Xóm vạn chài trên sông Lam thấp thỏm mùa mưa bão
Khoảng 13 hộ dân làm nghề chài lưới thường neo đậu thuyền dưới chân cầu sắt Yên Xuân, hình thành nên xóm vạn chài. Mỗi mùa mưa bão đến, họ lại thấp thỏm lo thuyền chìm, đàn ông trong xóm phải thức trắng đêm trông coi.
Khát vọng lên bờ
Buổi trưa ngày 19/9, khi cơn bão số 4 đang áp sát bờ biển miền Trung, dù tâm bão đã được dự báo không hướng vào Nghệ An, nhưng chị Phạm Thị Thủy (35 tuổi, xã Xuân Lam, Hưng Nguyên), vẫn cẩn thận gói ghém đồ đạc, chuyển lên căn gác nhỏ. Tài sản trong nhà ngoài chiếc tủ lạnh, hầu hết cũng chỉ là áo quần, chăn, gối….
“2 ngày nay mưa lớn quá, cũng sợ. Năm ngoái nước sông Lam dâng, ngập hết nửa nhà”, chị Thủy nói, chỉ tay vào các vết hằn trên bức tường còn sót lại sau khi lũ rút những năm trước.
Chị Thủy là một trong những cư dân của xóm vạn chài, sống quanh quẩn ngay dưới chân cầu đường sắt Yên Xuân. Ở cái xóm này, gia đình chị Thủy được xem là khá giả nhất, bởi đã có căn nhà nhỏ ven sông làm nơi tá túc mỗi lần mưa bão. Còn hầu hết những hộ dân khác, vẫn phải sống lênh đênh trong những con thuyền nhỏ, chật chội.
“Nhiều người cứ nghĩ, chúng tôi là dân sông nước, giỏi bơi lội nên không sợ mưa bão. Thật ra chúng tôi sợ lắm. Cũng vì thế mà vợ chồng không ngừng phấn đấu làm việc, rồi vay mượn ngân hàng để mua đất dựng nhà trên bờ. Dù vẫn còn nợ ngân hàng rất nhiều, nhưng hy vọng con cái mình sẽ không còn phải nối nghiệp bố mẹ, lênh đênh theo con nước nữa”, chị Thủy nói.
Chị Thủy quê ở Hà Tĩnh, cũng nhiều đời làm nghề chài lưới, sống trên thuyền neo đậu ở bờ bên kia sông Lam. Còn chồng chị, anh Nguyễn Xuân Toàn (44 tuổi), quê gốc ở Quảng Bình, nhưng sinh ra ở trên thuyền ngay xóm vạn chài này. Cũng như nhiều người khác ở trong xóm, 2 vợ chồng chị đều không biết chữ. Dù là dân sông nước, nhưng những năm gần đây, chị Thủy liên tiếp chịu nỗi đau mất người thân vì dòng nước lũ. Đó cũng là động lực khiến 2 vợ chồng phấn đấu lên bờ để con cái được đi học, thay đổi cuộc sống sau nhiều đời làm dân vạn chài.
“Cách đây 3 năm, bố tôi mới 52 tuổi bị đuối nước ngay trên xóm vạn chài. Ông bơi lội rất giỏi, nhưng hôm đó trong lúc chèo thuyền sang nhà hàng xóm chơi thì gặp gió lớn bị lật, ông cũng đã uống rượu rồi nên bị đuối nước. Khi mọi người phát hiện ra thì không kịp nữa. Không lâu sau, đến lượt cháu trai mới 18 tháng tuổi của người em trai cũng bị chết đuối ngay dưới khúc sông này. Hôm đó cháu bị rơi từ trên thuyền xuống mà người lớn không biết”, chị Thủy ngậm ngùi.
“Chúng tôi cũng chán cái nghề này lắm rồi, cũng muốn lên bờ ở rồi đi xin việc làm, nhưng mà không biết chữ. Vì vậy, chỉ có thể đặt hy vọng vào 3 đứa con thôi. Dù phải vay mượn ngân hàng, cũng phải cho con đi học. Tôi còn hơn chồng là ngày xưa được đi học 3 ngày, chưa kịp biết mặt con chữ như thế nào thì phải nghỉ lên thuyền trông em cho bố đánh cá. Cách đây không lâu, tôi có nộp hồ sơ xin đi làm công ty, nhưng khi họ phỏng vấn, yêu cầu đọc chữ thì không biết nên họ không nhận”, chị Thủy nói và cho hay, nguyện vọng của 2 vợ chồng hiện nay là được công nhận hộ cận nghèo, để giảm chút chi phí cho các con đến trường.
Mỗi lần mưa bão đến, chị Thủy và các con sẽ vào trong đê để lánh nạn. Còn anh Toàn vẫn liều lĩnh bám trụ trên con thuyền nhỏ.
Con thuyền này chính là "cần câu cơm" của cả đại gia đình. Nếu không trông chừng, mưa lớn sẽ bị chìm. Chính vì vậy, đàn ông trong xóm, dù mưa bão có lớn đến đâu thì ai cũng sẽ ở trong thuyền, thức trắng cả đêm để trực. Vì thuyền nhỏ, nên mưa lớn nước sẽ trút xuống, nếu không liên tục tát nước ra ngoài sẽ bị chìm. Dù biết như vậy cũng nguy hiểm, nhưng chấp nhận. Chứ thuyền mà chìm là vất vả lắm.
Anh Nguyễn Văn Toàn - cư dân xóm vạn chài ở xã Xuân Lam
Nỗi lo mùa mưa bão
Sát nhà vợ chồng chị Thủy là căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Xuân Quang (66 tuổi), một trong những cư dân già nhất của xóm. Gọi là nhà nhưng thật ra là túp lều chật chội, được chắp vá bởi những tấm tôn, tấm bạt mà ông Quang đi xin, nhặt nhạnh dọc đường. Mỗi mùa mưa lũ đến, toàn bộ căn nhà sẽ chìm nghỉm dưới lòng sông. Vợ bệnh tật không đi lại được, mỗi lần như thế, ông Quang đành phải bế bà lên thuyền đi lánh nạn.
“Cũng sợ lắm chứ. Có năm, nước dâng rất nhanh, may mà có hàng xóm giúp đỡ chứ không là sơ tán không kịp. Mưa lớn, 2 vợ chồng già co ro trong con thuyền tròng trành, không thể nào ngủ được. Tôi thì biết bơi nên thuyền có chìm cũng còn cơ hội, nhưng vợ thì nguy hiểm vì không đi lại được”, ông Quang nói.
Trong căn lều nhỏ, mọi vật dụng có thể chứa nước như thau, xoong nồi… đều đã được ông Quang dùng để hứng nước mưa. Tấm tôn phía trên đã rách nát, mỗi lần mưa xuống, căn nhà lại lênh láng nước. “Sợ thì sợ nhưng không còn cách nào khác”, ông Quang nói.
Nói về xóm vạn chài, ông Quang kể rằng, từ trước tới nay, xóm vẫn thường được gọi với cái tên là “xóm Thái Lan”. Bởi hầu hết cư dân trong xóm đều quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình), sau đó di cư sang Thái Lan để mưu sinh. Năm 1954, theo lời kêu gọi của đất nước, những hộ dân này trở về rồi chọn khúc sông Lam đoạn qua Hưng Nguyên làm nơi neo đậu. Vì mải mưu sinh theo con nước nên từ trước đến nay, con em trong xóm hầu như không được đến trường. Những năm gần đây, một số hộ mới bắt đầu cho con đi học, với hy vọng thoát khỏi xóm nghèo.
Những ngày mưa bão này, căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Việt (44 tuổi), chật kín người đến tá túc. Bởi ở xóm vạn chài, ngoài ông Quang và vợ chồng chị Thủy, chỉ còn gia đình anh Việt là có căn nhà dựng bên mép sông làm nơi trú ngụ. Căn nhà chỉ khoảng 40m2, được xây sơ sài, nhưng riêng gia đình anh Việt đã có đến 10 thành viên. Ít năm trước, người con trai đầu lấy vợ sinh con rồi cũng ở luôn trong nhà để nối nghiệp bố mẹ. Ngoài ra, vợ chồng anh Việt còn phải nuôi thêm 2 người em bị bệnh tâm thần, không tự lo được cho bản thân. Căn nhà vốn dĩ chật chội, nay lại có thêm nhiều hàng xóm đến trú ngụ, càng trở nên bức bí.
“Người thì ngồi trong nhà trú ngụ, nhưng mắt thì vẫn phải hướng xuống thuyền neo đậu phía dưới. Nếu thuyền có bị đánh chìm thì cũng xuống cứu kịp. Còn ban đêm thì đàn ông chúng tôi vẫn phải ở dưới thuyền, chỉ có phụ nữ và trẻ em là lên bờ tránh thôi”, anh Việt nói và cho hay, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, cuộc sống của người dân vạn chài càng trở nên khốn khó. Nhiều hộ muốn cho con đi xuất khẩu lao động, nhưng cũng khó, bởi hầu hết đều rất ít học, cũng không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Chính vì vậy, cứ đời này qua đời khác, họ đành phải bám trụ ở cái xóm vạn chài này.
Mỗi mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều cắt cử cán bộ theo dõi tình hình ở xóm vạn chài; nếu nước dâng lên cao thì sẽ phải cưỡng chế người dân sơ tán vào trong đê ngay. Thực tế, nhiều người dân vẫn rất chủ quan, tiếc của nên thường bám trụ trên thuyền để trông coi.
Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam
Trong khi người dân vạn chài đang khát khao có "mảnh đất cắm dùi" thì cách đó chừng vài trăm mét có một khu tái định cư xây dựng xong nhưng “ế chỏng chơ”. Vì xây dựng quá lâu nên người dân đã không còn nhu cầu thực tế. Đó là khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở sông Lam ở xóm 9, xã Xuân Lam. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2011, có 100 lô đất ở (mỗi lô 315m2) nằm phía trong đê sông Lam để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía bên ngoài đê; trong đó, kinh phí đầu tư hơn 24,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Dù là dự án khẩn cấp, nhưng sau tròn 10 năm, đến năm 2021 dự án này mới hoàn thành, bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, khu tái định cư vẫn bỏ hoang, chưa có một hộ dân nào đến ở. Theo các hộ dân đã đăng ký nhận đất thì do phải chờ đợi quá lâu, nên hầu hết đã bỏ tiền nâng nhà để tự ứng phó với mưa lũ. Vì thế, đến nay không còn nhiều người có nhu cầu đến khu tái định cư.