Xây dựng Đảng

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay

Bạch Hiền (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An) 09/09/2024 17:08

Thời gian qua, Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An hết sức chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một bộ phận trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; là những hoạt động nhằm bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ khi Đảng thành lập đến nay, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, liên quan đến sự sống còn của Đảng ta, sự tồn vong của chế độ; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh hội nghị kiểm điểm tập thể lãnh đạo ban hằng năm
Đồng chí Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì một Hội nghị thường niên kiểm điểm tập thể lãnh đạo Ban. Ảnh: Bạch Hiền

Thời gian qua, Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An hết sức chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được ban hành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng bộ với các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra, giám sát nói riêng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung. Ngày 08/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 58-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, trên cơ sở đó Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW ngày 05/8/2022. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tự soi, thúc đẩy việc tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, khả năng nhận diện những vấn đề chính trị hiện nay, góp phần hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên.

3. Đoàn Giám sát Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham dự sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An và Thị ủy Hoàng Mai trò chuyện với các đảng viên Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Cường

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cơ quan trực tiếp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã kịp thời cùng với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa” nhằm kiểm điểm, nhận diện rõ hơn và đề ra các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đoàn Giám sát Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham dự sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Đoàn Giám sát Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An tham dự sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên được cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định để phục vụ công tác cán bộ. 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy có thẩm quyền đã tiến hành xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với hơn 2.367 quần chúng làm thủ tục xét kết nạp vào Đảng; tính đến ngày 31/8/2024, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu rà soát, thẩm định, cho ý kiến 90 trường hợp cán bộ phục vụ công tác cán bộ theo quy định. Việc quản lý và lưu hồ sơ cán bộ sau khi thẩm định và kết luận được thực hiện nền nếp, đúng quy định, đã thực hiện sắp xếp 1.050 lượt hồ sơ/450 cán bộ có nội dung thẩm định tiêu chuẩn chính trị.

1(4).jpg
Đồng chí Phạm Thị Thanh Giang - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An nghiên cứu hồ sơ phục vụ công tác. Ảnh: Bạch Hiền

Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã đấu tranh, ngăn chặn hàng trăm đối tượng có hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, hàng nghìn trang mạng có nội dung xấu độc; vô hiệu hóa, gỡ bỏ hàng trăm video, tin bài có nội dung xấu, độc; xử lý vi phạm đối với nhiều trang mạng xã hội, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, chính thống; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị cũng như góp phần ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện, tư tưởng lệch lạc, thoái hóa, biến chất tiềm tàng, manh nha trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng, Nhà nước, khẳng định quyết tâm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, là điều kiện, tiền đề quan trọng để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở được chú trọng, tăng cường, nhất là nơi có mâu thuẫn, mất đoàn kết kéo dài; những nơi còn tồn tại tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp trong nội bộ, đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, đình công, lãn công. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc.

2(3).jpg
Chuyên viên Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An thực hiện kiểm tra hồ sơ lưu trữ. Ảnh: Bạch Hiền.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Công tác nắm tình hình, cập nhật thông tin về chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa các cơ quan chức năng có lúc chưa thường xuyên. Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, lúng túng. Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, kịp thời, còn sơ hở, mất cảnh giác.

2. Đoàn cán bộ, công chức Ban Tổ chức Tỉnh ủy chụp ảnh lưu niệm tại đền Chung Sơn. Ảnh Nguyễn Văn Sơn
Đoàn cán bộ, công chức Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An tại đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; bầu cử Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 cần xác định:

Thứ nhất, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, trong đó gắn nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ với tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII); trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ hai, công tác phòng ngừa các vấn đề chính trị nội bộ, nhất là chính trị hiện nay phải được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, đặt trong tổng thể các mặt của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, lấy phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ từ gốc là nhiệm vụ cơ bản.

Thứ ba, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động nhận diện, phân loại đối tượng, hóa giải từ sớm, từ xa, xác định chiến lược, sách lược, nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu chính trị và tình hình thực tế.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên với phương châm “không được để lọt vào cấp ủy, lãnh đạo, quản lý những người không đủ tiêu chuẩn chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm”.

Thứ năm, tăng cường quản lý hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh sử dụng các phương thức tuyên truyền, đối thoại, cảm hóa, thuyết phục, làm tốt công tác định hướng dư luận, có trọng tâm, trọng điểm.

Bạch Hiền (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An)