Kinh tế

Quỳnh Lưu nạo vét lòng sông Thái để kịp thời tiêu úng mùa mưa lũ

Văn Trường 18/09/2024 08:45

Huyện Quỳnh Lưu tập trung nạo vét lòng sông Thái nhằm khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu lũ, chống ngập cho 8 xã trên địa bàn huyện.

Lòng sông Thái trước đây bồi lắng và chật hẹp do người dân lấn chiếm trồng cây. Ảnh
Lòng sông Thái trước đây bồi lắng và chật hẹp do người dân lấn chiếm trồng cây. Ảnh: Văn Trường

Tại sông Thái đoạn qua xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, thời điểm này, cả tuyến sông đã được nạo vét thông thoáng. Bà Nguyễn Thị Tình ở xóm Hồng Nguyên, xã Quỳnh Hồng cho biết: Khu vực sông Thái trước kia bùn đất bồi lắng, chỉ cần trận mưa lớn kéo dài là nước sông dâng lên ngập úng cả nhà. Nay lòng sông vừa được nạo vét xong, mấy trận mưa vừa qua nước tiêu thoát nhanh không bị ảnh hưởng ngập úng.

Ông Lê Sỹ Thành - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng cho biết thêm: Toàn xã Quỳnh Hồng có trên 1.000 hộ dân thuộc 2 xóm Hồng Nguyên và Hồng Yên, đều nằm dọc sông Thái, có nguy cơ ngập lụt. Tuy nhiên, việc nạo vét, mở rộng lòng sông Thái kịp thời, đã phát huy tiêu thoát nước hiệu quả ngay từ mấy trận mưa vừa qua.

Đến nay đã được huyện Quỳnh Lưu nạo vét mở rộng dòng sông tiêu thoát lũ. Ảnh: Văn Trường
Huyện Quỳnh Lưu nạo vét mở rộng dòng sông tiêu thoát lũ. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sông Thái có chiều dài trên 20 km, có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho 8 xã của huyện Quỳnh Lưu, tuy nhiên, nhiều năm qua hệ thống tiêu thoát nước này bị bồi lắng, chưa kể là có nhiều hộ dân lấn chiếm hai bên dòng sông để trồng cây, nuôi trồng thủy sản.

Trước tình hình đó, trong năm 2024, huyện Quỳnh Lưu đã triển khai công trình nạo vét lòng sông Thái, nhằm khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc hệ thống tiêu thoát nước trên sông Thái đảm bảo tiêu lũ, chống ngập cho 8 xã trên địa bàn huyện gồm các xã: Quỳnh Hồng, Quỳnh Giang, Quỳnh Diễn, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn, Quỳnh Hồng, thị trấn Cầu Giát.

Hơn 1,6 km lòng sông Thái bị bồi lắng nay đã được nạo vét thông thoáng. Ảnh: Văn Trường
Hơn 1,6 km lòng sông Thái bị bồi lắng nay đã được nạo vét thông thoáng. Ảnh: Văn Trường

Quy mô, nạo vét, mở rộng dòng sông Thái với chiều dài trên 1,6 km, điểm đầu tại cống sông Đào ở khối 4, thị trấn Cầu Giát, điểm cuối thuộc địa phận xã Quỳnh Diễn. Nạo vét, mở rộng dòng sông Thái với chiều rộng từ 20-25 mét, độ sâu khoảng 2,5-3 mét. Sử dụng đất nạo vét tại chỗ để đắp định hình tuyến đê (cho một số vị trí chưa có đê) với cao trình đỉnh đê 3 mét.

Đến nay, công trình này đã đạt 100% khối lượng. Đặc biệt, các trận mưa lớn vừa qua hệ thống tiêu thoát nước khá tốt, người dân sinh sống dọc sông Thái không bị ngập úng như những năm trước đây.

Vẫn còn một số hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu lấn chiếm lòng sông Thái nuôi trồng thủy sản. Ảnh: văn Trường
Vẫn còn một số hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu lấn chiếm lòng sông Thái nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Văn Trường

Nhằm đảm bảo công trình phát huy hiệu quả tiêu thoát lũ, huyện chỉ đạo các xã thường xuyên giám sát, tuyên truyền, vận động không cho người dân lấn chiếm đất hai bên sông Thái để trồng cây, nuôi trồng thủy sản làm ách tắc dòng chảy.

Theo kế hoạch trong năm 2025, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn để nạo vét các tuyến kênh tiêu bồi lắng khác như kênh Phú Sĩ ở xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch, kênh tiêu Bến Hải ở xã Quỳnh Thanh.

Văn Trường