Trên địa bàn nhiều bản, làng ở các huyện vùng cao Nghệ An, lùng là cây mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân; trong đó, huyện Quế Phong có khoảng 17.000 ha, đứng tốp đầu danh sách địa phương có diện tích rừng lùng lớn nhất tỉnh. Các vùng rừng lùng ở huyện Quế Phong tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ với gần 830 ha. Số còn lại phân bố ở các xã khác. Ảnh: H.T Lùng là cây nguyên liệu cho ngành tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu giấy, hàng năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng cao, với khoảng 3 - 4 triệu đồng/ha. Đặc biệt là những vùng rừng lùng đã được cấp Chứng chỉ FSC giúp minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, tạo điều kiện xuất khẩu. Ảnh: T.P Các rừng lùng đều phân bố ở địa bàn xa, trên núi hoặc xung quanh vùng lòng hồ thủy điện. Vì vậy, để chăm sóc, bảo vệ cũng như khai thác cây lùng, người dân phải trèo đèo, lội suối, vượt thuyền qua vùng lòng hồ mới có thể tiếp cận vùng trồng, chăm sóc hoặc chặt từng cây mang về. Ảnh: H.T Tại 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn cây lùng mọc ở các vùng núi cao, cách xa khu dân cư, có nơi trên 40 km giáp với tỉnh Thanh Hóa. Toàn xã Thông Thụ có khoảng 500 ha lùng đã được cấp Chứng chỉ rừng FSC. Theo ông Lương Ngọc Huân - Chủ tịch UBND xã, hiện nay, việc tiêu thụ lùng đang gặp khó khăn do hầu như không có doanh nghiệp thu mua. Chỉ có một vài thương lái thu mua với số lượng nhỏ lẻ. Ảnh: T.P Xã Đồng Văn có hơn 330 ha lùng đã được cấp Chứng chỉ FSC, đã đến kỳ thu hoạch, song hiện nay đang ế ẩm. Ngoài khó tiêu thụ, nhiều vùng rừng lùng ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn đang bị thoái hóa, cây gãy đổ do ảnh hưởng của thời tiết. Chu kỳ của cây lùng khoảng 6 - 10 năm ra hoa 1 lần. Năm nào cây ra hoa là lùng chết hàng loạt, cây khô vàng rồi chết. Trong ảnh: Công việc chặt lùng đòi hỏi người có sức khỏe dẻo dai và giàu kinh nghiệm đi rừng. Ảnh: H.T Bà Lương Thị Tiến - Trưởng bản Mường Hinh, xã Đồng Văn cho biết, khoảng 2 năm nay, cây lùng ở xã Đồng Văn không tiêu thụ được do không có người đến thu mua. Vì vậy, không chỉ giảm nguồn thu nhập chính của bà con, mà nhiều vùng rừng cây lùng đã bắt đầu thoái hóa, cây ra hoa chết khô, hoặc gãy đổ. Ảnh: H.T "Cây lùng là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Thời điểm khoảng 3 năm trước, cây lùng được thu mua với giá khoảng 12- 13 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày có vài chuyến xe đến thu mua khoảng 3 tấn lùng. Trung bình mang lại thu nhập cho các hộ dân khoảng 30 - 40 triệu đồng. Song 2 năm nay, cây lùng không bán được, người dân không vào rừng khai thác nữa”, ông Lương Văn Thương - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết. Ảnh: T.P Người dân bản Mường Hinh, xã Đồng Văn vận chuyển lùng từ vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na về nhà. Ảnh: H.T Lán khai thác lùng ở xã Đồng Văn bỏ hoang hơn 2 năm nay đã xập xệ đổ nát. Ảnh: T.P Theo chia sẻ của cán bộ và nhiều người dân các xã Thông Thụ, Đồng Văn, năm 2024, ngày càng nhiều vùng rừng lùng đang xảy ra hiện tượng cây ra hoa và chết hàng loạt, gây thiệt hại về nguyên liệu cũng như thu nhập của người dân. Địa phương đã có báo cáo lên UBND huyện kiến nghị cấp trên có giải pháp hỗ trợ người dân trong tiêu thụ nguyên liệu lùng. Trước đây, trên địa bàn Quế Phong có doanh nghiệp Khánh Tâm thu mua lùng, keo cho bà con, song hơn 2 năm nay, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hầu như không thu mua, thậm chí còn nợ tiền thu mua nguyên liệu keo, lùng của nhiều hộ dân với số tiền lớn. Có nhiều hộ doanh nghiệp này đang nợ tiền hàng trăm triệu đồng. Ảnh: H.T
Người dân bản Mường Hinh, xã Đồng Văn thu hoạch lùng. Clip: HT - TP
Hoài Thu - Thanh Phúc