Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Chủ động, thích ứng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới
Năm học 2024 - 2025 là một năm học đặc biệt khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) và cũng là năm học đầu tiên tổ chức các kỳ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trước thềm năm học mới, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo những vấn đề liên quan.
P.V: Thưa GS.TS Thái Văn Thành, ngành Giáo dục Nghệ An vừa khép lại một năm học với nhiều kết quả nổi bật. Trong thành công chung đó, có đóng góp của việc thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục ở các nhà trường trong toàn ngành. Ông hãy chia sẻ thêm về điều này và kế hoạch tiếp theo của ngành trong năm học 2024 - 2025?
GS.TS Thái Văn Thành: Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An triển khai đồng tuyến kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh và đạt kết quả cao, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Đặc biệt, ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức phát động phong trào thi đua “90 ngày đêm quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” có hiệu quả thiết thực và đã tạo nên một môi trường thi đua sôi nổi, hào hứng, khơi dậy truyền thống tinh thần hiếu học, ham học và học giỏi của học trò xứ Nghệ. Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được xếp vị thứ 12 trên 63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2023.
Đây là một kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Nghệ An, cho thấy chúng ta không chỉ ghi dấu ấn về chất lượng giáo dục mũi nhọn mà chất lượng đại trà cũng có sự tiến bộ vượt bậc, đưa Nghệ An vươn lên tốp đầu của cả nước.
Từ thành công ở bậc THPT, trong năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục Nghệ An tiếp tục thúc đẩy việc triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, trong đó ưu tiên thúc đẩy chất lượng bậc THCS và tiếp đó là tiểu học. Việc cam kết chất lượng nhằm thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước chỉ đạo đó là học thật, thi thật, chất lượng thật. Hay nói riêng theo lý luận của ngành đó là dạy tốt, học tốt, quản lý tốt và chất lượng thực chất.
Để thực hiện mô hình này, chúng tôi tiếp tục đánh giá đầu vào đối với từng bậc học, từng cấp học và trên cơ sở đó, sẽ thực hiện chuẩn đầu ra đối với học sinh. Cụ thể, năm nay với bậc THCS, chúng tôi sẽ đánh giá chuẩn đầu vào với học sinh lớp 6, bàn giao chất lượng cho các nhà trường. Giáo viên phải ký cam kết với nhà trường về tất cả mọi mặt để sau mỗi năm học, học sinh có sự tiến bộ và phát triển một cách toàn diện.
Việc triển khai mô hình, gắn trách nhiệm với từng giáo viên cũng là cơ sở để sau này thực hiện công tác thi đua khen thưởng hay tôn vinh giáo viên một cách chính xác, tránh tình trạng cào bằng, đánh giá một cách cảm tính. Người chưa được cũng nhìn lại trách nhiệm nghề nghiệp của mình để cùng nỗ lực, phấn đấu.
Ngoài nội dung này, trong năm học tới ngành Giáo dục cũng sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ giáo dục và quan tâm hơn giáo dục miền núi với nhiều chính sách phát triển mang tính đặc thù riêng.
P.V: Hiện nay, Nghệ An đang triển khai nhiều mô hình giáo dục tại các nhà trường. Quá trình triển khai có những thuận lợi nhưng cũng khó khăn và cả những bất cập. Vậy thời gian tới, ngành Giáo dục có những điều chỉnh nào để phù hợp với thực tế?
GS.TS Thái Văn Thành: Đến thời điểm này, có thể nói rằng việc triển khai các mô hình trọng điểm, mô hình trường chất lượng cao ở Nghệ An rất thuận lợi vì có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ đó, các trường đã phát huy được vai trò đầu tàu, tiên phong, dẫn dắt hoạt động giáo dục của cụm trường, của huyện rất tốt.
Qua đánh giá cho thấy, 6 tiêu chí đã đề ra cho trường trọng điểm đều đạt và chất lượng vượt trội, kể cả đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục học sinh, cơ sở vật chất và môi trường nhà trường. Hiện đã có một số huyện đang nhân rộng các trường trọng điểm của huyện và ngành cũng đang đề nghị với tỉnh để tiếp tục triển khai mô hình này trong giai đoạn sắp tới.
Với mô hình trường tiên tiến, hiện ngành đã triển khai được 3 năm và còn 1 năm nữa mới hoàn thành chu kỳ đầu tiên. Sau khi hoàn thành chu kỳ chúng tôi sẽ đánh giá, rà soát và điều chỉnh lại 9 tiêu chí đã xây dựng.
Khó khăn hiện nay trong xây dựng mô hình này đó là nguồn lực đầu tư còn hạn chế vì chủ yếu là từ nguồn lực của địa phương và huy động xã hội hóa từ phụ huynh.
Bên cạnh đó, chương trình ban đầu thiết kế chưa đáp ứng các tiêu chí đưa ra, nên chương trình học chưa phát huy được năng lực, sở trường và định hướng, mong muốn của phụ huynh, học sinh... Những bất cập và chưa phù hợp này ngành sẽ có sự điều chỉnh, hy vọng sau 1 chu kỳ sẽ tốt hơn.
P.V: Thiếu giáo viên vẫn là một bài toán khó cho ngành Giáo dục trong năm học 2024 – 2025. Vậy ngành đã có những giải pháp nào để các nhà trường sớm ổn định việc dạy học trong năm học mới?
GS.TS Thái Văn Thành: Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, hiện Nghệ An đang thiếu hàng ngàn giáo viên ở cả 4 bậc học. Vì vậy, thời gian qua ngành đã tham mưu cho tỉnh và các ban, ngành liên quan tiếp tục kiến nghị đề xuất để Trung ương bổ sung biên chế cho các địa phương.
Với những khó khăn hiện tại, thời gian qua ngành cũng đã có những chỉ đạo cụ thể. Trong đó, với việc nhiều huyện đang thiếu nhiều giáo viên Tin học, ngành đã chỉ đạo để các địa phương tăng cường đào tạo văn bằng 2 cho các giáo viên để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Với môn tiếng Anh, tình trạng thiếu giáo viên cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí có những đơn vị có chỉ tiêu nhưng không có giáo viên để tuyển.
Vì thế, trong năm học 2024 - 2025, ngoài dạy theo hình thức trực tiếp, chúng tôi đã tính toán phải dạy trực tuyến và điều này ngành hoàn toàn đáp ứng đủ năng lực để hỗ trợ cho các huyện miền núi. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, nếu thiếu giáo viên các địa phương phải chủ động báo cáo chứ không thực hiện một cách áp đặt, máy móc làm lãng phí nhân lực, lãng phí cơ sở vật chất.
Với các môn học khác, trong bối cảnh hiện nay, tôi mong các nhà trường tiếp tục động viên, khích lệ các giáo viên tiếp tục chia sẻ với ngành, dạy thêm giờ, tăng tiết để bù vào số lượng giáo viên đang thiếu ở các nhà trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
P.V: Năm học 2024 – 2025, các kỳ thi sẽ được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có Kỳ thi đánh giá năng lực - là một trong những kỳ thi mà rất nhiều phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm. Vậy, ngành sẽ có những định hướng nào để các nhà trường, giáo viên, học sinh sẽ không bị động trong quá trình thực hiện?
GS.TS Thái Văn Thành: Riêng Kỳ thi đánh giá năng lực, tại Việt Nam, hiện đang thực hiện với các thang đo gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Khác với các kỳ thi theo truyền thống trước đây, học sinh chỉ ghi nhớ, tái hiện, hiểu biết vấn đề hoặc làm các bài tập theo mẫu. Nhưng hiện nay, với Kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh không chỉ có kỹ năng giải bài tập mà còn phải biết các kỹ năng để vận dụng các kiến thức vào giải quyết các bài tập thực tiễn, học sinh phải hiểu bản chất vấn đề.
Trước sự thay đổi này, thời gian qua, ngành đã mời các đội ngũ chuyên gia tập huấn với đội ngũ cốt cán để thiết kế đề thi năng lực, tổ chức dạy học theo phát triển năng lực để học sinh quen với kỳ thi này và có kỹ năng thực hiện kỳ thi này. Ngành cũng tăng cường chỉ đạo hoạt động chuyên môn với đội ngũ cốt cán của ngành, của huyện và các nhà trường để các nhà trường chủ động trong quá trình thực hiện. Trước thềm năm học mới, ngành cũng đã công bố cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, ma trận đặc tả đề thi sớm để các nhà trường và các cơ sở giáo dục biết cách tổ chức dạy học, đánh giá, kiểm tra học sinh.
P.V: Là người đứng đầu ngành Giáo dục, trước thềm năm học mới, ông muốn gửi gắm gì đến các nhà trường và đội ngũ giáo viên tỉnh nhà?
GS.TS Thái Văn Thành: Như tôi đã chia sẻ, năm học 2024 - 2025 là một năm học đặc biệt với toàn ngành Giáo dục. Vì thế, bước vào năm học mới tôi mong các nhà trường cần quan tâm tới các điều kiện để đảm bảo cho công tác dạy học, từ môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo an ninh an toàn cho cả thầy và trò, làm sao tạo không khí phấn khởi để đạt mục tiêu đề ra của năm học.
Đối với đội ngũ giáo viên, tôi mong các thầy, cô giáo hãy giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương, cống hiến tận tâm, tận lực, tận tụy với nghề dạy học, với sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, đoàn kết thống nhất, chung tay, chung sức, chung lòng cùng với phụ huynh, học sinh và toàn xã hội chăm lo tốt nhất cho việc học tập của con em.
Từ năm học tới, năm học kết thúc một chu kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá. Vì thế, tôi mong các thầy cô vượt qua khó khăn để hỗ trợ học sinh, giúp học sinh thích ứng được với cách đánh giá mới và có những kỳ thi đạt kết quả cao.
P.V: Xin cảm ơn GS.TS Thái Văn Thành!