Xã hội

Bất lực nhìn ngôi nhà vừa tân gia đã đổ sập vì sạt lở

Tiến Hùng 24/09/2024 16:09

Đợt mưa lũ những ngày gần đây đã gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ dân ở các huyện vùng núi Nghệ An nói riêng. Đặc biệt, trong số này có những hộ dân vừa mới xây dựng nhà bằng tiền, vật liệu sau nhiều năm tích góp, đã bị chôn vùi trong đất đá.

Mới tân gia 6 ngày đã tan nát

3 ngày nay, gia đình anh Lô Văn Mạo (38 tuổi, bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, Tương Dương) phải tá túc ở nhà người thân, sau khi ngôi nhà mới xây của anh bị đổ sập. Anh Mạo là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ gây sạt lở ở huyện Tương Dương. “Chúng tôi mới tổ chức tân gia vào tuần trước, mới vào nhà mới ở được 6 ngày thì đã bị vùi sập. 2 đứa con đang đi làm xa còn chưa kịp về mừng nhà mới với bố mẹ”, anh Mạo nói trong đau xót.

Căn nhà anh Mạo vừa mới tân gia được 6 ngày.
Căn nhà anh Mạo vừa mới tân gia được 6 ngày. Ảnh: H.T

Gia đình anh Mạo trước đây sống trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, thường xuyên dột nát mỗi khi mưa xuống. Những năm qua, anh Mạo thường đi khắp các tỉnh làm nghề thợ xây, chăm chỉ tích góp tiền để xây căn nhà kiên cố. Để hỗ trợ bố, 2 người con đầu của anh Mạo chỉ mới 16 và 18 tuổi nhưng gần đây cũng xin nghỉ học, để ra các tỉnh phía Bắc xin vào làm công ty.

“Thấy các con cũng đi làm thuê được rồi, nên hồi đầu năm tôi quyết định liều vay hơn 600 triệu đồng để dựng nhà. Cứ nghĩ nếu 3 bố con siêng năng làm việc thì mấy năm sau sẽ trả hết nợ, nhưng không ngờ nhà vừa xây xong đã bị chôn vùi”.

Anh Lô Văn Mạo (38 tuổi, bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương)

Được biết, tổng chi phí xây dựng căn nhà này hết gần 1 tỷ đồng. Ngày 15/9, gia đình anh Mạo tổ chức tân gia mừng nhà mới, sau nhiều tháng xây dựng. Còn căn nhà gỗ đã cũ, anh tháo ra nhưng cũng chỉ đủ để đổi được chiếc giường ngủ.

Bức tường mới xây kiên cố đá bị xé toạc bởi đất đá.
Bức tường mới xây kiên cố đá bị xé toạc bởi đất đá. Ảnh: H.T

Đến chiều 21/9, sau nhiều ngày mưa lớn liên tục, đất đá từ trên núi sau nhà bắt đầu có dấu hiệu sạt xuống. Anh Mạo lập tức cầu cứu chính quyền địa phương và hàng xóm. “Xã Xá Lượng sau đó đã huy động cán bộ và dân quân đến để sơ tán tài sản trong nhà. Không lâu sau hàng trăm khối đất đá đổ xuống, căn nhà dần bị vùi sập. Cũng may là hôm đó sạt lở vào buổi chiều, còn nếu buổi tối khi cả gia đình đang ngủ thì cả nhà chắc chạy cũng không kịp”, anh Mạo nói thêm.

Tại hiện trường, những bức tường phía sau nhà anh Mạo đã bị xé toạc bởi áp lực đất đá đổ từ trên núi xuống. Những mảng bê tông, sắt thép nằm ngổn ngang. Đất đá tràn vào nhà, cao hơn 2 mét. Kết cấu của ngôi nhà gần như bị phá vỡ hoàn toàn, không thể sửa chữa.

“Bây giờ nợ nần chồng chất, nhà cũ thì cũng tháo ra đổi lấy chiếc giường rồi. Không biết sắp tới phải như thế nào nữa. Chỉ mong nhận được sự hỗ trợ”.

Anh Lô Văn Mạo (38 tuổi, bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương)

Tháo chạy vì sạt lở

Cùng cảnh ngộ với anh Mạo, hơn 1 tuần qua, cả gia đình 6 thành viên của anh La Văn Chiến (47 tuổi, bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) cũng phải tá túc tại nhà hàng xóm. Căn nhà anh Chiến đã bị đổ sập hoàn toàn, chôn vùi dưới lớp đất đá cao nhiều mét. “Căn nhà này tôi mới xây dựng được chưa đầy 9 tháng. Sắp tới không biết phải bấu víu vào đâu”, anh Chiến nói trong bất lực. Đây là hộ dân bị thiệt hại nặng nhất do đợt mưa lũ vừa qua tại huyện Kỳ Sơn.

Căn nhà anh Chiến chỉ kịp tháo dỡ phần ngói.
Căn nhà anh Chiến chỉ kịp tháo dỡ phần ngói. Ảnh: H.T

Vợ chồng anh Chiến quanh năm làm rẫy, là hộ nghèo của xã. Sau nhiều năm ở trong nhà gỗ rách nát, cuối năm 2023, anh Chiến vay mượn của người thân, cùng với số tiền tích góp suốt thời gian dài để dựng căn nhà kiên cố, với tổng chi phí hơn 400 triệu đồng.

Căn nhà anh Chiến được dựng dựa vào sườn dãy núi trước đó chưa từng bị sạt lở. Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 14/9, đất đá từ trên núi bắt đầu chảy xuống như dòng suối. Chính quyền địa phương lập tức huy động cán bộ, dân quân đến hỗ trợ gia đình sơ tán.

“Đất đá đổ xuống nhanh quá, dù được chính quyền hỗ trợ nhưng cũng chỉ kịp tháo dỡ được mái ngói và một vài tấm ván gỗ. Không lâu sau thì toàn bộ ngôi nhà đã bị vùi lấp. Nhà có 6 thành viên, cũng không thể đi ở nhờ mãi được. Không biết sắp tới thế nào nữa”.

Anh La Văn Chiến (47 tuổi, bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn)

Toàn bộ căn nhà anh Chiến đã bị chôn vùi dưới hàng nghìn khối đất đá.
Toàn bộ căn nhà anh Chiến đã bị chôn vùi dưới hàng nghìn khối đất đá. Ảnh: H.T

Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tính từ ngày 20 đến 22/9, mưa lớn đã gây ảnh hưởng đến gần 90 căn nhà của các hộ dân trên địa bàn. Trong đó, có 6 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, gồm căn nhà mới xây của anh Lô Văn Mạo. Hầu hết những căn nhà này đều do đất đá từ trên núi đổ xuống gây sạt lở.

Tại thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), khách sạn Hòa Bình cũng bị đất đá sạt xuống làm bức tường phòng bị đổ sập, hàng chục khối đất tràn vào. Mưa lớn suốt nhiều ngày cũng gây sạt lở hàng loạt tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện, gây chia cắt tạm thời nhiều địa bàn. Ngoài ra, hàng chục hecta ruộng lúa của người dân cũng bị vùi lấp.

Một nhà dân ở huyện Tương Dương nguy cơ trôi tuột xuống vực vì sạt lở.
Một nhà dân ở huyện Tương Dương nguy cơ trôi tuột xuống vực vì sạt lở. Ảnh: Tiến Hùng

Còn theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 vừa qua đã gây mưa lớn, gây ảnh hưởng đến 18 căn nhà. Trong đó có những căn nhà bị đổ sập hoàn toàn. May mắn, trước khi bị sạt lở, chính quyền địa phương đã sơ tán người dân và một phần tài sản.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ bị sạt lở cao. Tại bản Xốp Phe và bản Na Mì (xã Mường Típ), chính quyền địa phương đã phải vận động người dân chuyển đến ở lồng ghép với các hộ gia đình lân cận không bị ảnh hưởng bởi sạt lở; sẵn sàng phương án di dời người dân và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Tại bản Cánh (xã Tà Cạ), lực lượng chức năng dù đã thực hiện công tác xử lý sạt lở, đào giảm tải mái taluy. Tuy nhiên, các vị trí xung quanh vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Vì vậy, chính quyền vẫn đang phải vận động người dân chuyển đến ở lồng ghép với các hộ gia đình lân cận; đồng thời cắm biển cảnh báo và cắt người túc trực để không cho người và các phương tiện lưu thông. Sẵn sàng phương án di dời người dân và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

Tương tự, tại các bản như Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam), Sa Vang (xã Tà Cạ), Xốp Tụ (xã Mỹ Lý), Phà Khốm (xã Phà Đánh), Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu) của huyện Kỳ Sơn cũng xảy ra tình trạng sạt lở, nhiều hộ dân đã phải di tản đến nơi an toàn để tá túc./.

Tiến Hùng