Xã hội

7 học sinh bị ong đốt, 1 em tử vong trên đường đi cấp cứu

Phương Chi 14/09/2024 17:01

7 học sinh trên đường đi học về nhà gặp tổ ong ven đường, các em đã chọc tổ ong chơi thì bị ong đốt, hậu quả cả 7 em bị thương, trong đó, 1 em tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trưa 13/9, 7 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn sau khi ăn cơm trưa xong tại trường trở về nhà ở bản Huồi Khói, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, khi đến khu vực gần bản Huồi Khói, xã Mường Típ thì gặp 1 tổ ong đất ở ven đường, các em chọc tổ ong chơi thì bị ong đốt, hậu quả cả 7 em đều bị thương phải nhập viện.

MT 2
Một buổi sinh hoạt tập thể của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mường Típ 2, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn.

Trong đó, 4 cháu bị thương nhẹ hơn điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn; còn 3 cháu chuyển tuyến trên cấp cứu điều trị. Tuy nhiên khi di chuyển đến khu vực thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, 1 em học sinh lớp 5 do bị thương nặng đã tử vong.

ong-720.jpg
Ong đất hay ong bắp cày là loài ong nguy hiểm nhất trong các loại ong. Ảnh: minh họa

Hiện nay, 2 em sau khi điều trị bước đầu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đã chuyển sang Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục chữa trị. Còn 4 em đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe dần hồi phục.

Ong đất có độc không?

Ong đất tên khoa học là Vespa nigrithorax, còn gọi là ong bắp cày, to hơn thân màu đen, chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong đóng cây mục.

Những con ong đất là cơn ác mộng đối với con người bởi khả năng giết người chỉ trong chớp mắt. Được mệnh danh là “ong sát thủ” vì nọc độc nguy hiểm và sự hung dữ, loài này còn có những hành vi khiến giới khoa học gọi là ong diệt chủng.

Nọc độc ong chứa nhiều chất cực độc như melittin, apamin, phospholipase A2, phospholipase B, chất phá vỡ tế bào mast, hyaluronidase, histamine, dopamine,... trong đó có thành phần chính là melittin và phospholipase A2. Melittin là chất gây đau ở người bị đốt và nguy hiểm hơn vì làm tan máu và rối loạn đông máu. Apamine là hợp chất có khả năng làm tê liệt hệ thần kinh và hoạt động cơ bắp, thậm chí gây suy hô hấp, liệt dây thần kinh và tử vong.

Phải làm gì khi bị ong đốt

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tai nạn do ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều, có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây tử vong chỉ với 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu.

Để tránh hậu quả nghiêm trọng, khi trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng di chuyển trẻ tới khu vực an toàn tránh bị đốt nhiều hơn. Sau đó, thực hành các bước như sau:

Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương.

Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.

Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút.

Trường hợp trẻ có một trong các dấu hiệu sau: có nhiều vết đốt; bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo phù nề lan nhanh hoặc có sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.

Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau khi bị ong đốt để tránh những nguy hiểm xảy ra.

Theo VTV.vn

Phương Chi