Xây dựng Đảng

Đổi mới phương thức lãnh đạo sát thực tiễn của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng ở Nghệ An

Mai Hoa 20/09/2024 10:23

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng ở Nghệ An trăn trở đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp.

 Làm đường giao thông ở xã Bồng Khê (huyện Con Cuông). Ảnh- Mai Hoa
Làm đường giao thông ở xã Bồng Khê (huyện Con Cuông). Ảnh: Mai Hoa

Đổi mới vì lợi ích chung

Tại xã miền núi Bồng Khê (huyện Con Cuông), chủ trương làm đường giao thông được cấp uỷ, chính quyền xã chỉ đạo tập trung đầu năm 2024. Đích thân lãnh đạo, công chức xã xuống cùng với thôn tuyên truyền, giải thích, vận động người dân; trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo giải toả, di dời cột điện, đường nước…

Điều đó tạo động lực để từng cán bộ trong ban quản lý thôn, các chi đoàn, chi hội thôn Thanh Nam cùng tích cực hơn trong tuyên truyền, vận động người dân chung sức. "Nếu như trước đây, “cấy chi, chỗ mô” khó khăn là bỏ, nhưng giờ thì kiên trì để làm bằng được.

Từ kiên trì, trực tiếp với dân, nói cho dân hiểu, người dân thôn Thanh Nam đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào kiên cố và đóng góp tiền mua sỏi, thuê máy móc, nhân công đổ đường; bình quân mỗi hộ đóng 13 – 14 triệu đồng và nhiều hộ đóng 30 – 40 triệu đồng.

Không riêng ở thôn Thanh Nam, mà ở các thôn Tân Lập, Liên Tân, Tân Dân…, người dân cũng rất tích cực; có hộ đóng góp tiền mặt 60 – 70 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ trong hơn 5 tháng triển khai quyết liệt, xã Bồng Khê đã mở rộng đường và bê tông 34 tuyến đường, từ 2,5 – 3 m lên 5 – 7 m (tính riêng mặt đường bê tông là 4 – 6 m); với tổng chiều dài hơn 6 km.

Với một xã miền núi như Bồng Khê, chỉ trong một thời ngắn đã huy động sức dân đóng góp trên 2 tỷ đồng, hiến gần 7.800 m2 đất, phá dỡ hơn 7.000 m bờ rào, cùng hàng nghìn ngày công là việc không hề dễ dàng. Đồng chí Phan Trọng Trung – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, cho biết: Bên cạnh sâu sát với dân để tuyên truyền, vận động, phát huy tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, thì đích thân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền xã tích cực bám nắm các phòng, ngành cấp huyện trong di dời cột điện, trong cung ứng, hỗ trợ xi măng kịp thời.

 Người dân thôn Liên Tân, xã Bồng Khê (Con Cuông) hiến đất mở đường. Ảnh- Mai Hoa
Người dân thôn Liên Tân, xã Bồng Khê (Con Cuông) hiến đất mở đường. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Bồng Khê, phương thức lãnh đạo, cách tuyên truyền, vận động thực hiện các nhiệm vụ chính trị đều được đổi mới với tinh thần vì lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương. Chẳng hạn, trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tư tưởng chỉ đạo, không chỉ làm để đảm bảo quyền lợi cho dân mà còn là nhiệm vụ chính trị của địa phương phải hoàn thành nhằm đưa công tác quản lý đất đai tốt hơn, tăng nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất cho địa phương đầu tư phát triển.

Bên cạnh trách nhiệm công chức địa chính, lãnh đạo xã vào cuộc, xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn từ các phòng, ngành cấp huyện để tháo gỡ vướng mắc, kể cả đề xuất huyện tăng cường thêm 1 công chức địa chính về cho xã. Bởi thế, từ địa bàn “nóng”, sau gần 2 năm tập trung, đến nay, xã Bồng Khê cơ bản đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Từ thực hiện tốt công tác cấp giấy đã tăng thu ngân sách cho nhà nước, trong đó nguồn ngân sách xã hưởng là hơn 2 tỷ đồng dành đầu tư nâng cấp trường học.

Hiện nay, cấp uỷ, chính quyền xã Bồng Khê cũng đang đồng hành để hỗ trợ triển khai xây dựng nhà máy may dự kiến đặt tại địa phương. Đồng chí Phan Trọng Trung – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, cho biết thêm: Việc tạo điều kiện để doanh nghiệp vào đầu tư, không phải làm cho doanh nghiệp, mà khi dự án đầu tư, đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương. Cùng đó, phát triển các dịch vụ, thương mại ở địa phương.

 Nhà văn hoá xóm 9, xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) được đầu tư khang trang. Ảnh- Mai Hoa
Nhà văn hoá xóm 9, xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) được đầu tư khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Đối với xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc), xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong huyệ. Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã được kiện toàn. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nghi Lâm xác định rõ phải xây dựng khối đoàn kết, tập trung dân chủ trong cấp uỷ, gắn với phát huy vai trò chủ động, năng động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cá nhân.

Trong lãnh đạo phải chú trọng thực hiện phong cách, phương pháp “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Chính từ phong cách, phương pháp này, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, từng đồng chí thường vụ, chấp hành và cán bộ, công chức được phân công phụ trách lĩnh vực, xóm đều trăn trở, trực tiếp họp cùng dân để tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và chủ động tìm biện pháp, giải pháp giải quyết theo chức trách nhiệm vụ hoặc báo với cấp uỷ, chính quyền cũng vào cuộc.

 Môi trường nông thôn ở huyện Nghi Lộc đang được cải thiện. Ảnh- Mai Hoa
Môi trường nông thôn ở huyện Nghi Lộc đang được cải thiện. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Trần Văn Bình – Bí thư Đảng uỷ xã Nghi Lâm, khẳng định: Nhờ thay đổi phương thức, cách thức lãnh đạo, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, đã phát huy tinh thần tận tụy, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Từ sự tận tuỵ, trách nhiệm của cán bộ, công chức mà tư tưởng thỏa mãn, bằng lòng ban đầu của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao được “khơi thông”, tích cực đóng góp nguồn lực hoàn thiện từng tiêu chí, xã Nghi Lâm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Riêng nhà văn hoá và thiết chế văn hoá, thể thao có 9/12 xóm xây dựng, mua sắm mới, tổng trị giá 1,1 – 1,3 tỷ đồng/xóm.

Cũng từ tận tuỵ, trách nhiệm với dân, với phong trào chung của địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức cũng tận tuỵ, chịu khó kết nối với các cấp, các ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân liên quan đến đầu tư các công trình dân sinh, giải quyết chế độ chính sách, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

 Lãnh đạo Huyện uỷ Nghi Lộc và cán bộ xã Nghi Diên gặp gỡ, trao đổi với người dân. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo Huyện ủy Nghi Lộc và cán bộ xã Nghi Diên gặp gỡ, trao đổi với người dân. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo sát thực tiễn

Thực tiễn chứng minh, nơi nào có phong trào tốt, ở nơi đó, phương thức lãnh đạo và cách thức, năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng của cấp uỷ đảm bảo sáng tạo, đổi mới.

Đổi mới phương thức lãnh đạo được gắn với chuyển đổi số, cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lăn xả của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Từ đó, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ gặp gỡ, trao đổi với người dân huyện Hưng Nguyên. Ảnh- Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ gặp gỡ, trao đổi với người dân huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Nghị quyết số 28, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, với yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đảm bảo hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quá trình đó, đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu của mỗi đơn vị, tổ chức, đoàn thể.

Mai Hoa