Xây dựng Đảng


Xây dựng Hưng Nguyên - quê hương Xô viết phát triển toàn diện

Mai Hoa 12/09/2024 08:48

Truyền thống cách mạng cùng nền tảng hiện tại là động lực quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên quê hương Xô viết tiếp tục đoàn kết, đổi mới, nỗ lực vượt khó, xây dựng huyện Hưng Nguyên phát triển toàn diện, trở thành huyện khá của tỉnh.

 Tượng đài Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Ảnh Mai Hoa
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Sức vươn từ nội lực

Dự án Bảo tồn và Phát huy giá trị Xô viết Nghệ Tĩnh với Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh vừa hoàn thành trong năm nay là cụm công trình thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ.

Anh Ngô Đức Biểu - một người con xã Hưng Tân, hiện đang sinh sống tại phường Bến Thủy (thành phố Vinh) chia sẻ: Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9), tôi đều cùng gia đình về dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Hưng Nguyên. Đây vừa tình cảm, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với thế hệ cha ông đã ngã xuống; vừa giáo dục truyền thống lịch sử, giá trị của độc lập, tự do cho con cháu mình...”.

 Hai bố con anh
Hai bố con anh Ngô Đức Biểu, ở phường Bến Thủy (thành phố Vinh) dâng hương tại khu mộ tập thể các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Tượng đài và ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh tại huyện Hưng Nguyên là biểu tượng của tinh thần đoàn kết; nơi ghi dấu sự kiện cách đây 94 năm về trước, vào ngày 12/9/1930, hàng vạn nông dân Hưng Nguyên giương cao cờ búa liềm, biểu ngữ tham gia biểu tình uy nghi, rầm rộ, xóa bỏ xiềng xích bóc lột “miễn sưu”, “hoãn thuế”, “tăng tiền lương”.

Cuộc biểu tình của hàng vạn nông dân Hưng Nguyên đã bị thực dân phong kiến dìm trong máu, nhưng hào khí của nó vẫn còn vang vọng mãi, trở thành niềm tự hào thiêng liêng thôi thúc các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Nguyên bền gan, vững chí vươn lên, biến quyết tâm thành hành động, tạo ra sự phát triển toàn diện hôm nay.

 Một góc thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh Mai Hoa
Bộ mặt thị trấn Hưng Nguyên được đầu khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Thị trấn Hưng Nguyên hôm nay được “khoác chiếc áo mới” khang trang - sạch - đẹp. Ngoài Dự án Bảo tồn và Phát huy giá trị Xô viết Nghệ Tĩnh, Dự án Công viên Thanh, thiếu niên hoàn thành, đưa vào sử dụng, thì tuyến Quốc lộ 46 đi qua địa bàn và 38 tuyến đường kết nối quốc lộ với tỉnh lộ, đường nội thị được nâng cấp. Các thiết chế văn hóa, thể thao đầu tư đồng bộ từ sức dân và nguồn ngân sách Nhà nước, tạo diện mạo đô thị mới.

Người dân thị trấn năng động, đổi mới tư duy, tích cực chuyển đổi ngành nghề, với tổng hơn 520 cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại; tổng doanh thu đạt hơn 240 tỷ đồng/năm; góp phần nâng thu nhập của người dân đạt bình quân 64 triệu đồng/người/năm (2023); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,25%.

Đồng chí Cao Xuân Bình – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Nguyên cho biết: "Thị trấn đã xây dựng quy hoạch khu đô thị mới tỷ lệ 1/500, gắn với kêu thu hút đầu tư. Thị trấn cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư vào địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong thời gian tới".

 Mai Hoa, cơ sở sản xuất cửa tôm mã kém
Cơ sở sản xuất cửa tôn mã kẽm tại thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Xã Hưng Tân là đơn vị luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của huyện Hưng Nguyên. Không tự thỏa mãn, cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây luôn trăn trở tạo bước phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Hiện trên 267 ha đất canh tác, người dân xã Hưng Tân đã triển khai một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao như trồng tỏi đen, rau, củ, quả. Đối với diện tích trồng lúa, được cơ cấu giống lúa chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, xã Hưng Tân phát triển mạnh 150 mô hình kinh tế gia trại, trang trại; trong đó, có những gia trại, trang trại có doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, như: Gia đình các ông: Võ Ngọc Minh, Hồ Xuân Sang, Phan Trọng Sơn… Địa phương cũng tập trung phát triển nghề truyền thống bánh cà, cốm, rượu nếp… Riêng sản phẩm bánh cà có 250 hộ dân làm và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Hưng Tân đạt 63 triệu đồng/năm.

 Diện tích làm màu của xã Hưng Tân được cơ cấu nhiều cây trồng hàng hoá, trong đó có giống dưa chuột %22ngồi%22. Ảnh Đậu Kiều Hoa
Diện tích làm màu của xã Hưng Tân được cơ cấu nhiều cây trồng hàng hóa, trong đó có giống dưa chuột "ngồi" có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, xã Hưng Tân được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Điểm nhấn của xã là huy động sức dân đầu tư hồ điều hòa rộng 3 ha, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Phát huy những lợi thế của địa phương, cán bộ và nhân dân xã Hưng Tân phấn đấu xây dựng xã trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch canh nông.

Sức vươn của người dân Hưng Nguyên được minh chứng bằng nhiều phong trào phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Đồng chí Lê Phạm Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho rằng: Kết quả xây dựng nông thôn mới với 17/17 xã được công nhận đạt chuẩn (trong đó, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn kiểu mẫu) và thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh đã khẳng định sự phát triển đồng đều giữa các địa phương. Công cuộc đó khẳng định sự phát triển toàn diện, bởi những tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh đã “bao trùm” các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

 Không gian, cảnh quan môi trường nông thôn ở Hưng Nguyên được quan tâm chăm lo, góp phần
Không gian, cảnh quan môi trường nông thôn ở huyện Hưng Nguyên được quan tâm chăm lo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe của người dân. Ảnh: Mai Hoa, Kiều Hoa

Chú trọng phát triển kinh tế đa dạng

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở huyện Hưng Nguyên bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu để chỉ đạo thực hiện. Quá trình đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp.

Phương pháp chỉ đạo của huyện Hưng Nguyên là “rõ người, rõ việc, rõ trọng tâm”, không chung chung, dàn trải. Bên cạnh phát huy nội lực, các cấp chú trọng mở rộng công tác đối ngoại, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp, tạo nguồn sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

anh-dao-huyen-hung-nguyen-kiem-tra-thi-cong-de-bao-hung-dao.-anh-mai-hoa.jpg
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra tiến độ, chất lượng thi công đê bao xã Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Hưng Nguyên đạt 13,53%/kế hoạch 9,5-10,5%; trong đó, riêng năm 2023 đạt 16,5%. Trong sản xuất nông nghiệp, đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với tổng 850 ha tại các xã Hưng Lợi, Hưng Tân, Hưng Đạo, Hưng Thắng, Hưng Tiến, thị trấn.

Đối với cây lúa, đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống, tạo vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao đạt hơn 6.000 ha/9.232 ha gieo trồng. Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại với tổng 330 mô hình toàn huyện; trong đó, có 64 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Mô hình trồng dưa lưới và rau hàng hoá trên vùng đất bãi xã Hưng Thành; mô hình trồng sâm Ngưu Bàng trên vùng đất bãi xã Long Xá. Ảnh Mai Hoa
Mô hình trồng dưa lưới và rau hàng hoá trên vùng đất bãi xã Hưng Thành; mô hình trồng sâm ngưu bàng trên vùng đất bãi xã Long Xá. Ảnh: Mai Hoa

Huyện Hưng Nguyên cũng quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Toàn huyện hiện có 139 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã có 45 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trong đó, có 29 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 1,6 vạn lao động địa phương.

Phát huy lợi thế với hệ thống giao thông kết nối Bắc – Nam, gần cảng biển, sân bay, đường sắt; Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Huyện đang tập trung triển khai lập quy hoạch cụm công nghiệp Hưng Yên có quy mô 30 ha; đồng thời quy hoạch thêm hai cụm công nghiệp, gồm mở rộng cụm công nghiệp Hưng Yên thêm 40 ha và cụm công nghiệp tại xã Hưng Nghĩa, Hưng Mỹ có tổng diện tích 70 ha. Khi các cụm công nghiệp này hoàn thành, thu hút các dự án đầu tư sẽ mở ra cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách cho địa phương. Cùng với đó, đầu tư xây mới và nâng cấp 8/14 chợ trên địa bàn huyện, thúc đẩy sản xuất, giao thương của người dân.

Bên cạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, huyện Hưng Nguyên chăm lo phát triển văn hóa làm nền tảng, động lực cho sự phát triển. Cùng đó, thực hiện tốt nhiệm vụ “then chốt”, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên tiếp tục đặt ra quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, đưa huyện phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, xứng đáng quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, quê hương Xô viết anh hùng.

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Trân Châu

Mai Hoa