Giáo dục

Dạy thêm, học thêm: Phụ huynh, giáo viên ở Nghệ An nói gì?

Mỹ Hà 22/09/2024 07:10

Học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thực và đang được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau ở trong và ngoài nhà trường. Chính vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo quản lý việc dạy thêm, học thêm đang nhận được sự quan tâm của giáo viên, phụ huynh.

Học thêm - nhu cầu thực tế

Từ khi con vào lớp 1 và đến nay khi con đã học lớp 9, năm nào chị Trần Thị Hường ở xã Hưng Lộc (thành phố Vinh) cũng đăng ký cho con ít nhất 2 lớp học thêm về văn hóa. Việc học thêm bắt đầu vất vả hơn kể từ cuối năm tiểu học, chị có ý định cho con thi vào Trường THCS Đặng Thai Mai.

Lên THCS, ngoài 3 môn học thêm gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, con chị còn đăng ký học thêm lớp Tiếng Anh để chuẩn bị cho kỳ thi chuyên. Lịch học thêm kéo dài kín 7 ngày trong tuần, nhưng mẹ con chị vẫn chưa hết lo lắng.

Tôi thấy các kỳ thi đều có tính cạnh tranh cao, đề thi cũng có tính phân hóa. Vì thế, nếu cháu chỉ học ở trường khó có thể đảm bảo đủ kiến thức để có thể làm bài thi đạt điểm cao, thế nên vẫn phải học thêm.

Chị Trần Thị Hường, xã Hưng Lộc (thành phố Vinh)

Giờ học thêm của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học thêm của học sinh Trường THPT Nam Đàn 2. Ảnh: Mỹ Hà

Gọi là học thêm nhưng dường như hiện nay đã trở thành “học chính” của nhiều học sinh, nhất là với những em ở vùng thành phố, khu vực trung tâm. Để tham gia các lớp học thêm, nhiều phụ huynh đã phải kỳ công tìm thầy, cô, chấp nhận bỏ ra số tiền gấp mấy chục lần so với học phí học chính khóa ở trường.

Qua nắm bắt tại thành phố Vinh, mức giá trung bình cho mỗi buổi học thêm hiện nay dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/1 buổi ở hầu hết các bậc học. Tuy nhiên, nếu học sinh học chuyên, học thêm Tiếng Anh hoặc ôn thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, có lớp học giá mỗi buổi học thêm cho 1 học sinh là từ 150.000 - 200.000 đồng/1 buổi và mỗi lớp có thể lên đến 30 - 40 em.

Mặc dù học phí đắt, việc xin học không dễ dàng nhưng không ít phụ huynh ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc… sẵn sàng thuê xe vượt hàng chục cây số để con được học với thầy, cô nổi tiếng ở thành phố Vinh. Chi phí cho các buổi học thêm vì thế cũng tăng gấp đôi.

Ngoài học thêm các giáo viên nổi tiếng, nhiều phụ huynh lựa chọn học qua các trung tâm hoặc các cơ sở ở ngoài. Bất cập hiện nay dù đây là những cơ sở giáo dục, có giáo viên, có học sinh, dạy học theo chương trình, giáo án riêng và có những trung tâm có trên 1.000 học sinh nhưng việc quản lý chất lượng ở các trung tâm này đang bị buông lỏng.

Ngay cả Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không quản lý, vì hiện nay việc dạy thêm, học thêm ở ngoài là loại hình kinh doanh không cần có điều kiện.

Trách nhiệm của nhà trường, giáo viên

Ngoài học thêm ở ngoài, việc dạy thêm, học thêm tại các trường cũng được hầu hết các trường học triển khai. Theo đó, với học sinh THCS, học sinh thường học 3 môn là Văn, Toán, Tiếng Anh. Ở bậc THPT, ngoài 2 môn chính là Toán, Văn, các học sinh có thể đăng ký các môn học theo các môn các em dự kiến thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học.

Một tiết dạy thêm miễn phí cho học sinh Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông)
Một tiết dạy thêm miễn phí cho học sinh Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông). Ảnh: Mỹ Hà

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, vào cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới. Theo đó, nếu như trước đây muốn học thêm, học sinh phải viết đơn đăng ký với nhà trường. Nhưng quy định mới, yêu cầu trước khi dạy thêm các tổ chuyên môn phải họp để thống nhất, đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm với các môn học do tổ đảm nhận. Sau khi xây dựng kế hoạch, đại diện nhà trường phải họp với đại diện ban phụ huynh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào. Trên cơ sở đó, nhà trường cho học sinh tự nguyện đăng ký, rồi xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy.

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự thay đổi này nhằm tạo sự thống nhất khi tổ chức dạy thêm, học thêm và đồng thời bảo đảm thiết thực, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.

Giờ phụ đạo cho học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ phụ đạo cho học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể thời lượng dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, trong đó, không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học; không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS; không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT. Về phía giáo viên tham gia dạy thêm, dự thảo mới đã bỏ quy định rõ giáo viên trường công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

z5547813248430_38894aeda6b05ec47f0f45d3d5a61b7e.jpg
Giáo viên Trường THPT Con Cuông phụ đạo miễn phí cho học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Thay vào đó, hiện nay, giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa không cần xin phép hiệu trưởng. Tuy nhiên, phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học thêm. Giáo viên cũng phải cam kết không sử dụng ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Liên quan đến dự thảo này nhiều giáo viên khẳng định các quy định mới này là phù hợp với điều kiện hiện nay. Bản thân các giáo viên cũng có cơ hội được cống hiến, được phát huy tài năng, trí tuệ và có thêm thu nhập một cách chính đáng.

Lâu nay khi nói đến dạy thêm, học thêm, có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc học thêm phải trên “nhu cầu”, nghĩa là có những em học giỏi muốn được học thêm nâng cao, học sinh học yếu thì muốn phụ đạo để tiến bộ và việc học thêm cần phải đạt được mục đích đề ra. Như vậy, phụ huynh, học sinh sẽ có kết quả học tập tốt, giáo viên cũng được hưởng thành quả cả vật chất và tinh thần từ những nỗ lực cố gắng của mình.

Thầy giáo Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương)

Tại Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương), lâu nay, việc dạy thêm, học thêm được nhà trường thực hiện theo 3 nguyên tắc, đó là sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, chỉ dạy những bộ môn cần thiết phục vụ thi tốt nghiệp và chỉ dạy những kiến thức mà học chính không đủ thời gian. Qua thực tế triển khai, hiện mức thu của nhà trường là 20.000 đồng/1 buổi và khoảng 80% chi trả trực tiếp cho giáo viên đứng lớp. Đây là mức thu nằm trong quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo…

Thực tế cũng cho thấy, dù mức học phí khá rẻ và học sinh vùng nông thôn không có nhiều lựa chọn, nhưng ở nhiều trường tỷ lệ học sinh đăng ký chỉ trên 50%. Riêng với học sinh lớp 12, nhiều thời điểm giáo viên nhà trường tự nguyện dạy thêm miễn phí nhưng vẫn phải động viên đi học.

Thầy giáo Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai cho rằng, việc dạy thêm cũng là "thước đo" đánh giá năng lực giáo viên: Việc học sinh được "lựa chọn" giáo viên khi đăng ký cũng đòi hỏi giáo viên phải tự nỗ lực, cố gắng, trau dồi chuyên môn để khẳng định năng lực

Trên góc độ quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đồng ý với dự thảo mới này, bởi thực tế hiện nay vẫn có tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Một số giáo viên trường công lơ là việc dạy trên lớp và tập trung kiến thức ở lớp dạy thêm, ra bài kiểm tra định kỳ sát với chương trình dạy thêm…

Do đó, nếu việc dạy thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học trò. Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng đồng tình với việc phải nhìn nhận đúng dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh. Vì thế, ngoài tăng cường quản lý dạy thêm trong nhà trường, giáo viên ở các trường công lập thì cần có thêm cơ chế, giám sát với dạy thêm ở các đơn vị hoạt động độc lập ở ngoài.

Hiện nay chưa có một quy định nào về việc quản lý các cơ sở dạy thêm nên việc kiểm tra, giám sát và xử phạt nếu có sẽ rất khó khăn. Nên chăng, cần quy định việc dạy thêm ngoài nhà trường là loại hình kinh doanh có điều kiện, để qua đó các cơ quan, ban, ngành có liên quan có thể phối hợp để cùng quản lý và thực hiện các nhiệm vụ liên quan như với các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo

Mỹ Hà