Kinh tế

Giao dịch qua ATM ngày càng giảm

Xuân Hoàng 15/09/2024 16:14

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân qua phương thức quét mã QR mang lại nhiều tiện ích, khiến giao dịch tại các cây ATM của ngân hàng ngày càng giảm.

Thanh toán mã QR và ví điện tử mọi lúc, mọi nơi

Trước đây, tại các điểm rút tiền ATM thường đông người qua lại để rút tiền mặt, nhất là vào dịp lễ, Tết, hàng dài người đứng xếp hàng chờ đến lượt rút tiền. Có những người phải chờ nhiều tiếng đồng hồ mới đến lượt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan sát trên các tuyến đường chính của thành phố Vinh, thấy rõ cảnh vắng vẻ tại các cây ATM của ngân hàng, thỉnh thoảng mới có người đến giao dịch.

Một điểm rút tiền ATM trên đường Trường Thi, TP. Vinh luôn vắng người đến giao dịch. Ảnh: xuân Hoàng
Một điểm rút tiền ATM trên đường Trường Thi, TP. Vinh luôn vắng người đến giao dịch. Ảnh: xuân Hoàng

Anh Nguyễn Hữu Quang ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh cho rằng, cách đây 4 - 5 năm về trước, thẻ ATM khá thông dụng. Ở khu vực thành, thị, trung tâm huyện, xã, quanh các bệnh viện, bến xe, siêu thị... đều có cây ATM, khi cần tiền là rút được ngay. Tuy nhiên, bất cập là khách hàng đến giao dịch nhiều nên cây ATM nào cũng đông, có lúc phải chờ lâu, mất nhiều thời gian. Điều bất tiện nữa là, nếu thao tác không đúng mật khẩu sẽ bị nuốt thẻ, gây phiền phức.

Thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt, các ngành và mọi người dân áp dụng chuyển đổi số, tất cả tiền đều nằm trong ví điện tử, thanh toán bằng cách quét mã QR nên tiện lợi hơn rất nhiều so với giao dịch qua thẻ ATM. Trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay, hầu hết các điểm kinh doanh, bán hàng… đều có mã QR để khách hàng thanh toán. Như vậy là tiện lợi vì thao tác nhanh chóng, chính xác; hơn nữa, bản thân cũng tránh được các rủi ro khi phải mang theo nhiều tiền mặt bên người. Do vậy, từ nhiều năm nay anh Quang không mấy khi sử dụng thẻ ATM, nên rất ít khi đến cây ATM rút tiền.

Cách đây khoảng 3 - 4 về trước, các điểm rút tiền ATM của các ngân hàng luôn hoạt động, do lượng người đến giao dịch nhiều, nhưng sau này giảm hẳn. Ảnh: Xuân Hoàng
Cách đây khoảng 3 - 4 năm về trước, các điểm rút tiền ATM của các ngân hàng luôn trong cảnh đông đúc người đến giao dịch, nhưng sau này giảm hẳn. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại các thị trấn, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, các điểm rút tiền ATM luôn trong tình trạng vắng người đến giao dịch. Bà Trần Thị Phương ở xóm Tây Hồ, xã Nam Thành (Yên Thành) cho hay, từ ngày cài đặt app ngân hàng trên điện thoại thông minh, cùng đó các cửa hàng kinh doanh tạp hóa, xăng dầu, ăn uống, các quầy bán thuốc chữa bệnh đến hiệu cắt tóc, rửa xe, thanh toán tiền điện… trên địa bàn đều sử dụng mã QR của ngân hàng để thanh toán, nên không mấy khi đến cây ATM để rút tiền mặt như trước.

“Trước đây, việc mua sắm, thanh toán chi phí điện nước trực tiếp, nhiều khi phải đi đến tận các điểm thu mới thanh toán được. Hiện nay, tôi đã sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử nên rất thuận tiện. Khi ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu, tôi đều có thể thanh toán tiền điện, nước, tiền học phí cho con hoặc mua sắm online. Do đó, trong ví có 3 thẻ ATM nhưng lâu nay rất ít dùng tới”, bà Phương chia sẻ.

Thanh toán quét mã QR đang ngày càng phổ biến tại các điểm kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Ảnh: Xuân Hoàng
Thanh toán quét mã QR đang ngày càng phổ biến tại các điểm kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Ảnh: Xuân Hoàng

Thanh toán bằng quét mã QR đã thành thói quen đối với hầu hết người dân, nên với những người bán hàng chưa áp dụng mã QR trở nên lạc hậu và bất tiện đối với khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hương - một dược sĩ bán thuốc chữa bệnh ở khu vực chợ Rộc, xã Trung Thành (Yên Thành) cho hay, ngày càng có nhiều khách đến mua thuốc thanh toán qua mã QR, nên đầu năm 2024, chị đến ngân hàng mở tài khoản và áp dụng thanh toán bằng mã QR ngay tại quầy bán thuốc, cho thấy rất thuận lợi.

“Trước đây khi chưa áp dụng thanh toán bằng quét mã QR, tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị tiền lẻ để phụ cho khách. Nay hầu hết khách hàng trả tiền qua quét mã QR, thuận tiện cho cả đôi bên. Thanh toán qua chuyển khoản giúp tôi giảm rủi ro mất mát tiền mặt hoặc nhận tiền giả”, bà Hương nói.

Nói về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Văn Đề - Chủ tịch UBND xã Long Thành (Yên Thành) cho biết: Là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số trong năm 2024 nên người dân cũng cập nhật các xu thế công nghệ khá nhanh. Các cửa hàng kinh doanh từ tạp hoá đến các mặt hàng khác trên địa bàn xã Long Thành đều có mã QR cho khách thanh toán.

Hiện nay có đến 90% người dân trong xã sử dụng điện thoại thông minh, kết nối Internet băng rộng; cơ bản 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện các giao dịch mua, bán cũng như các dịch vụ thanh toán khác. 100% các cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã đều có mã QR của các ngân hàng, phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Giao dịch qua ATM giảm là tất yếu

Tìm hiểu tại một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn các huyện Yên Thành, Diễn Châu và các địa phương khác, đều cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch tại điểm rút tiền ATM giảm hẳn.

Từ mấy năm gần đây các điểm rút tiền ATM của ngân hàng rất ít người đến giao dịch. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ mấy năm gần đây, các điểm rút tiền ATM của ngân hàng từ thành phố đến nông thôn rất ít người đến giao dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Đại diện một số ngân hàng cho rằng, mấy năm gần đây người dân thanh toán bằng quét mã QR phổ biến, chính vì thế, các điểm rút tiền ATM khá vắng vẻ, không còn tình trạng xếp hàng chờ đến lượt như trước. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn duy trì số lượng tiền ổn định trong cây ATM để phục vụ khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An trao đổi: "Giao dịch qua ATM do các ngân hàng kết nối trên hệ thống, nên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng và giá trị giao dịch qua thẻ ATM hiện nay. Tuy nhiên, với việc người dân thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nhiều, thì chắc rằng số lượng cũng như giá trị giao dịch qua thẻ ATM giảm hẳn so với trước. Với những lợi ích thiết thực, thanh toán không dùng tiền mặt chính là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại 4.0".

Thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2023, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống. Dự kiến trong năm 2024, tỷ trọng giao dịch ATM sẽ giảm hơn. Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay ở Nghệ An, tại các huyện miền núi, đặc biệt là vùng miền núi cao, tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa nhiều, do việc sử dụng điện thoại thông minh của người dân chưa được thành thạo, hoặc chưa có điều kiện để mua sắm điện thoại thông minh.

Do đó, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng miền núi tiếp cận với công nghệ, áp dụng thanh toán không tiền mặt chỉ với những thao tác đơn giản, nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt, tránh những đối tượng xấu lợi dụng để lưu hành tiền giả./.

Xuân Hoàng