Xã hội

Nét phố ở những làng quê Nghệ An

Tiến Hùng 05/09/2024 19:30

Những năm gần đây, một số vùng quê Nghệ An có những đổi thay rõ rệt, nhà dân cao tầng san sát, giao thông - dịch vụ phát triển. Có xã đầu tư đến hơn nửa tỷ đồng để làm bảng chỉ dẫn, biển báo giao thông, có xã thì gắn số nhà cho toàn bộ các hộ dân, nhìn qua chỉn chu như những khu phố.

Những ngôi nhà gắn số

Ngày đầu tháng 9, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Tuấn (23 tuổi) ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Tuấn làm nghề “shipper”, nhận vận chuyển hàng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Công việc mà những năm gần đây trở nên rất chuộng bởi nhu cầu mua sắm online của người dân tăng cao. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất trong nghề của Tuấn đó chính là tìm địa chỉ của nơi nhận hàng.

“Nhưng không như ở các xã khác, mỗi lần nhận được đơn hàng gửi đến xã Quỳnh Đôi là phấn khởi hẳn. Bởi ở đây tìm nhà rất dễ. Chẳng phải hỏi ai cả. Cứ như ở thành phố vậy”, Tuấn hồ hởi nói.

Đúng như lời Tuấn nói, chúng tôi dạo quanh xã Quỳnh Đôi, thấy hơn 1.500 ngôi nhà đều được gắn số nhà cụ thể. Tấm biển màu xanh gắn trước cổng nhà, phía trên là số thứ tự, phía dưới là tên thôn, tên đường và tên xã. Nhìn qua, trông chẳng khác nào một khu phố. Đây cùng là xã đầu tiên ở Nghệ An gắn số nhà cho các hộ dân.

Những ngôi nhà gắn số ở Quỳnh Đôi trong chẳng khác nào các khu phố.
Những ngôi nhà gắn số ở xã Quỳnh Đôi trong chẳng khác nào các khu phố. Ảnh: Tiến Hùng

Theo ông Hồ Sỹ Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, việc gắn số nhà được triển khai đồng loạt trên địa bàn từ 4 năm trước. “Việc này xuất phát từ ý kiến của những người con xa quê và du khách. Mỗi lần họ về thăm Quỳnh Đôi, gặp khó trong việc tìm nhà người quen để đến thăm, phải hỏi đường rất nhiều lần. Thời điểm đó, xã Quỳnh Đôi cũng vừa hoàn thành nông thôn kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, nên chúng tôi triển khai luôn”, ông Hưng nói và cho hay, quá trình triển khai, không gặp bất cứ ý kiến phản đối nào từ người dân, ai cũng rất hoan nghênh. Bởi chi phí cho việc này không lớn, nhưng đem lại nhiều tiện lợi.

“Xã chúng tôi là "làng khoa bảng", có rất nhiều danh nhân, nên chúng tôi cũng muốn lấy tên các danh nhân này để đặt tên cho các con đường trong xã, nhưng mà việc đó thì phải xin phép UBND tỉnh, nên chưa triển khai. Vì vậy, bây giờ, chỉ có tuyến đường chính là lấy tên của tỉnh lộ chạy ngang qua, còn các tuyến đường phụ trong xã thì lấy tên đường số 1, đường số 2… để đánh số nhà. Từ khi có số nhà cụ thể, không thấy ai phải hỏi thăm nhà người dân nữa. Đặc biệt là mấy anh shipper, phấn khởi lắm”, ông Hưng kể.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài xã Quỳnh Đôi, trên địa bàn tỉnh còn có xã Thanh Yên (Thanh Chương) cũng gắn số nhà nhưng chỉ là tự phát. Theo ông Bùi Hữu Chương – Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, việc gắn số nhà chỉ được triển khai ở xóm Hồng Bình (cũ), nay đã sáp nhập với xóm khác. Các tấm biển được gắn trước cổng nhà, chỉ có số nhà và tên xóm. “Việc này được người dân tự phát động với nhau rồi triển khai. Tuy nhiên, thời gian qua chúng tôi thấy nhà gắn số như vậy cũng rất là thuận tiện cho nhiều việc. Giúp chính quyền quản lý địa bàn tốt hơn. Thời gian tới, chúng tôi đang phấn đấu lên nông thôn mới kiểu mẫu, cũng sẽ xem xét để triển khai gắn số nhà luôn cho toàn xã”, ông Chương nói.

Một ngôi nhà gắn số ở xã Thanh Yên.
Một ngôi nhà gắn số ở xã Thanh Yên (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Hùng

Chuyện xã bỏ hơn nửa tỷ đồng để “giải mê cung”

Xã Diễn Vạn nằm lọt thỏm giữa vùng trũng, xung quanh giáp ranh với rất nhiều xã ở huyện Diễn Châu. Trên địa bàn lại bị chia cắt bởi 3 dòng sông là sông Bùng, kênh Vách Bắc và kênh Nhà Lê. Từ lâu, xã này được gọi với cái tên là “mê cung”, bởi người lạ mỗi lần tới đây, rất khó để tìm đường.

Những con đường ở xã Diễn Vạn đã hẹp, lại rất ngoằn nghèo. Xung quanh là những ngôi nhà mọc san sát nhau. Ở đây dường như cũng chẳng có con đường nào được xem là tuyến đường chính, bởi hầu hết đều chật chội, loằng ngoằng như nhau. “Xã chúng tôi giáp ranh với 6 xã khác, chính vì thế có 6 con đường chính dẫn vào xã. Nhưng dù là người ở xã kế bên, đã nhiều lần tới xã Diễn Vạn, nhưng mỗi lần đi về cũng rất dễ lạc, không tìm được lối ra đúng. Có khi đi một lúc lại phải vòng sang xã khác, xã hơn cả chục km. Thậm chí, có khi lãnh đạo cấp trên về thăm xã, xe cảnh sát giao thông dẫn đoàn nhưng cũng bị lạc... Diễn Vạn quả như một mê cung”, ông Hải nói.

Những tấm biển chỉ đường đã giúp 'giải mê cung' Diễn Vạn.
Những tấm biển chỉ đường đã giúp "giải mê cung" xã Diễn Vạn (Diễn Châu). Ảnh: Tiến Hùng

Để “hóa giải mê cung”, hơn 2 năm trước, xã Diễn Vạn đã chấp nhận đầu tư hơn nửa tỷ đồng để lắp biển báo. Hiện nay, đi dọc các tuyến đường trên địa bàn xã Diễn Vạn, cứ vài chục mét lại có một biển chỉ đường. Những tấm biển này hầu hết có nội dung chỉ hướng sang các xã khác lân cận, hoặc những địa danh trên địa bàn xã. Đặc biệt là những địa điểm mà nhiều người quan tâm như trụ sở UBND xã Diễn Vạn, trạm y tế xã, nhà thuốc, các xóm trên địa bàn…. Không những thế, xã Diễn Vạn còn đầu tư làm gờ giảm tốc trên các đoạn đường đông người qua lại, hàng chục trụ đèn giao thông cảnh báo….

“Trước đây, mỗi ngày có khi có cả chục người ghé lại hỏi đường. Có người hỏi đi, hỏi lại mấy lần nhưng vẫn không tìm được. Nhưng từ khi có các biển chỉ dẫn cụ thể, không còn thấy ai phải hỏi nữa”, bà Hoàng Thị Mai (64 tuổi), bán tạp hóa bên đường nói.

Tiến Hùng