2024 11:19

Những ngày tháng trốn chạy khỏi bọn buôn người đã để lại nỗi đau không bao giờ nguôi về thể xác lẫn tinh thần với chị Lữ Thị Tím (39 tuổi), ở Mường Ải, Kỳ Sơn. Thế nhưng vượt qua tất cả, chị đã tự kiếm sống bằng đôi tay còn lành lặn và vào cuộc tuyên truyền để chống lại nạn buôn người.

Những ngày kinh hoàng nơi đất khách

Một ngày tháng Tám, căn nhà sàn nhỏ của ông Lữ Phò Biên nằm lưng chừng đồi ở bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) vang lên tiếng cười nói của những người phụ nữ đang ngồi thêu thùa. Lẫn giữa đám người là một phụ nữ với đôi chân bị cắt cụt đến gối. Thi thoảng, muốn di chuyển, chị lấy tấm đệm đã chuẩn bị sẵn, quỳ đầu gối lên để lê từng bước một. Đó là chị Lữ Thị Tím (39 tuổi), con gái thứ của ông Biên.

bna_1.jpg
Một góc bản Pủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Thọ

Bảy năm trước, Tím từ Trung Quốc trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè. Ai nấy đều không cầm được nước mắt khi nhìn vào đôi chân của người phụ nữ vốn một thời là “hoa khôi” của bản làng.

Thời gian đã trôi qua nhưng với Lữ Thị Tím, ký ức về những ngày tháng trốn chạy khỏi bọn buôn người nơi đất khách vẫn như một vết thương hằn xé trong lòng. Tím sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ đều dựa vào nương rẫy để tìm kế sinh nhai. Là một cô gái người Thái, Tím có tài thêu thùa khéo léo nhất nhì bản. Lớn lên, chị chỉ ước mong tìm được một công việc phù hợp với sở thích của mình để có thể phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống.

Tháng 12/2011, khi thấy tôi muốn tìm việc làm, bà V.T.N ở bản Sơn Thành (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) đã vào rủ rê và hứa cho tôi một công việc ổn định. Bà ấy nói sẽ đưa tôi sang Lào để thêu váy. Thích quá, tôi xin gia đình đi cho bằng được nhưng không ngờ bà ấy lại lừa bán mình sang Trung Quốc.

Chị Lữ Thị Tím (39 tuổi), bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn)

Theo lời kể của chị Tím, khi lên xe xuống đến thành phố Vinh, bà N. đưa cho chị một cốc nước ngọt và bảo uống để chuẩn bị lên đường. Tím không ngờ, ly nước bà N. đưa cho chị lại có thuốc mê. Chị bất tỉnh cho đến khi sang bên kia biên giới. Tại đây chị bị nhốt trong một phòng kín cùng nhiều người khác và có sự quản thúc nghiêm ngặt của bọn buôn người. “Họ bảo rằng, bà N. đã bán tôi cho họ và bây giờ tôi phải lấy chồng để trả nợ. Tôi có biết người mình lấy là ai đâu nên cương quyết dù chết cũng không chịu”, chị Tím chia sẻ.

bna_3-74c0b2a914dde2fc901efce6d0b756d0.jpg
Đôi chân không còn lành lặn, nhưng với đôi bàn tay khéo léo, hiện chị Lữ Thị Tím thêu nên những tấm thổ cẩm đẹp và bán được với giá cao. Ảnh: Đào Thọ

Những ngày bị nhốt trong căn phòng hôi thối đối với chị Tím là địa ngục trần gian. Trong đầu chị luôn nghĩ về gia đình, quê hương và mong muốn trốn thoát để trở về. Một hôm, nhân lúc bọn canh gác sơ hở, Tím chạy ra ngoài. Không quen thuộc địa hình, chị cứ thế mà chạy càng xa càng tốt miễn sao không bị bắt lại.

Nhưng càng chạy, chị càng lạc vào rừng sâu heo hút không một bóng người. Theo lời Tím, khu rừng chị trốn là một nơi giá lạnh và đầy băng tuyết. Bụng đói vì lâu ngày chưa được ăn, chân không giày dép và với bộ quần áo mỏng manh trên người, có lúc chị tưởng chừng mình không thể sống sót để gặp lại gia đình.

Đến ngày thứ 7, có hai cụ già người Trung Quốc phát hiện chị Tím đang sắp lả đi vì đói và rét bên một gốc cây trong rừng. Chị giơ tay ra hiệu xin cứu giúp và được họ đưa đến một trung tâm dành cho người cơ nhỡ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chân chị Tím bị đông cứng lại như đá, máu không lưu thông được trong một thời gian dài. Và họ quyết định cưa đôi chân của chị để bảo toàn tính mạng.

“Lúc tỉnh lại thấy đôi chân không còn nữa, tôi không tin vào mắt mình, trời đất như sụp đổ trước mắt. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ được rằng, mất đi đôi chân thì biết bao giờ mới tìm được đường về với gia đình, bản làng”, Tím nuốt nước mắt kể.

Lữ Thị Tím di chuyển trong nhà với đôi bàn chân bị cắt khi trốn chạy. Ảnh: Đào Thọ
Chị Lữ Thị Tím di chuyển trong nhà với đôi bàn chân bị cắt khi trốn chạy. Ảnh: Đào Thọ

Gần 6 năm sống trong khu trại của người cơ nhỡ ấy chẳng lúc nào chị Lữ Thị Tím nguôi nhớ về quê hương và chỉ mong có một phép màu đến với mình. Thế rồi, trong một lần các cơ quan chức năng Trung Quốc truy quét những người nhập cư trái phép, họ phát hiện ra Tím. Biết được nơi chị sinh sống, phía Trung Quốc đã báo với cơ quan chức năng Việt Nam, phối hợp tìm cách đưa chị Tím về nước.

Vượt lên nỗi đau

Dù không còn đôi chân nhưng được trở về trong vòng tay của gia đình, làng bản, đối với chị Tím là một niềm hạnh phúc lớn lao. Mẹ chị Tím bảo rằng, lúc con gái bà mới trở về cả gia đình không ai còn nhận ra bởi chị gầy, đen và đôi chân cũng không còn. Gần 7 năm trời con mất tích là ngần ấy năm cả gia đình bà không đêm nào ngủ yên. Tuy nhiên, với những người dân ở bản Pủng, chị Tím còn may mắn hơn nhiều so với một số trường hợp như chị Vân, chị Ven cùng bản - đã mất tích gần 15 năm nay mà chưa có một tin tức gì.

bna_4.jpg
Ngoài việc thêu thùa, chị Tím còn giúp đỡ gia đình công việc bếp núc. Ảnh: Đào Thọ

Ở nhà được một thời gian, thấy bố mẹ đã già mà vẫn phải vất vả nuôi mình, chị Tím không đành lòng. Đôi chân không còn nhưng đôi tay vẫn nguyên vẹn, vả lại sở thích thêu thùa vẫn luôn cháy bỏng trong lòng. Vậy là chị Tím mang những dụng cụ bấy lâu nay được cất kín trong tủ để bắt đầu công việc.

Những ngày đầu bắt tay vào thêu, toàn thân đau mỏi bởi không có chân để chống xuống đất. Đôi tay cũng có lúc không còn điều khiển được nữa bởi đã nhiều năm không thêu. Mệt mỏi nhiều khi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ thương bố mẹ và không muốn mình trở thành gánh nặng nên tôi lại gắng gượng để tiếp tục.

Chị Lữ Thị Tím (39 tuổi), bản Pủng (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn)

Giờ đây, đôi tay thoăn thoắt của người phụ nữ Thái ấy càng trở nên điêu luyện hơn. Những đường kim, mũi chỉ từ tay chị Tím cứ thế tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp miên man. Dù mỗi tháng chị chỉ thêu được vài ba tấm nhưng cũng bán được khoảng 2 triệu đồng để đỡ đần gia đình. Nhiều khách hàng vì cảm phục sự khéo léo và ý chí của Tím còn mua những sản phẩm của chị thêu với giá cao nên nguồn thu nhập ngày càng nhiều hơn và ổn định hơn.

Bản có 130 hộ với 563 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo còn chiếm 57%. Trong những năm gần đây, nhiều người trong bản đã rời quê hương để đi làm ăn ở các công ty tận miền Nam. Ý chí của chị Lữ Thị Tím đã khích lệ nhiều chị em phụ nữ ở lại với bản làng để mưu sinh. Số tiền Tím kiếm được từ nghề thêu thùa với những người dân nghèo ở bản Pủng quả thật không nhỏ.

Ông Lương Bá My – Bí thư Chi bộ bản Pủng

Từ nỗi đau của mình, những lần biết chị em nào ở bản có ý định bỏ quê để sang Trung Quốc làm việc, chị Tím đều gặp để tuyên truyền, khuyên nhủ. Chẳng biết từ khi nào ngôi nhà sàn nhỏ của gia đình ông Lữ Phò Biên lại trở thành nơi để các chị em phụ nữ trong bản tụ họp. Mỗi lần như thế, chị Tím đều mang câu chuyện của mình để kể lại như một lời khuyên cho những ai còn tin vào lời đường mật “sang Trung Quốc việc nhẹ lương cao”. Nhờ đó, mọi người đều ở lại hoặc tìm đến các công ty có nhu cầu tuyển người trong tỉnh, trong nước để làm việc.

bna_5-e05037df909c5af941a46d605b61538d.jpg
Căn nhà sàn nhỏ là nơi tụ họp của phụ nữ bản Pủng để Tím tuyên truyền, vận động chống nạn buôn người. Ảnh: Đào Thọ

Chị Lữ Thị Phiêng (sinh năm 1984) ở bản Pủng kể lại rằng: Năm trước, vì hoàn cảnh gia đình, chị định nghe theo lời của một số người sang Trung Quốc để mong tìm được việc làm với mức lương mỗi tháng mà theo chị có làm ở quê cả năm cũng không bằng. Tuy nhiên, khi biết ý định của chị, Tím đã tìm đến, tháo tất từ đôi bàn chân bị cụt và nói với chị nguyên nhân vì sao mình lại bị như vậy. “Mỗi câu nói của Tím cứ như mũi kim đâm vào trái tim tôi. Tôi bỗng nhiên ớn lạnh và không còn ý nghĩ sang Trung Quốc tìm việc nữa. Ở nhà dù no dù đói cũng còn có gia đình, quê hương” – chị Phiêng chia sẻ.

Đào Thọ