Pháp luật

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại Nghệ An

Khánh Ly 11/09/2024 11:25

Sáng 11/9, UBND tỉnh tổ chức nghe và cho ý kiến về Dự thảo Quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030.

1(1).jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh- Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và một số địa phương. Ảnh: KL

Cần thiết ban hành Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng"

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 40 tổ chức hành nghề công chứng, được phân bố tại 16 đơn vị cấp huyện và 84 công chứng viên đang hành nghề, trong đó 2 Phòng Công chứng nhà nước số 1 và số 2 với 5 công chứng viên, 38 Văn phòng công chứng với 79 công chứng viên.

Giám sát công tác tiếp dân tại Phòng công chứng số 2. Ảnh tư liệuĐặng Cường
Giám sát công tác tiếp dân tại Phòng công chứng số 2. Ảnh tư liệu Đặng Cường

Trong hơn 8 năm thi hành Luật công chứng, công tác quản lý nhà nước về công chứng luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo kịp thời, vừa tạo điều kiện cho các văn phòng công chứng thành lập và hoạt động, vừa đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong quản lý nhà nước.

Số lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ; hoạt động của các văn phòng công chứng ngày càng chuyên nghiệp hơn, trở thành dịch vụ công không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Ông Nguyễn Công Hoan- Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Nghệ An thông qua Dự thảo Quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030. Ảnh: KL
Ông Nguyễn Công Hoan- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An thông qua Dự thảo Quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030. Ảnh: KL

Tuy nhiên, việc phân bố mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng không đồng đều giữa các địa bàn cấp huyện, giữa thành thị và nông thôn; một số huyện chưa có văn phòng công chứng nào được thành lập (Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn); Chưa có quy chế khai thác, sử dụng, chia sẻ thông tin về hợp đồng, giao dịch, thông tin ngăn chặn tài sản.

Quy định các điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động văn phòng công chứng còn chung chung, khó thực hiện; Quy định văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn tại khoản 1 Điều 22 Luật công chứng nhưng trên thực tế một số văn phòng công chứng vẫn có hiện tượng hoạt động núp dưới bóng của chủ đầu tư, người góp vốn nhưng vẫn chưa có các giải pháp hoặc chế tài đủ mạnh chấm dứt hiện tượng này.

Bên cạnh đó còn xảy ra hiện tượng công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định, công chứng treo, công chứng chờ; cạnh tranh không lành mạnh; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm đạo đức hành nghề, bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bà Hoàng Thị Thu Trang- Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám Đốc sở Tư pháp trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung trong Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030
Bà Hoàng Thị Thu Trang- Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám Đốc Sở Tư pháp trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung trong Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030. Ảnh: KL

Từ năm 2016 đến 2023, ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt đối với 31 tổ chức hành nghề công chứng, với số tiền xử phạt: 191.000.000 đồng; xử phạt đối với 19 cá nhân là công chứng viên với số tiền xử phạt 185.000.000 đồng; 02 công chứng viên bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên có thời hạn.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động công chứng, phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc xây dựng và ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030” là yêu cầu bức thiết.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động công chứng

Tại cuộc làm việc nghe và cho ý kiến, các đại biểu dự họp cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030.

Bên cạnh đó có một số ý kiến góp ý bổ sung, điều chỉnh như ở mục phân công trách nhiệm, đại diện Cục Thuế tỉnh nêu ý kiến điều chỉnh ýThanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định pháp luật về thuế đối với các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định” thành “tổ chức thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật" để bao quát toàn diện hơn. Đại diện Sở Tài Chính nêu ý kiến nên mở rộng huy động từ nguồn xã hội hoá và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động công chứng.

img_3070(1).jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh- Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động công chứng. Ảnh: KL

Phát biểu về nội dung này, đồng chí Lê Hồng Vinh- Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định về cơ bản hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên lĩnh vực công chứng, cần thiết phải xây dựng đề án để khắc phục những tồn tại, vướng mắc phát sinh và đáp ứng yêu cầu số hoá trong hoạt động công chứng.

Đồng chí lưu ý ngành tham mưu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến một số hạng mục ngân sách; có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại hạn chế, trong đó bổ sung giải pháp liên quan đến Đề án 06 về chuyển đổi số để giảm thủ tục hành chính cho người dân; cơ chế khuyến khích hoạt động công chứng ở các địa bàn huyện miền núi chưa có tổ chức công chứng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng đối với đời sống xã hội, góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong các quan hệ dân sự, kinh tế.

Cũng trong sáng 11/9, đồng chí Lê Hồng Vinh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì nghe và cho ý kiến Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, thi hành pháp luật về xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Quy chế có 3 chương, 17 điều nhằm đảm bảo sự phối hợp kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, có hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong việc triển khai và thực hiện các hoạt động về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ( VPHC) trên địa bàn tỉnh.

Các nội dung phối hợp bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý VPHC; kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Tiếp nhận, xem xét, giải quyết và trả lời phản ánh, kiến nghị; thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý VPHC. Thống kê, báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Thẩm định, đánh giá hồ sơ vi phạm hành chính…

cong-an-huyen-thanh-chuong-tien-hanh-xu-phat-p.v.n.-5-trieu-dong-ve-hanh-vi-dang-tai-thong-tin-sai-su-that.-anh-tu-lieu-huyen-thuong(1).jpg
Công an huyện Thanh Chương xử phạt một cá nhân về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Ảnh tư liệu: Huyền Thương

Đồng chí Lê Hồng Vinh đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở Tư pháp trong tham mưu xây dựng quy chế. Tuy nhiên đồng chí lưu ý cần làm rõ hơn nội dung và trách nhiệm phối hợp của các ngành liên quan; bổ sung nội dung thanh tra định kỳ xử lý vi phạm… để quy chế phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Khánh Ly