Giáo dục

Vào năm học nhưng phụ huynh Nghệ An vẫn 'đỏ mắt' tìm sách giáo khoa

Mỹ Hà 12/09/2024 06:24

Từ cuối tháng 8 đến nay, việc khan hiếm sách giáo khoa ở một số cấp học đang xảy ra tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Nhiều phụ huynh, học sinh “đỏ mắt” vẫn chưa tìm thấy sách, dù năm học mới đã chính thức bắt đầu.

Khan hiếm sách giáo khoa

“Chúng em chỉ có 2 cuốn sách Giáo dục quốc phòng của Cánh diều nhưng đã bán hết cách đây 5 phút rồi”, đó là câu trả lời mà chị Trần Thị Hà (phường Lê Mao, thành phố Vinh) nhận được từ chủ cửa hàng sách cũ đầu đường Nguyễn Văn Cừ. Đây cũng là cửa hàng thứ 5 mà chị tìm đến trong suốt hơn 1 tuần nay nhưng vẫn chưa tìm đủ sách lớp 10 cho con, kể cả sách cũ.

Chia sẻ về điều này, chị cho biết: Cháu mới vào lớp 10, gần cuối tháng 8, giáo viên chủ nhiệm lớp mới đưa ra danh mục sách giáo khoa của các con. Số lượng sách không nhiều nhưng mỗi cuốn lại từng loại sách khác nhau, do nhiều nhà xuất bản cùng cung ứng nên tìm mua rất khó khăn. Tôi đã đi mua rất nhiều lần nhưng vẫn đang thiếu sách Giáo dục quốc phòng, sách Lịch sử và đều là những cuốn sách nằm trong bộ Cánh diều.

bna_-nhieu-phu-huynh(1).jpg
Nhiều phụ huynh vất vả tìm sách giáo khoa cho con. Ảnh: Mỹ Hà

Do không tìm được sách cho con nên chị Hà buộc phải nhờ bạn bè trên mạng hỗ trợ bằng cách tặng lại sách cũ. Một số cuốn khó tìm hơn, chị đã lên các trang thương mại điện tử để đặt và chấp nhận giá thành đội lên gấp đôi vì tiền vận chuyển nhiều hơn cả tiền sách.

Sau gần 1 tháng nhập học, em Yến Chi - học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh vẫn chưa tìm đủ bộ sách giáo khoa cho mình. Mất gần 1 buổi tối chạy từ nhà sách trên đường Lê Duẩn đến nhà sách lớn nhất thành phố trên đường Lê Hồng Phong, nhưng em vẫn đang còn 3 đầu sách chưa mua được, trong đó có 2 cuốn thuộc bộ sách Cánh diều và 1 cuốn thuộc bộ sách Kết nối tri thức.

Nữ sinh này cũng cho biết, ngoài nhà sách ở Vinh, em cũng đã nhờ người nhà ở Đô Lương tìm mua ở địa phương nhưng vẫn không đủ sách. Trong tình huống không mua được sách, em dự kiến sẽ tìm mua sách qua mạng hoặc mượn sách bạn đi photocopy để không gián đoạn việc học.

bna_nhieu-ke-sach(1).jpg
Tại một số nhà sách trên địa bàn TP Vinh hiện trống nhiều đầu sách giáo khoa. Ảnh: Mỹ Hà

Dù năm học mới đã bước sang tuần thứ 2 nhưng tại các nhà sách trên địa bàn thành phố Vinh, số lượng phụ huynh, học sinh đến mua sách vẫn rất đông. Ngoài học sinh lớp 10, học sinh các khối lớp còn lại vẫn có một số đầu sách khó tìm mua. Chị Lam Hoàng, có con đang học lớp 6 tại một trường ven đô cho biết: Con tôi đi học về bảo mẹ ơi cả lớp đang có 3 bạn chưa mua được sách giáo dục địa phương. Bản thân tôi đặt sách ở nhà trường nên “khoán trắng” cho thầy cô nên cũng không biết con thiếu sách. Bây giờ ra nhà sách “đỏ mắt” cũng không tìm thấy.

Bị động trong cung ứng

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên các nhà trường được chủ động lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh. Ngoài việc kế thừa một số sách cũ, nhiều trường cũng đã thay đổi vài đầu sách giáo khoa khiến phụ huynh gặp khó khăn khi tìm mua.

Việc đăng ký mua sách giáo khoa còn khó hơn với học sinh đầu cấp, nhất là với học sinh lớp 10. Bởi lẽ, theo kế hoạch năm học, năm nay, phải đến tuần gần cuối tháng 8, nhiều trường THPT trên toàn tỉnh mới tổ chức tựu trường, tư vấn chọn môn học, chọn khối cho học sinh.

bna_sach-cu-e3116b700ba599bc29a72f0181a5236a(1).jpg
Nhiều cửa hàng sách cũ trên địa bàn thành phố Vinh cũng "cháy" một số đầu sách giáo khoa lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Sau khi chia lớp, phải mất một thời gian ngắn nữa các nhà trường mới công bố danh mục sách giáo khoa nên phụ huynh dù có sự chuẩn bị cũng không thể mua sách sớm cho các con. Chưa kể, chương trình Giáo dục phổ thông mới cho phép các nhà trường cùng một chương trình nhưng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản khác nhau, nên việc chọn sách gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, qua nắm bắt, năm học này, trên địa bàn Nghệ An có 3 đơn vị được các nhà xuất bản lựa chọn để cung ứng sách giáo khoa và việc cung ứng được chia thành từng địa bàn khác nhau. Tuy nhiên, có thể do việc dự báo số lượng sách chưa chính xác nên một số nhà cung ứng đã không dự trù được số sách theo nhu cầu để đặt trước các nhà xuất bản. Đến cuối tháng 8, cùng một thời điểm, nhu cầu của phụ huynh, học sinh tăng cao dẫn đến khan hiếm sách giáo khoa. Thậm chí, một số chủ cửa hàng ở các huyện, thị đã đến thành phố Vinh để gom sách, nên việc thiếu sách diễn ra trên diện rộng.

bna_lop-10-f21f2735f1da0f1ed938c6a661d54c66(1).jpg
Dù đã vào năm học nhưng một số học sinh vẫn chưa tìm đủ sách giáo khoa. Ảnh: Mỹ Hà

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học - đơn vị cung ứng sách giáo khoa nhiều năm nay ở Nghệ An đã thừa nhận có tình trạng khan hiếm sách giáo khoa.

Việc thiếu sách giáo khoa là vấn đề được công ty chúng tôi quan tâm trong thời điểm này. Về phía công ty, dù đã đặt hàng sách từ khá sớm nhưng việc một số địa phương khác trong tỉnh về gom sách khiến công ty không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Chúng tôi đã liên hệ với nhiều nhà sách ở các tỉnh, thành khác để bổ sung nguồn sách nhưng số lượng không có nhiều. Công ty cũng đã đặt thêm các nhà xuất bản nhưng chưa cung ứng đủ vì nhà xuất bản cũng bị động trong việc in ấn.

Ông Trần Xuân Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học

Qua tổng hợp của Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học, hiện có nhiều trường học ở các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đã trực tiếp liên hệ với đơn vị để đặt một số đầu sách lớp 10, trong đó phổ biến như sách Ngữ văn (tập 1, tập 2), sách chuyên đề học tập Ngữ văn, sách Toán (tập 1, tập 2), Giáo dục thể chất bóng đá, giáo dục thể chất bóng chuyền, Vật lý, Hoá học, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Công nghệ: Thiết kế và công nghệ, Công nghệ: Công nghệ trồng trọt thuộc bộ sách Kết nối tri thức. Ngoài ra, các sách như Chuyên đề học tập Toán, Lịch sử, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… của bộ Cánh diều cũng đang được nhiều huyện đặt mua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, rất có thể phải mất một thời gian khá dài nữa, các học sinh mới có thể có đủ sách giáo khoa để học.

Mỹ Hà