Kinh tế

Nghệ An chủ động cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mùa mưa bão

Thu Huyền 15/09/2024 17:09

Hiện đang mùa mưa bão, Sở Công Thương Nghệ An chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động triển khai công tác dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Không "bão giá", không có cảnh chen mua, tranh bán

Siêu bão số 3 đi qua, nhưng hoàn lưu đã gây ngập lụt, sạt lở ở nhiều khu vực ở miền Bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trước tình hình đó, các cấp bộ ngành Trung ương, địa phương đã có chỉ đạo, chủ động triển khai công tác đảm bảo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Tại Nghệ An, các đơn vị cũng có phương án luân chuyển hàng hóa liên tục đến tại các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến để sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Ông Trần An Khang – Giám đốc siêu thị Go! Vinh (TP. Vinh), cho biết: Lượng hàng hóa tại siêu thị dồi dào, từ thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rau xanh đều đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ở siêu thị, không có cảnh chen mua, tranh mua thực phẩm. Rau xanh giá có nhích so với trước do các vùng trồng bị ảnh hưởng mưa lũ. Tuy nhiên, do chủ động nguồn cung nên rau xanh ở hệ thống siêu thị chúng tôi vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài việc triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa đến các doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết yếu, các siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống kênh phân phối trên toàn tỉnh để chủ động nguồn hàng, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường với việc bán hàng đúng giá niêm yết các mặt hàng Nhà nước quy định giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thiên tai để tăng giá bất hợp lý; đồng thời, tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi, nông thôn để tạo điều thuận lợi cho bà con mua sắm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, chúng tôi đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân.

Nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản. Đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, ngành Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 để có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu phục vụ người dân.

thị trường hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh Thu Huyền
Thị trường hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Nhìn lại thị trường tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu trong đợt cao điểm bão số 3 vừa qua, có thể thấy rõ sự ổn định. Các đơn vị phân phối như Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH TM Nam Long, hệ thống các siêu thị: Go! Vinh, MM Mega Market, Winmart,... các cửa hàng tiện ích như Winmart+, Bibigreen,.. và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa và các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý, triển khai đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá dịp mưa bão. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2024 trên địa bàn Nghệ An ước đạt 11.777,9 tỷ đồng, giảm 6,09% so với tháng trước, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 100.380,1 tỷ đồng, tăng 31,43% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ động ứng phó trong mùa mưa bão

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 7/9, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu để kịp thời cung ứng đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.

Ngày 9/9, Bộ Công Thương gửi Công văn hỏa tốc số 6883/BCT-TTTN đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường sau bão và Công văn hỏa tốc số 6915/BCT-TTTN ngày 10/9/2024 gửi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Hàng hóa được cung ứng tại các địa bàn miền núi. Trong ảnh, hàng tạp hóa tại xã Châu Khê, Con Cuông. ảnh: Thu Huyền
Hàng hóa được cung ứng tại các địa bàn miền núi. Trong ảnh, hàng tạp hóa tại xã Châu Khê, Con Cuông. Ảnh: Thu Huyền

Mới đây, Sở Công Thương nhận được Công văn của Tập đoàn Central Retail – Đại diện bởi Công ty TNHH Dịch vụ EB. Theo đó, đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xe chở hàng của Công ty được phép linh hoạt lưu thông không hạn chế khung giờ và trọng tải để vận chuyển hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá,… đến các khu vực nơi có hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market.

Để kịp thời đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân các tỉnh phía Bắc sau mưa lũ, Sở Công Thương kính đề nghị Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã gồm: Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông không bị hạn chế khung giờ và tải trọng các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ khu vực các tỉnh phía Bắc qua các điểm chốt tại địa bàn các huyện, thành phố, thị xã liên quan.
Thời gian bắt đầu thực hiện từ 00h ngày 14/9/2024 cho đến khi khắc phục xong hậu quả của siêu bão Yagi tại các tỉnh khu vực phía Bắc.

Từ sự chủ động phương án ứng phó trong đợt bão số 3 vừa qua, rút kinh nghiệm cho các tình huống thiên tai bất thường có thể diễn ra thời gian tới, Sở Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo việc chủ động triển khai công tác dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai để bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra bão và mưa lũ, ngập lụt; đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị ngập khi có thiên tai có kế hoạch dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm tại chỗ đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.

Các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan khảo sát nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, xác định những khu vực có nguy cơ ảnh hưởng. Vận động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn có phương án kinh doanh, dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời cung ứng phục vụ nhu cầu cho nhân dân. Phối hợp các với lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát về giá cả, chất lượng hàng hóa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

gia đình anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn vay vốn ngân hàng đầu tư cửa hàng tạp hóa ảnh thu huyền
Tại các vùng nông thôn, hàng hóa thiết yếu cũng đảm bảo nguồn hàng. Trong ảnh: Cửa hàng tạp hóa xã Diễn Vạn, Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền

Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ động, sẵn sàng điều tiết hàng hóa kịp thời, đầy đủ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phân nhỏ lượng hàng dự trữ ở các kho khác nhau, đồng thời gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cùng với đó, huy động các nguồn lực, phương tiện sẵn sàng vận chuyển hàng hóa từ kho hàng đến các điểm bị chia cắt trong trường hợp cần thiết, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, không để bị thiếu hàng, sốt giá ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong trường hợp xảy ra mưa lũ.

Đặc biệt, chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo ổn định giá cả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh… khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Hiện đang mùa mưa bão, chúng tôi chủ động phương án ứng phó, tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp phân phối, đơn vị cung cấp hàng hóa quy mô lớn, các thương nhân đầu mối và kinh doanh xăng dầu tập trung nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Các địa phương, doanh nghiệp chủ động cung ứng, lưu thông hàng hóa trong các tình huống mưa bão xảy ra.

Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương

Thu Huyền