Pháp luật

Nghệ An gắn trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống hàng lậu, hàng giả

Đặng Cường 24/09/2024 09:11

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý, tuy nhiên, vấn nạn hàng lậu, hàng giả ở Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là thực tế đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là thời điểm từ nay đến cuối năm.

Xử lý nhiều vụ vi phạm

Ngày 11/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh hộ P.T.N (SN 1985), thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phát hiện, thu giữ 1.776 sản phẩm bánh Trung thu các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

1. ảnh pv
Đoàn liên ngành kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu. Ảnh: PV

Trước đó, ngày 9/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Đinh Công Tráng (phường Lê Mao, thành phố Vinh). Quá trình kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 18.000 đồ chơi Trung thu cho trẻ em không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hiện lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.

2. ảnh pv
Kiểm tra tại một cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em. Ảnh: PV

Mới đây nhất, ngày 20/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh phụ liệu tóc H.O, địa chỉ số 57, đường Lê Lợi, thành phố Vinh. Người đại diện hộ kinh doanh và theo pháp luật là bà B.T.N.Q (SN 1994).

Tại quyết định xử phạt nêu rõ hộ kinh doanh phụ liệu tóc H.O đã kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ , hàng hóa vi phạm là mỹ phẩm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên (kinh doanh 8.212 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Royal (dầu gội thảo dược Shampoo loại 600ml) và 1.503 chai dầu xả nhãn hiệu Royal (dầu xả thảo dược Shampoo loại 600ml) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, được định giá 340.025.000 đồng).

Theo đó, hộ kinh doanh phụ liệu tóc H.O bị phạt tiền với mức phạt 90 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tính từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/8/2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý vi phạm 5.265 vụ, khởi tố hình sự 1.044 vụ/1.369 đối tượng, tổng thu nộp ngân sách 180 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý các diễn biến bất thường trên thị trường.

Các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng loạt ra quân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác tham mưu đến đấu tranh trực tiếp với vấn nạn buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại.

2(6).jpg
Các thành viên Ban chỉ đạo 389 Nghệ An nêu lên những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng chống hàng cấm, hàng giả. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi nên công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, gặp không ít khó khăn: Các đối tượng thường hợp thức hóa hàng lậu bằng các hóa đơn bán hàng không đúng thực tế; sử dụng hóa đơn khống, quay vòng hóa đơn cho nhiều lô hàng; vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa, ngụy trang, cất giấu tinh vi cùng với hàng hóa khác trong thùng xe, hầm xe tự chế, nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thu nhập còn thấp của người dân để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tiêu thụ trên các phương tiện bán hàng lưu động.

Việc lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử để buôn bán các loại hàng hóa vi phạm, gian lận thương mại qua các sàn giao dịch điện tử, các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo… gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy vết, xác định chính xác địa chỉ thực tế, tiến hành kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

Trong khi công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn mang tính hình thức, lan tỏa trong cộng đồng chưa cao. Một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ và không phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ bị các đối tượng trục lợi. Đây cũng là vấn đề gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.

876. ảnh pv
Đoàn liên ngành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Công Thương, Y tế)… với chính quyền các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả thông qua việc tăng cường quản lý địa bàn; nắm chắc thông tin diễn biến thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các loại đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả trên từng địa bàn. Bên cạnh đó, xác định các đối tượng trọng điểm để xây dựng phương án đấu tranh, chủ động bố trí lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, xử lý.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhất là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… cần triển khai các giải pháp đồng bộ về nghiệp vụ xác định chính xác địa chỉ các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng hành với các cơ quan chức năng đấu tranh không sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng sẽ được đẩy mạnh song song với việc tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo 389 cũng sẽ chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người tiêu dùng chọn các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, sử dụng phần mềm kiểm tra xuất xứ từ mã vạch để xác định có phải hàng chính hãng hay không. Trong trường hợp phát hiện các cửa hàng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng, cần báo ngay cho lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý.

Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vào chiều 19/9, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác đối với lực lượng cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực mới như thương mại điện tử. UBND tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lộng hành do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm…

Đặng Cường