Bóng đá Việt Nam tụt hậu vì thiếu sân chơi cho cầu thủ trẻ
Tại các nền bóng đá tiên tiến tại châu Á hay ngay tại Thái Lan, hệ thống các giải đấu trẻ có nhiều sự khác biệt so với các giải đấu trẻ tại Việt Nam. Các giải trẻ Việt Nam đa dạng, nhưng đang nặng về thành tích và thiếu sân chơi cho những tài năng trẻ tiệm cận chuyên nghiệp.
Bóng đá Thái Lan đi trước một bước
Trong 29 năm qua kể từ năm 1995, Đội tuyển Việt Nam chỉ thắng Thái Lan 3 lần, để thua đến 18 và hòa 8. Vượt Thái Lan đã là câu chuyện không đơn giản chứ đừng nói đến giấc mơ World Cup. Đó chính là đòi hỏi phải thay đổi của bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam nhiều năm nay vẫn chưa thể sánh ngang với bóng đá Thái Lan, nếu xét trên góc độ Đội tuyển Quốc gia. Tuy nhiên, trong hệ thống Giải bóng đá trẻ của Thái Lan có quá nhiều sự khác biệt so với các hệ thống giải trẻ tại Việt Nam.
Hệ thống giải bóng đá trẻ quốc gia của Thái Lan có 5 nhóm tuổi như sau U19, U16 và U14 (thi đấu 11 người); và U12 và U10 (thi đấu 7 người). Thậm chí, Thái Lan còn thành lập giải đấu PEA U23 Youngster League 2024 nhằm giúp các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội thi đấu hơn nữa.
Theo đó, những cầu thủ thi đấu phải dưới 23 tuổi (tính đến năm đăng ký), có quốc tịch Thái Lan và chưa từng đăng ký với bất kỳ CLB nào khác trong các giải đấu do LĐBĐ Thái Lan (FAT) tổ chức. Có 8 CLB sẽ thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm, theo thể thức sân nhà - sân khách. Mùa giải đầu tiên có 56 trận đấu, mỗi CLB sẽ thi đấu 14 trận.
Bóng đá Việt Nam vẫn bế tắc
Trong khi đó tại Việt Nam, với độ tuổi từ 15-23, là độ tuổi các cầu thủ cần được thi đấu nhiều thì tại Việt Nam, nếu không dự các giải quốc tế như U19, U21 thì nhiều nhất một đội bóng trẻ của một nhóm tuổi ở Việt Nam chỉ có thể đá 15 trận mỗi năm, từ vòng loại đến vòng chung kết. Dừng chân ở vòng loại thì một đội bóng trẻ chỉ có từ 8 đến 10 trận. Trước đây, còn có giải U19 Quốc tế hay giải U21 Quốc tế thì giờ đây đã không còn nữa. Dự định tổ chức giải U17 Cúp Quốc gia và U19 Cúp Quốc gia cũng đang bỏ ngỏ.
Ở cấp độ từ U9 đến U13, nếu như các nền bóng đá tiên tiến chỉ tổ chức Festival để quy tụ nhiều đội bóng trẻ tham gia, tạo sân chơi và mục đích cọ xát cho các cầu thủ ở độ tuổi này. Còn trong hệ thống các giải bóng đá do Việt Nam tổ chức, các giải Thiếu niên và Nhi đồng thuộc hệ thống thi đấu chính thức và dẫn đến nhiều hệ lụy về bệnh thành tích hay đi tìm tuổi thật cho cầu thủ.
Theo các chuyên gia, ở độ tuổi từ U9 - U13 là độ tuổi vàng để các em được phát triển tố chất một cách tự nhiên, được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và kỹ thuật để hoàn thiện thì vì mục tiêu giành huy chương hay vô địch, phần lớn các em được huấn luyện các kỹ năng để thi đấu, dẫn đến việc phát triển sớm nhưng lại khó hòa nhập khi lên chơi chuyên nghiệp.
Dễ thấy ở cấp độ U15, U17, các đội tuyển trẻ Việt Nam đều không hề thua kém các đội bóng trong khu vực, nhưng khi lên đến cấp độ U19 hay U23 thì ngày một chững lại và hụt hơi. Các cầu thủ trẻ từ độ tuổi 21-23 tại Việt Nam hầu như chỉ chơi tại giải hạng Ba, hạng Nhì hay hạng Nhất, không nhiều trong số họ được mạnh dạn trao cơ hội chơi tại V.League.
Tại Việt Nam, chỉ có HAGL, Hà Nội, Viettel hay SLNA là những đội dám sử dụng cầu thủ trẻ ở đấu trường V.League nhưng để họ cạnh tranh được một suất thi đấu chính thức không phải là điều dễ dàng. Hoặc các câu lạc bộ buộc phải cho mượn thi đấu ở các giải hạng Nhất, hạng Nhì để họ tích lũy kinh nghiệm trước khi gọi trở lại sau một vài năm.
Hệ thống giải trẻ không giống ai
Nghịch cảnh của bóng đá Việt Nam còn đến ở Giải U21 khi cầu thủ Phan Bá Quyền dưới 21 tuổi, được SLNA cho 2 đội bóng mượn để giúp cầu thủ này có cơ hội thi đấu và cọ xát, cuối cùng bị cấm thi đấu trong màu áo SLNA tại Giải U21 Quốc gia năm 2022 chỉ vì Quy chế không cho phép điều đó. Điều này cho thấy sự bất cập trong cách thức tổ chức các giải đấu trẻ của Việt Nam. Thậm chí giải U19 hay giải U21 còn xuất hiện rất nhiều tuyển thủ Quốc gia hoặc cầu thủ đã lên chơi chuyên nghiệp góp mặt.
Tìm hiểu qua nền Bóng đá Nhật Bản, các đội bóng J.League 1 - Giải đấu cao nhất của Nhật Bản thì các đội bóng chỉ tập trung vào hai giải đấu trẻ rất quan trọng là U15 và U18. Đơn cử như Tokyo FC, đội bóng này có 02 đội U15 và 1 đội U18, nhưng có đến hơn 4.000 vận động viên lứa tuổi từ 12 trở xuống, được xem là các lớp cơ sở, vệ tinh hoặc nằm rải rác ở các hệ thống bóng đá học đường. Dù chỉ có 01 đội U18 nhưng đây là những cầu thủ được sàng lọc kỹ càng, thi đấu rất nhiều giải và hoàn toàn có thể lên chơi chuyên nghiệp bất kỳ lúc nào.
Trong khi tại Việt Nam, không có nhiều Trung tâm đào tạo có hàng trăm vận động viên từ U9 đến U12 như Sông Lam Nghệ An, Hà Nội, Viettel hay HAGL. Hiện nay, Sông Lam Nghệ An có 25 lớp năng khiếu cơ sở tại các huyện/thành/thị với khoảng gần 500 vận động viên, nhưng so với các đội bóng Nhật Bản, Thái Lan thì vẫn là một con số hết sức khiêm tốn.
Để các cầu thủ trẻ có thể phát triển toàn diện, nhiều câu lạc bộ và trung tâm đã buộc phải chọn cử đội U14 tham dự giải U15, hay đội U17 thi đấu giải U19, hoặc cầu thủ 17-19 đá giải U21. Có như vậy, nhiều cầu thủ mới có được cơ hội phát triển và lên chơi được V.League. Cầu thủ nào 17 tuổi nếu được trao cơ hội đá giải U17, U19 và U21 thì phát triển tốt hơn so với các bạn đồng trang lứa.
Thiết nghĩ Liên đoàn bóng đá Việt Nam nên nhìn nhận lại mức độ quan trọng của các giải đấu trẻ như U9, U11 và U13 trong hệ thống các giải đấu trẻ Việt Nam. Cần thêm nhiều những giải đấu như Giải Bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An tại mỗi địa phương, thêm nhiều những giải U9, U11 và U13 Quốc gia để các cầu thủ nhí có sân chơi, cọ xát và học hỏi lẫn nhau chứ không phải vô địch bằng mọi giá./.