Xã hội

Bài 2: Doanh nghiệp, địa phương "tự bơi", “tự cứu”?!

Công Kiên 21/09/2024 15:29

Trước những khó khăn do thiếu hụt về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp du lịch, địa phương trong tỉnh đã tìm mọi cách để tồn tại, tiếp tục duy trì việc kinh doanh, phục vụ du khách.

nhanlucchodulichna-b2-cover.png

Công Kiên • 21/09/2024

Trước những khó khăn do thiếu hụt về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp du lịch, địa phương trong tỉnh đã tìm mọi cách để tồn tại, tiếp tục duy trì việc kinh doanh, phục vụ du khách.

nhanlucchodulichna-b2-tit1.png

Thời gian gần đây, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (huyện Nghĩa Đàn) gần như không tuyển được lao động đã từng qua đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Trước thực trạng đó, lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải thực hiện phương án vừa tuyển dụng lao động, vừa đào tạo. Nghĩa là tuyển dụng lao động phổ thông vào làm việc, giao những người có tay nghề kèm cặp, hướng dẫn những người chưa được đào tạo.

Đồng thời, Khu du lịch sinh thái Hòn Mát thường xuyên cử nhân viên tham gia chương trình tập huấn kỹ thuật ở tất cả các khâu như: Buồng phòng, pha chế, đào tạo đầu bếp, hướng dẫn viên tại điểm, tư vấn chương trình... Tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng và chuyển đổi số trong quản lý, điều hành doanh nghiệp để có thể hoàn thiện tốt hơn các dịch vụ của khu du lịch và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.

giảng viên lên lớp tập huấn
Tập huấn nâng cao nghiệp vụ lễ tân, bàn và bar cho nhân viên các cơ sở lưu trú. Ảnh: Hoàng Đức Chung

Anh Đặng Trọng Tấn - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Hòn Mát cho biết: “Chúng tôi đang liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An để có thể tìm kiếm nguồn nhân lực phục vụ cho việc kinh doanh du lịch nhưng đang gặp khó khăn. Cùng với đó, làm việc với các đối tác là các đơn vị cung ứng nhân lực để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng có năng lực, đã từng kinh qua các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn”.

Cũng như các cơ sở lưu trú khác trên địa bàn tỉnh, Khách sạn Sài Gòn Kim Liên (thành phố Vinh) cũng đang thiếu nguồn nhân lực du lịch có tay nghề để phục vụ hoạt động kinh doanh và đáp ứng chất lượng dịch vụ. Hiện nay, nguồn nhân lực của khách sạn này thiếu hụt khoảng 28% (tương ứng khoảng 36 lao động) so với các năm trước. Việc thiếu hụt nhân lực đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh và chất lượng dịch vụ đối với khách hàng, ví dụ như làm tắt quy trình phục vụ; vệ sinh phòng chưa đạt chuẩn theo quy trình 4 sao; nhân viên chưa thành thạo về ngoại ngữ khi giao tiếp khách quốc tế.

Nhân viên Khách sạn Giao tế (thành phố Vinh) phục vụ tiệc ẩm thực của khách du lịch. Ảnh: Công Kiên
Nhân viên Khách sạn Giao tế (thành phố Vinh) phục vụ tiệc ẩm thực của khách du lịch. Ảnh: Công Kiên

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Ban lãnh đạo công ty chủ quản Khách sạn Sài Gòn Kim Liên đã điều động lao động giữa 2 đơn vị tại TP. Vinh và thị xã Cửa Lò để tăng cường hỗ trợ vào dịp khách đông hoặc tăng cường cho chi nhánh Cửa Lò vào mùa cao điểm. Thuê một số lao động làm theo giờ (đối tượng là sinh viên, học sinh các trường) vào làm tại một số thời điểm mà lượng khách quá đông (tiệc cưới, hội nghị…) mà lực lượng nhân sự hiện tại không thể phục vụ được. Thuê lại lao động của một số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Vinh để phục vụ theo giờ, theo ngày… khi cần thiết. Đồng thời, phối hợp với các trường trên địa bàn Nghệ An (Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Công nghiệp Vinh, Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An…) nhận sinh viên đã được đào tạo nghề vào thực hành, thực tập với các đãi ngộ (có trả thù lao bồi dưỡng hàng tháng, hỗ trợ tiền ăn ca, hỗ trợ chỗ ở…).

Ông Đinh Trung Kiên - Phó Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Kim Liên cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đơn vị còn thực hiện đào tạo chéo trong nội bộ để hỗ trợ giữa các bộ phận khi cần. Ví dụ, nhân viên lễ tân biết nghiệp vụ làm phòng; nhân viên kinh doanh thị trường biết nghiệp vụ lễ tân; nhân viên bếp biết nghiệp vụ nhà hàng; nhân viên nhà hàng biết nghiệp vụ bếp… Cùng đó, mời một số chuyên gia của các khách sạn trong hệ thống Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) ra đào tạo nghiệp vụ cho các bộ phận lễ tân, nhà hàng, bếp, buồng… hoặc gửi một số nhân viên vào thực tập tại các khách sạn đạt chuẩn 5 sao trong hệ thống.

Hầu hết các khách sạn và nhà hàng ăn uống đều thiếu đầu bếp. Ảnh: Công Kiên
Hầu hết các khách sạn và nhà hàng ăn uống đều thiếu đầu bếp. Ảnh: Công Kiên

Cách làm trên cũng được hệ thống các Khách sạn Mường Thanh ở Nghệ An áp dụng. Riêng Khách sạn Mường Thanh Sông Lam hiện thiếu khoảng 20% nhân lực, để khắc phục tình trạng này doanh nghiệp thường xuyên tuyển chọn, bổ sung từ nguồn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch. Đồng thời, tổ chức đào tạo chéo trong nội bộ, tức là nhân viên của bộ phận này tham gia học nghiệp vụ của bộ phận khác để hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, tăng năng suất và hiệu quả công việc. Thường xuyên mời chuyên gia trong tập đoàn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, ưu tiên nhân viên mới được tuyển dụng, tham gia các lớp tập huấn do Sở Du lịch tổ chức; khi có lượng khách lớn sẽ huy động, tăng cường nhân lực từ các khách sạn trong tập đoàn.

nhanlucchodulichna-b2-tit2.png

Không chỉ các khách sạn, công ty lữ hành tự đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu phục vụ mà hiện nay các cán bộ phụ trách ngành du lịch ở các huyện cũng phải tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Lớp tập huấn nghiệp vụ kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch cho các hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong toàn tỉnh. Ảnh tư liệu: Hoàng Đức Chung

Từ thực trạng cán bộ quản lý du lịch ở nhiều địa phương không được đào tạo bài bản dẫn đến thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn. Đến nay, trong tỉnh mới chỉ có thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn có cán bộ phụ trách du lịch được đào tạo đúng chuyên ngành, còn các huyện, thị xã còn lại phần lớn cán bộ du lịch được đào tạo từ ngành Quản lý văn hóa và các ngành khác.

Huyện Tân Kỳ là một địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm. Trong khi đó, cán bộ, nhân viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện hiện không có ai được đào tạo chuyên ngành du lịch.

Những dãy núi trùng điệp, những hang động, thác nước cùng phong tục đặc sắc của đồng bào đã giúp Tân Kỳ hội tụ yếu tố để huyện Tân Kỳ phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Ảnh: Cẩm Tú
Huyện Tân Kỳ là một địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm. Ảnh: Cẩm Tú

Được giao phụ trách du lịch, không đúng với chuyên ngành đào tạo nên chị Trần Thị Hương - cán bộ phụ trách du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Kỳ luôn tìm cách học hỏi, cố gắng đáp ứng yêu cầu công việc. Hằng ngày, chị dành thời gian đọc các loại tài liệu, tạp chí về chuyên ngành du lịch và tìm cách liên hệ với thực tế địa phương. Mỗi khi sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn chuyên môn, chị tích cực tham gia.

Tôi còn tiếp cận các chuyên gia, giảng viên để mỗi khi gặp vướng mắc sẽ gọi điện trao đổi, tìm hướng giải quyết. Nhờ đó, công việc chuyên môn ngày càng thuận lợi, có thể giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn và tư vấn, định hướng cho các điểm du lịch trên địa bàn”.

Chị Trần Thị Hương - cán bộ phụ trách du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Kỳ

Đối với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương, hiện không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành Du lịch. Xét về tiềm năng, Tương Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, bởi nguồn tài nguyên ở đây khá phong phú. Trong những năm qua, huyện đã triển khai xây dựng một số mô hình du lịch ở các xã Tam Đình, Yên Hòa, Yên Thắng và Lưu Kiền nhưng hiệu quả chưa cao.

Điểm du lịch sinh thái - cộng đồng xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên
Điểm du lịch sinh thái - cộng đồng xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên

Như nhiều đồng nghiệp, anh Võ Đình Tuân, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tương Dương được giao nhiệm vụ quản lý và theo dõi hoạt động du lịch trên địa bàn, công việc không đúng với chuyên môn đào tạo nên gặp không ít khó khăn. Ban đầu, anh bỡ ngỡ khi tiếp cận các điểm du lịch vì chưa nắm rõ quá trình hoạt động kinh doanh, vận hành. Không còn cách nào khác, anh Tuân buộc phải tự cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách đọc các giáo trình, tài liệu và tham gia các lớp tập huấn dành cho cán bộ quản lý du lịch.

Năm 2024, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đón tổng khách du lịch có lưu trú đạt 5.500.000 lượt (bằng 104% so với năm 2023), trong đó 120.000 lượt khách quốc tế (bằng 155% so với năm 2023), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 9.000 tỷ đồng (bằng 115% so với năm 2023). Để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết, tất cả các hoạt động cũng như công suất phục vụ của các doanh nghiệp trong ngành Du lịch phải đạt hiệu quả nhất, trong đó không thể thiếu vai trò của nguồn nhân lực. Được biết, Sở Du lịch Nghệ An đã có sự kết nối các đơn vị liên quan, nhằm lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

(Còn nữa)

Đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Lê Quang Dũng
Đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Lê Quang Dũng

>> Trang chủ
>> Bài 1: Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng
>> Bài cuối: Liên kết chặt chẽ, đa dạng hóa hình thức đào tạo

Công Kiên