Cộng đồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở Tương Dương - Bài 1: Những hiệu quả cao từ dự án
Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng được tài trợ cho người dân tại huyện Tương Dương. Dự án giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An.
Xây dựng vườn dược liệu dưới tán rừng
Chúng tôi đã nhiều lần đến với 2 xã Nga My và Yên Hòa, huyện Tương Dương. Đây là hai xã vùng sâu vùng xa của huyện biên giới này. Đa phần đời sống người dân nơi đây còn khó khăn và phụ thuộc vào thiên nhiên, khai thác tài nguyên có sẵn từ rừng.
Hai năm lại nay, tại hai xã có thêm sinh kế mới từ Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An.
Mục tiêu của dự án là tăng cường các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập và năng lực cho cộng đồng sống trong vùng đệm các khu rừng đặc dụng, giảm thiểu áp lực lên rừng và bảo tồn tính đa dạng sinh học ở Khu DTSQ miền Tây Nghệ An.
Cụ thể, dự án hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (kỹ thuật, tài chính và thị trường). Tăng cường hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phục hồi và thu hái bền vững cây dược liệu dưới tán rừng. Tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho cộng đồng vùng đệm thông qua các hoạt động như thu hái bền vững dược liệu dưới tán rừng tự nhiên; phát triển các mô hình nhân giống và trồng cây dược liệu dưới tán rừng; vận hành quỹ sinh kế xoay vòng.
Hiệu quả trên nhiều mặt
Dự án triển khai cụ thể tại vùng hành lang đa dạng sinh học ở hai xã của huyện Tương Dương: bản Đàng, bản Na Kho, Xốp Kho (xã Nga My); bản Yên Tân, Đình Yên, Yên Hợp (xã Yên Hòa); số lượng hỗ trợ 280 người, 600 hộ gia đình được nâng cao năng lực về phát triển dược liệu dưới tán rừng. Ngoài ra, dự án còn xây dựng quỹ quay vòng với 615 triệu đồng, quỹ được vận hành giúp người dân các bản có nguồn vốn vay phát triển sinh kế.
Từ tháng 9/2022, tại hai xã này đã xây dựng được 2 vườn ươm giống các loài cây dược liệu và 2 vườn ươm được vận hành bởi người dân, dự kiến sản xuất được 10.000 - 15.000 cây giống dược liệu các loại/năm; đồng thời trồng được 18 ha cây dược liệu dưới tán rừng sẽ giúp gia tăng ít nhất 20% thu nhập của các hộ gia đình trong vùng dự án. Trong đó 3 ha trà hoa vàng và 6 ha khôi tía tại Yên Hòa và 3 ha ba kích tím, 9 ha bách bộ tại xã Nga My.
Hai vườn ươm cây giống dược liệu đặt tại tại bản Xiềng Lip và bản Đàng đã sản xuất được 15.000 cây ba kích tím, 2.200 cây hoài sơn; 3.500 cây khôi tía, 300 cây trà hoa vàng, 500 cây giảo cổ lam trong giai đoạn tháng 7/2023 – 8/2024 vừa qua. Trung bình mỗi năm tới sẽ ươm thêm được 10.000 cây/vườn. Từ 2 vườn ươm ban đầu hiện đã mở rộng thêm 2 vườn ươm tại xã Yên Hòa và xã Nga My chuẩn bị làm thêm 1 vườn.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, dự án còn từng bước xây dựng, tuyên truyền ý thức cho người dân, cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, định hướng phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là xu hướng kinh tế tất yếu toàn cầu để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Qua những hỗ trợ miễn phí của dự án, chính quyền địa phương, người dân được tăng cường kiến thức về xu hướng tất yếu trong kết nối “4 bên”: Nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học nhằm tăng hiệu quả mô hình kinh tế. Để phát triển dược liệu giá trị cần quan tâm đến thị trường và chuỗi giá trị cho cây dược liệu, sự cần thiết trong thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và tạo nên một thị trường cạnh tranh, minh bạch và nâng cao giá trị mô hình thực tiễn. Đồng thời tạo “nguồn” khai thác các nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia để phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng.
Trong vòng 2 năm, dự án đã thực hiện thành công 62 hoạt động, gồm các khóa tập huấn, xây dựng, hướng dẫn, triển khai mô hình, tạo lập và quản lý Quỹ quay vòng, thành lập trang diễn đàn phát triển dược liệu, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý, sử dụng bền vững và phát triển dược liệu. Ngoài ra Dự án thực hiện thêm 3 hoạt động: Tổ chức Hội thảo “Kết nối 4 nhà trong phát triển dược liệu”; Tổ chức tham quan học hỏi về phát triển dược liệu ở Hà Nội và Ba Vì cho 20 cán bộ chủ chốt và thành viên ưu tú; Trồng bổ sung cây dược liệu dưới tán rừng.
Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn da dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” do Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) và Các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, Trường Đại học Vinh thực hiện.
Dự án này do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) điều phối thực hiện trong khuôn khổ Dự án: “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và GEF tài trợ thông qua UNDP Việt Nam.