Xã hội

Chuyện về những người nhặt rác trên biển

Thành Chung 09/09/2024 06:24

Hàng ngày, trên tuyến đường thủy từ cảng Cửa Hội - Đảo Ngư, có một nhóm người vẫn lặng lẽ, cần mẫn với công việc thu gom, nhặt rác trên biển.

Từ đầu tháng 6/2024 trở lại đây, vào 6 giờ - 6 giờ 30 phút mỗi sáng, lại có một chuyến thuyền “đặc biệt” xuất phát từ cảng cá Cửa Hội ra khơi. Trên chuyến thuyền này có 6 người phụ nữ ở tuổi trung niên, cao niên và 2 người đàn ông làm nhiệm vụ điều khiển thuyền. Họ không phải là ngư dân ra khơi đánh cá mà là công nhân vệ sinh môi trường của một công ty vệ sinh công nghiệp. Công ty này nhận thầu công việc thu gom rác tại VinWonders Cửa Hội, khu vực đảo Ngư.

Con thuyền đặc biệt chuyên chở rác từ biển, đảo về đất liền. Ảnh Thành Chung
Con thuyền đặc biệt chuyên chở rác từ biển, đảo về đất liền. Ảnh: Thành Chung

Bà Nguyễn Thị Long, 62 tuổi, ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc là tổ trưởng tổ thu gom rác. Bà Long chia sẻ về công việc khá nhọc nhằn này: Hàng ngày, chúng tôi sang đảo để đưa rác về đất liền. Trung bình mỗi ngày ở đảo có khoảng 5-6 m3 rác. Rác có nhiều thành phần khác nhau, nhiều nhất vẫn là các chai lọ nhựa, túi ni lông, thức ăn thừa... Sau khi thu gom xong, đến khoảng 8-9 giờ sáng, chúng tôi lại quay về cảng cá, bốc dỡ rác lên, đưa về bãi tập kết phân loại, rồi đóng thùng để ô tô chuyên chở đi xử lý. Công việc thường kết thúc vào lúc 12 giờ - 12 giờ 30 trưa. Cái vất vả ở đây là công việc nặng nhọc, trong điều kiện sóng nước và ô nhiễm.

Rác được các công nhân đóng gói cẩn thận đưa lên bờ để phân loại, xử lý. Ảnh Thành Chung (1)
Rác được các công nhân đóng gói cẩn thận đưa lên bờ để phân loại, xử lý. Ảnh: Thành Chung

Trong những chuyến ra khơi, chiếc thuyền không chỉ chuyên chở rác từ đảo về đất liền. Tổ công nhân này còn “tranh thủ” vớt rác là chai lọ, túi nhựa trôi nổi trên biển, cửa sông. Chị Mai Thị Hương, 50 tuổi, thành viên của tổ chia sẻ: Là công nhân vệ sinh môi trường, chúng tôi không chịu được khi thấy môi trường biển ô nhiễm. Vậy nên, cứ thấy rác là chúng tôi vớt lên. Điều này cũng giống như bản năng vậy...

Hành động vớt rác trên biển và lời chia sẻ của những người làm công tác vệ sinh môi trường này gợi nhớ về câu chuyện của một loài cỏ biển có tên là Neptune (sao Hải Vương) - loài thực vật đặc trưng của vùng Địa Trung Hải. Cỏ Neptune mọc thành đồng ở đáy biển. Khi rụng lá, các sợi cỏ sẽ đan xen vào nhau và tạo thành những hình cầu, quả bóng nhỏ. Những quả bóng bằng sợi cỏ này sẽ “bẫy” các loại rác thải nhựa mắc vào. Khi có sóng lớn, những quả bóng này được đẩy từ biển vào đất liền mang theo những mảnh rác thải nhựa bên trong.

Đồng cỏ biển dưới dưới đáy đại dương
Đồng cỏ biển dưới đáy đại dương. Ảnh: Internet

Theo các nhà nghiên cứu sinh vật biển thì ước tính rằng mỗi năm, những quả bóng cỏ Neptune này “bẫy” gần 900 triệu mảnh rác thải nhựa ở Địa Trung Hải. Sự hữu ích của cỏ biển Neptune trong việc dọn dẹp rác thải nhựa ở dưới đại dương đã cho thấy thiên nhiên vẫn đang cố gắng từng ngày để bảo vệ môi trường sống... Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Con người cần hành động nhiều hơn. Theo thông tin từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có khoảng 267 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải các mảnh vi nhựa trên biển. Trung bình trong mỗi con cá có 2,1 mảnh nhựa.

Quả bóng cỏ Neptune sẽ trôi dạt lên bờ, mang theo những rác thải nhựa
Quả bóng cỏ Neptune sẽ trôi dạt lên bờ, mang theo những rác thải nhựa. Ảnh: Internet

Theo bà Nguyễn Thị Long - những người đang âm thầm thu gom rác thải từ biển thì cảng Cửa Hội, biển Cửa Lò của Nghệ An cũng rất sạch sẽ, không có nhiều rác thải nhựa. Tuy nhiên, mỗi khi trời giông bão, mưa lớn thì biển lại ngập tràn các loại rác trôi nổi từ thượng nguồn về, từ đất liền ra cửa sông và biển. Lúc này, rất cần có những người thực hiện vớt các loại rác nguy hại này để bảo vệ biển. Ngôi nhà mình ở thì bản thân mình muốn sạch. Biển là ngôi nhà lớn...

Bà Nguyễn Thị Long chia sẻ niềm vui được lao động, cống hiến, làm sạch biển. Ảnh Thành Chung
Bà Nguyễn Thị Long chia sẻ niềm vui được lao động, cống hiến, làm sạch biển. Ảnh: Thành Chung

Trong tổ công nhân vệ sinh môi trường này, bà Nguyễn Thị Long là người có “thâm niên” nhất. Bản thân bà từng theo công ty tham gia công tác vệ sinh môi trường biển ở nhiều khu du lịch biển trong cả nước như Sầm Sơn - Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn... Chia sẻ về chuyện nghề, bà Long cho biết: Những năm trước tôi vẫn theo hợp đồng của công ty, đi dọn vệ sinh tại những bãi biển du lịch lớn trong cả nước. Phải nói rằng, ở những địa phương phát triển du lịch biển, người dân địa phương rất có ý thức gìn giữ môi trường. Ở Nghệ An chúng ta, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường biển cần được thực hiện thường xuyên và lan tỏa hơn nữa.

Bây giờ, khi đã có tuổi rồi, bà Long và các công nhân trong tổ không còn đi làm xa nữa mà trở về làm gần nhà. Họ rất vui khi vẫn được lao động, cống hiến, sống khỏe và sống có ích...

Thành Chung