Thể thao

Chuyện Yokohama chia tay Công Phượng

Tử Quang 18/09/2024 16:28

Nhiều người phản ứng về lời chia tay của Yokohama FC trên mạng xã hội. Dù bông đùa hay mỉa mai, thì đây cũng không chỉ là câu chuyện của Công Phượng nói riêng, mà còn phản ánh một phần thực tế khi các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại.

Thực tế phũ phàng

"Công Phượng được mọi người yêu mến nhờ tính cách tốt bụng. Đồng đội sẽ cảm thấy buồn vì không còn được uống những ly cà phê thơm ngon mà anh đã pha trong phòng thay đồ. Công Phượng là cầu thủ mạnh mẽ trước khung thành và có kỹ thuật tuyệt vời. Chúc Công Phượng may mắn ở chặng đường tiếp theo". Đó là lời tạm biệt được Yokohama FC gửi đến cho Công Phượng khi cầu thủ này quyết định rời đội bóng sau gần 2 mùa giải gắn bó.

Lời chia tay còn kèm thêm dòng chữ trên bức ảnh của Yokohama FC: "Chào mừng đến với Cafe Công Phượng"

Trong một khía cạnh nào đó, hành động của Yokohama FC có thể được hiểu một cách đơn giản là bông đùa, trêu ghẹo, hay “troll” - mang tính hài hước về việc Công Phượng không có nhiều cơ hội ra sân và đóng góp trực tiếp trong trận đấu.

Tuy nhiên, sự hài hước này có thể bị hiểu khác đi là mỉa mai, “đá đểu” (hoặc nhẹ hơn là sự hiểu nhầm) nên sẽ gây tổn thương khi đặt vào bối cảnh những nỗ lực của một cầu thủ nước ngoài muốn thể hiện tài năng trên một đất nước khác.

Với người hâm mộ Việt Nam, điều này có thể làm dấy lên cảm giác không được tôn trọng, bởi đơn giản Công Phượng là một trong những tài năng bóng đá hàng đầu của Việt Nam với sân chơi J. League.

anh 1
Yokohama FC chia tay Công Phượng. Ảnh: Yokohama FC

Không hiểu bản ý của Yokohama là bông đùa hay mỉa mai, mà nhiều đồng đội cũng đăng tải những hình ảnh và caption tương tự về Công Phượng trên trang cá nhân của họ. Đặc biệt, ngay cả trong trận đấu cuối cùng gặp Ventforet Kofu, Yokohama vẫn không hề đăng ký Công Phượng vào danh sách cầu thủ.

Nhưng, có lẽ điều đau lòng nhất không nằm ở đó, mà là thực tế rằng, nhiều cầu thủ Việt Nam khi thi đấu ở nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc khẳng định năng lực.

cong-phuong-1726635313086-17266353136811184050979.jpg
"Công Phượng được mọi người yêu mến nhờ tính cách tốt bụng. Đồng đội sẽ cảm thấy buồn vì không còn được uống những ly cà phê thơm ngon mà anh đã pha trong phòng thay đồ. Công Phượng là cầu thủ mạnh mẽ trước khung thành và có kỹ thuật tuyệt vời. Chúc Công Phượng may mắn ở chặng đường tiếp theo". Đó là lời tạm biệt được Yokohama FC gửi đến cho Công Phượng khi cầu thủ này quyết định rời đội bóng sau gần 2 mùa giải gắn bó. Dòng chữ trên bức ảnh của Yokohama FC: "Chào mừng đến với Cafe Công Phượng". Ảnh: Yokohama FC

Tất nhiên, điều này xuất phát từ nhiều lý do: khác biệt về thể chất, kỹ thuật, văn hóa bóng đá, và cả sự thiếu tự tin khi thi đấu trong một môi trường khắc nghiệt. Công Phượng, cũng như nhiều cầu thủ khác trước đó như Xuân Trường, Tuấn Anh, Quang Hải… đều gặp những cảnh tình tương tự.

Tự ái để quyết chí vươn lên

Tuy nhiên, thay vì quá bi quan hay cảm thấy tự ti, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở và thực tế. Việc các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, dù chưa đạt được thành công như mong đợi. Công Phượng ở Việt Nam là ngôi sao, nhưng sang Nhật Bản lại chỉ như … “tạp vụ”.

Nhưng dù sao đây vẫn là những bước đi quan trọng. Họ mang theo khát khao vươn lên và học hỏi, điều mà không phải ai cũng dám làm.

anh 77
Giá trị của Công Phượng sụt giảm trên TTCN. Ảnh: Yokohama FC

Thất bại, nếu có, cũng là bài học kinh nghiệm quý giá để bóng đá Việt Nam trưởng thành hơn. Mỗi lần va vấp sẽ tạo ra cơ hội để cải thiện, để nhìn nhận lại những yếu điểm và từ đó rút ra chiến lược phù hợp hơn cho tương lai đang đợi chờ phía trước.

Câu chuyện của Công Phượng cũng phản ánh thực trạng không chỉ riêng trong bóng đá, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Người Việt khi ra nước ngoài không phải lúc nào cũng đạt được thành công như kỳ vọng. Nhưng thay vì chỉ nhìn vào sự thất bại, chúng ta cần có cái nhìn lạc quan hơn, khuyến khích những nỗ lực và thử thách bản thân của các cá nhân. Một sự thất bại không nên làm chúng ta nản lòng, mà là động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa.

Bài học từ Trung Quốc

Hãy nhớ lại câu chuyện của người Trung Quốc. Họ tham gia Thế vận hội lần đầu vào năm 1952, nhưng mãi đến 1984 mới giành được tấm huy chương Olympic đầu tiên, do Hứa Hải Phong chiến thắng ở môn bắn súng.

Trong khoảng những năm trắng tay đó, người Trung Quốc đã bị người Âu, Mỹ mỉa mai, sỉ nhục rất nhiều. Vì vậy, chiến thắng của Hứa Hải Phong không chỉ mang về Huy chương Vàng đầu tiên cho Trung Quốc mà còn có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thể thao nước họ. Để rồi sau đó, Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực vươn lên và đã vượt tầm cường quốc để trở thành 1 trong 2 siêu cường thể thao của thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

y5-compressed.jpg
Công Phượng trải qua khoảng thời gian không như ý tại Yokohama FC. Ảnh: Yokohama FC

Câu chuyện Trung Quốc từ những ngày đầu tham gia Olympic là minh chứng mạnh mẽ cho tinh thần vượt qua thất bại: lấy tự ái để quyết chí vươn lên, nuốt tủi nhục để tiến về phía trước. Hành trình này không chỉ là câu chuyện về thể thao, mà còn là một bài học lớn về ý chí và sự kiên định trong tất cả mọi lĩnh vực.

Trung Quốc đã sử dụng thất bại để làm động lực, nuôi dưỡng quyết tâm và phát triển một kế hoạch dài hạn. Họ không chỉ dựa vào tiềm năng của từng cá nhân, mà còn xây dựng một hệ thống bài bản, khoa học để đào tạo vận động viên. Trung Quốc nhận ra rằng, thể thao không chỉ là sức mạnh của một cá nhân hay một đội tuyển, mà là sức mạnh tổng thể của cả một hệ thống quản lý thể thao quốc gia. Đó là sự kết hợp giữa đầu tư tài chính, cơ sở vật chất hiện đại, và đặc biệt là phương pháp đào tạo mang tính chiến lược.

Thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn và hạn chế. Điều cần thiết là ta phải có một chiến lược đúng đắn, sự đầu tư mạnh mẽ, và đặc biệt là tinh thần không ngừng phấn đấu, học hỏi. Chúng ta không nên sợ thất bại, mà cần biến những thất bại đó thành động lực. Thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên và trở thành niềm tự hào của quốc gia nếu chúng ta kiên định và biết cách xây dựng một nền tảng vững chắc từ gốc rễ./.

Tử Quang