Xã hội

Nhà thờ họ ở Nghệ An lưu giữ nhiều sắc phong cổ thời Nguyễn

Huy Thư 20/09/2024 16:27

Nhà thờ họ Lê Đình ở xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, trong đó có 17 sắc phong, chế phong, trát... thời Nguyễn.

bna_1.jpg
Dòng họ Lê Đình ở xã Thanh Lĩnh có lịch sử lâu đời, tính đến nay đã trải qua 16 thế hệ. Đây là dòng họ có truyền thống hiếu học khoa cử, nhiều người đỗ đạt, trong đó tiêu biểu là Phó bảng Lê Đình Thức từng làm quan tại triều đình Huế thế kỷ 19 với các chức như Hàn lâm Viện Kiểm thảo, Hàn lâm Viện Trước tác, Ngoại lang, Lang trung bộ Hình... Ảnh: Huy Thư
bna_2.jpg
Nhà thờ họ Lê Đình xây dựng từ xa xưa, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét cổ kính, linh thiêng. Thượng đường của nhà thờ vốn là nhà hạ của đình làng Đông - một ngôi đình cổ trong vùng. Tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị. Ảnh: Huy Thư
bna_3.jpg
Đặc sắc nhất trong hiện vật bằng gỗ là cổ linh tọa song long được điêu khắc, chạm trổ, sơn thếp tuyệt đẹp. Bên trên linh tọa là nơi bài trí các bài vị tổ tiên của dòng họ. Ảnh: Huy Thư
bna_4.jpg
Ông Lê Đình Thúy - một hậu duệ của dòng họ cho biết: Trước đây tại nhà thờ, các bậc tiền nhân lưu giữ khá nhiều sách vở, giấy tờ ghi bằng chữ Hán. Do loạn lạc, cùng với việc bảo quản sơ sài, nên nhiều hiện vật là sách vở đã bị mất mát, hư hỏng khi chưa kịp biên dịch. Trong ảnh: Một ống đồng cổ xưa dùng để đựng giấy tờ, văn bản của dòng họ Lê Đình đang lưu giữ tại nhà thờ. Ảnh: Huy Thư
bna_5.jpg
Hiện tại, nhà thờ còn lưu giữ 17 văn bản cổ là sắc phong, chế phong, các loại trát, công văn... thuộc thời Nguyễn liên quan đến quá trình làm quan của Phó bảng Lê Đình Thức. Thời gian qua, con cháu dòng họ Lê đã cho dịch các văn bản chữ Hán này để hiểu hơn nội dung của di sản. Ảnh: Huy Thư
bna_6.jpg
Hiện vật bằng giấy có kích thước lớn nhất là chế phong truy tặng Phó bảng Lê Đình Thức sau khi ông mất trong một lần cầm quân đi làm nhiệm vụ tại Thái Nguyên. Chế phong lập ngày 5 tháng 3 năm Tự Đức thứ 17 (1863) có đoạn ghi: "Đặc tặng phong "Trung thuận đại phu". Chức Lang trung Hình bộ Bắc điển tư. Chánh tứ phẩm Đoan Cẩn là danh thụy". Bản chế phong có mặt giấy màu vàng trang trí hình rồng phượng khá đẹp mắt. Ảnh: Huy Thư
bna_7..jpg
Các hiện vật bằng giấy có kích thước nhỏ hơn, đáng chú ý là sắc phong cho Phó bảng Lê Đình Thức chuẩn y bổ thụ Hàn lâm Viện Kiểm thảo (1847), sắc phong cho con trai Lê Đình Trạc chuẩn phong hàm Chánh cửu phẩm Văn giai (1864)... Qua hơn 170 năm, các chế phong, sắc phong... đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn khá nguyên vẹn, chữ Hán ghi trên giấy vẫn còn sắc nét. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Trong quá trình gìn giữ các văn bản cổ này, anh em họ Lê Đình đã cho ép nhựa một số hiện vật hay dán thêm giấy cứng phía sau các văn bản nhằm bảo quản, cất giữ hiện vật được lâu dài. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Theo Hội đồng gia tộc họ Lê Đình, trong 17 hiện vật bằng giấy, ngoài sắc phong, chế phong còn có trát cấp sự, bằng cấp sự, trát sức sự, văn bản phụng ghi chiếu chỉ vua... của các cơ quan hành chính thời Nguyễn như bộ Lễ, bộ Lại, bộ Hình, tuần phủ Hà Tĩnh, tổng đốc An Tĩnh, Tuần phủ Bắc Ninh, Tổng đốc Nghệ An, Tri phủ Anh Sơn, Nha môn Quảng Điền... liên quan đến việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, nghỉ phép của quan chức... đối với Phó bảng Lê Đình Thức. Ảnh: Huy Thư
bna_10..jpg
Các văn bản cổ đang lưu giữ tại nhà thờ họ Lê đều ghi và đóng dấu niên đại thời Tự Đức từ năm Tự Đức thứ nhất (1847) đến năm Tự Đức thứ 18 (1864). Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Ông Lê Đình Thọ (80 tuổi) - Tộc trưởng họ Lê Đình cho biết: Nhận thức được hiện vật của tổ tiên để lại là tài sản quý, nên con cháu trong dòng họ luôn cố gắng gìn giữ, bảo tồn, để phát huy truyền thống của cha ông. Những hiện vật này là tài liệu quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu về cụ tổ Lê Đình Thức cũng như truyền thống văn hóa của quê hương, khoa bảng của đất nước, các phong tục, tập quán, quy định của thời Nguyễn... Ảnh: Huy Thư

Huy Thư