Kinh tế

'Tổ tiết kiệm và vay vốn' - mô hình có sức lan tỏa trong công tác 'Dân vận khéo'

Nhật Lai (Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh) 14/09/2024 07:24

Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Nghệ An có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

“Bà đỡ” của hộ nghèo

Tổ tiết kiệm và vay vốn do UBND cấp xã thành lập, hoạt động trên địa bàn thôn, bản có tối thiểu 5 tổ viên và tối đa là 60 tổ viên. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số dưới sự điều hành của ban quản lý tổ. Các thành viên trong ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn phối kết hợp, đôn đốc, giám sát lẫn nhau để hoàn thành những công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy nhiệm thông qua hợp đồng ủy nhiệm.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mô hình hoạt động triển khai tín dụng chính sách. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, qua đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học: “Giải pháp nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững, gắn với các hoạt động cộng đồng tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An”.

Đề tài đã được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nghiệm thu và công nhận đạt loại giỏi (theo Quyết định số 4451/QĐ-NHCS ngày 10/6/2022). Trên cơ sở đề tài nghiên cứu, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng.

Anh minh hoa so 2-To TK&VV ban Mat-Tuong Duong- bài Lai
Sinh hoạt Tổ TK&VV tại bản Mát, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương. Ảnh: Nhật Lai

Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông do chị Hà Thị Mơ làm tổ trưởng có 49 tổ viên tham gia, là tổ được xây dựng theo hướng bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng theo đề án thí điểm từ năm 2022 của chi nhánh. Nhu cầu của các hộ chủ yếu cần vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi… Tổng dư nợ hiện tại của tổ đạt gần 3,6 tỷ đồng.

Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, chị Hà Thị Mơ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; đôn đốc các hộ vay trả lãi đúng hạn, đồng thời, tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm. Từ nguồn vốn vay, đã có nhiều hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Hà Thị Hương, thành viên của tổ chia sẻ: Từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay, chị đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò, trồng keo, du lịch cộng đồng. Từ hộ thuộc diện cận nghèo, đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định và có thêm tích lũy. Mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng của chị cũng đã thu hút và tạo việc làm cho 4 lao động là người dân trong bản.

Tổ TK&VV xóm 6, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế
Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xóm 6, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Ảnh: Nhật Lai

Hiệu quả thiết thực nhìn từ thực tiễn

Từ những thay đổi trong tư duy và cách làm về dân vận ở cơ sở, chất lượng hoạt động của mạng lưới ủy thác, ủy nhiệm; chất lượng tín dụng và các chỉ số đánh giá hoạt động của toàn chi nhánh tỉnh Nghệ An đã thay đổi vượt bậc so với những năm trước.

Tính đến 31/7/2024, toàn tỉnh hiện có 6.135 tổ (trong đó, có 261 tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với hoạt động cộng đồng, bao gồm: Hội nông dân 93 tổ, Hội Phụ nữ 92 tổ, Hội Cựu chiến binh 40 tổ, Đoàn Thanh niên 36 tổ). Dư nợ bình quân đạt 2.169 triệu đồng/tổ, tăng 118 triệu đồng so với đầu năm 2024. Kết quả đánh giá xếp loại: loại tốt 5.998 tổ (chiếm 97,77%); loại khá 108 tổ (chiếm 1,42%), loại trung bình 28 tổ (chiếm 0,33%), loại yếu 1 tổ (0,02%).

Biểu đồ - dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH
Biểu đồ - dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH. Đồ họa: Hữu Quân

Hoạt động của các tổ đã thực sự mang lại hiệu quả và ý nghĩa rất lớn tại các huyện miền núi, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở được thực hiện kiên trì, đồng bộ, toàn diện, liên tục đã mang lại những kết quả rất tích cực. Từ năm 2022 đến nay, hầu như không có đơn, thư vượt cấp của người dân về vấn đề vay vốn, các vấn đề tiêu cực gần như giảm tuyệt đối, các vấn đề phát sinh khác được phát hiện và giải quyết kịp thời.

Ông Hoàng Sơn Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Sau khi khảo sát thực tế tại một số mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 122/NHCS-UT ngày 06/02/2024 về “Xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững, gắn với hoạt động cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030”.

Việc triển khai kế hoạch đã nhận được sự đồng thuận cao từ các tổ chức hội cấp tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở, sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Kết quả, giai đoạn I thực hiện xây dựng mô hình điểm về tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững đã vượt mục tiêu đề ra.

Anh minh hoa so 3- Chi Lo Thi Nga- bài Lai
Mô hình điển hình tạo việc làm cho chị em bản Hoa Tiến 2 (Quỳ Châu) của thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn Lô Thị Nga nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Nhật Lai

Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách, góp phần giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình và từng bước thoát nghèo bền vững.

Việc triển khai xây dựng mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với hoạt động cộng đồng đã góp phần đưa chất lượng hoạt động mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng tín dụng của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An trở nên an toàn, vững mạnh...

Đồng chí Ngô Đình Viện - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn được Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” từ năm 2022. Dù triển khai thí điểm giai đoạn 1, nhưng thực tiễn hoạt động cho thấy, mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với hoạt động cộng đồng thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh.

Kết quả hoạt động của mô hình đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1 trong 39 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và điểm sáng quy chế dân chủ cơ sở giai đoạn 2021-2023 được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức biểu dương tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 6/2024.

Nhật Lai (Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh)