Thời sự

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội để phát triển

Phạm Bằng 25/09/2024 13:17

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, bám sát, nắm chắc tình hình, tận dụng các cơ hội để quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn nữa, hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Sáng 25/9, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9/2024 để nghe và cho ý kiến về các nội dung quan trọng.

Khách mời phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Cùng dự phiên họp có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các Uỷ viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Phiên họp được được kết nối với 21 điểm cầu các huyện, thành, thị.

bna_img_9808.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9/2024. Ảnh: Phạm Bằng

Thu ngân sách ước đạt 16.671 tỷ đồng

Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024 trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội; đầu tư công; thu chi ngân sách nhà nước và cải cách hành chính...

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng dự kiến đạt khoảng 7,5-8%; riêng quý III ước đạt khoảng 8,5%.

bna_img_9934(1).jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang trình bày báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Phạm Bằng

Tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cơ bản ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 10,64%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 16.671 tỷ đồng, đạt 104,8% dự toán, bằng 143,2% cùng kỳ năm 2023.

Tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh đã cấp mới cho 58 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 18.739 tỷ đồng; điều chỉnh tổng vốn đầu tư 30 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng hơn 16.802 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/9, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 5.022 tỷ đồng, đạt 54,14%.

bna_img_9988.jpg
Thiếu tướng Bùi Quang Thanh - Giám đốc Công an tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tại phiên họp, lãnh đạo các huyện: Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Đô Lương, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng trên địa bàn, đề xuất, kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, trao đổi, trả lời những vấn đề các địa phương kiến nghị.

bna_img_9999.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị các sở, ngành phối hợp với các địa phương đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn khắc phục bão lụt, kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoàn thiện thủ tục về kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ Đông.

Mặt khác, các địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai công tác ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong thiên tai; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành Nông nghiệp. Các huyện ven biển thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

bna_img_0020.jpg
Đồng chí Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Đánh giá cao kết quả thu ngân sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thu mới có thể đạt mục tiêu đề ra; quyết liệt thực hiện quyết toán vốn đầu tư tồn đọng và rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương không để tồn đọng hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính khi thực hiện các Luật mới; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có dư luận phản ánh gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hợp lý, hiệu quả.

Nhiều điểm sáng trong bối cảnh khó khăn

Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch
UBND tỉnh nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của tỉnh đạt được những kết quả khá tích cực.

Trên lĩnh vực kinh tế, có 5 điểm sáng: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn quý I và quý II. Thu ngân sách hoàn thành vượt dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 45% so với cùng kỳ, 16/21 địa phương hoàn thành vượt thu. Thu hút đầu tư dù không bằng năm 2023 nhưng tích cực, trong đó thu hút FDI đạt trên 730 triệu USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt khá.

bna_img_0039.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm và dự án trọng điểm của tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Tỉnh đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 137 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù; Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Các đề án về thành phố Vinh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được Bộ Nội vụ trình Chính phủ. Các dự án trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh đều được thực hiện tốt.

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, tỉnh xếp vị thứ 12 cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng 10 bậc so với năm 2023. Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai. Tỉnh đã vận động, quyên góp được trên 114 tỷ đồng, trong đó bằng tiền mặt gần 90 tỷ đồng để ủng hộ các địa phương, người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục do ảnh hưởng bão số 3.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, địa phương được thực hiện tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có kết quả rõ nét hơn. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức cơ bản được nâng lên.

Các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm, giữ vững được môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại được diễn ra sôi nổi, đóng góp vào kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; 32 chủ đầu tư có kết quả giải ngân đầu tư công còn thấp, có chủ đầu tư chưa giải ngân, nhiều nguồn có tỷ lệ giải ngân thấp.

Kết quả giải quyết thủ tục đầu tư, giải quyết hồ sơ của một số cơ quan, địa phương còn chậm. Ảnh hưởng mưa, lũ đã gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, Nhà nước. Ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức còn có dư luận phản ánh gây phiền hà, sách nhiễu.

Tận dụng cơ hội, quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Nhấn mạnh nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, bám sát, nắm chắc tình hình, tận dụng các cơ hội để quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn nữa để hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

bna_img_9981.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà đầu tư, các dự án sản xuất công nghiệp sớm đi vào hoạt động để có đóng góp vào tăng trưởng. Thúc đẩy, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm sản xuất của các địa phương, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động phòng, ngừa, ứng phó có hiệu quả với thiên tai, bão lũ; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại của người dân và Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu triển khai các công việc trọng tâm trong tháng 10 và quý IV năm 2024. Trong đó, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 137 của Quốc hội; Tổ chức hiệu quả Quy hoạch tỉnh; Triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, đúng tiến độ các nội dung trình Kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh; chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam.

bna_img_9897.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Về công tác thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu tăng cường thu ngân sách nhà nước, phấn đấu vượt 23.000 tỷ đồng; thực hiện chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Khẩn trương phân bổ, giải ngân 200 tỷ đồng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đấu thầu, giải phóng mặt bằng, phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đúng tiến độ. Tập trung hoàn thành thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và các dự án lớn trong khu kinh tế, khu công nghiệp dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024, trong đó quan tâm kết nối lao động việc làm cho các nhà đầu tư.

bna_img_9853.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu ngành Giáo dục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ năm học 2024-2025; tăng cường công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch; tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động; rà soát tỷ lệ hộ nghèo; phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Về nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả Đề án 06 và chuyển đổi số, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục duy trì, cải thiện kết quả cải cách hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiệu quả công việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức tốt; xử lý nghiêm các trường hợp có dư luận phản ánh; tham mưu xây dựng Đề án chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, chính sách của tỉnh.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội với phương châm bám sát tình hình, nắm chắc địa bàn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tránh hình thành "điểm nóng", giữ môi trường ổn định cho sự phát triển.

Phạm Bằng