Kinh tế

Bà giáo người Thái 'phát tài' nhờ nuôi con đuông cọ

Xuân Hoàng - Quang An 26/09/2024 14:29

Từ 40 cặp kiến vương ban đầu, chỉ sau 1 tháng, bà Lô Thị Cương ở xã Châu Kim (Quế Phong) đã nuôi thả hàng chục ổ, không đủ nhộng để bán.

Clip: Xuân Hoàng - Quang An

Chuyện một nhà giáo nghỉ hưu là phụ nữ người Thái ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong nuôi con đuông cọ với số lượng lớn, bán ra thị trường, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. “Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi tìm đường đến tìm hiểu vào một ngày trung tuần tháng 9.

duong 5
Bà Lô Thị Cương giới thiệu cho khách về những chậu nuôi đuông cọ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngôi nhà chúng tôi tìm đến nằm ngay cạnh Quốc lộ 16, đoạn qua bản Cọ Muồng, xã Châu Kim. Người nuôi con đuông cọ là bà Lô Thị Cương (sinh năm 1960). Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi con đuông cọ cho thấy, hàng loạt chiếc chậu nhựa xanh, đỏ, đường kính hơn 50cm, tất cả đều được đậy bằng tấm gỗ, xếp đặt gọn gàng lên kệ. Bà Lương cho biết, trong mỗi chậu nhựa là một ổ đuông cọ, mỗi ổ được ghi nhật ký ngày vào giống để thu hoạch đúng chu kỳ.

duong 2
Hàng chục chậu (ổ) nuôi đuông cọ của bà Lô Thị Lương tạo ra. Ảnh: Quang An

Giở nắp một chiếc chậu nhựa sắp đến kỳ thu hoạch đuông, bà Lương cầm miếng vỏ dừa lật lên, lộ ra những con đuông trắng muốt, to bằng đốt ngón tay, ngọ nguậy trong đống thức ăn đã hoai mục. Bà Lương cho hay, thức ăn của đuông cọ gồm vỏ quả dừa, cây mía cắt ngắn chẻ ra, củ sắn tươi, quả chuối xanh hoặc chín, bột ngô, cám gạo. Trong đó, vỏ quả dừa là chiếm phần lớn. Tất cả trộn lẫn với nhau.

Theo đó, mỗi ổ được thả 20 cặp con giống (kiến vương), chỉ trong 1 tuần chúng sẽ đẻ trứng, nở ra ấu trùng đến lúc thu hoạch chỉ trong 24 ngày. Khi những con nhộng béo mập, lớp da chuyển sang màu vàng trắng, tròn mẩy thì mới đạt đến độ ngon nhất.

duong 3
Một chậu nuôi đuông cọ vừa mới thả con giống. Ảnh: Xuân Hoàng

“Vỏ dừa thì mình đi xin các quán nước, người ta cũng bỏ đi chứ có làm gì đâu, nếu phải mua cũng rẻ thôi. Củ sắn, quả chuối, cây mía, cám ngô, cám gạo đều có sẵn trong vùng nông thôn… Quy trình chăm sóc đuông cọ cũng không quá phức tạp, chỉ cần cho ăn vào khoảng thời gian đầu khi kiến vương đã đẻ xong. Sau đó, chỉ cần để yên, đuông cọ sẽ tự ăn các chất dinh dưỡng từ vỏ dừa, sắn và lõi cọ”, bà Lương chia sẻ.

duong 9
Con kiến vương (con giống) được bà Lô Thị Cương nhân lên. Ảnh: Xuân Hoàng

Nói đến nghề nuôi đuông cọ, bà Lô Thị Lương bộc bạch: Tình cờ một ngày của tháng 5 vừa qua, bà nghe nói có người trong xã nuôi con đuông cọ thành công, được nhiều người mua về ăn, bà liền đến xem.

Tò mò thấy con đuông cọ dễ nuôi, chi phí thấp, trong khi người ta chỉ nuôi vài ba chậu, nên số lượng không đáng kể. Về nhà, bà tìm hiểu thêm trên tài liệu và quyết định đầu tư thời gian nuôi con đuông cọ hàng hóa.

duong 6
Mỗi khi khách hàng đến mua đuông cọ là đổ cả chậu ra để nhặt đuông. Ảnh: Xuân Hoàng

Để có con giống, ban đầu bà vào khu vực rừng cọ trong bản bắt được 40 con đuông cọ mang về nuôi, sau đó phát triển thành kiến vương (con giống). Được bao nhiêu con kiến vương, bà sử dụng để làm con giống bố mẹ. Từ 40 con giống ban đầu, sau 1 tháng bà đã nhân lên hàng trăm đôi giống bố mẹ.

duong 7
Những con đuông đến kỳ thu hoạch nằm trong đống thức ăn đã hoai. Ảnh: Quang An

Đến cuối tháng 7 vừa qua, bà bắt đầu nuôi đuông cọ thương phẩm, từ 5 chậu nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay đã nhân lên gần 80 chậu nuôi đuông cọ. Bằng cách vào giống gối ngày, nên ngày nào bà cũng có thu hoạch từ 4 – 5 chậu, cân được 2 – 3 kg đuông thương phẩm, bán với giá 200.000 đồng/kg.

Bà Lương cho biết, khách hàng mua đuông cọ chủ yếu là người dân trong vùng mua về làm quà, hoặc chế biến làm thức ăn. Bà con thường chế biến bằng cách xào đuông cọ với măng chua, hoặc xào với lá chanh, ớt, rất hấp dẫn. Đuông cọ được nuôi bằng các loại thức ăn sạch, có đặc điểm là thơm và béo ngậy, nhiều chất đạm, nên sau khi chế biến được nhiều người ưa chuộng.

duong 1
Một kg đuông cọ hiện bà Cương bán với giá 200.000 đồng. Ảnh Xuân Hoàng

“Sau mỗi lứa nuôi đuông cọ, nguồn thức ăn trong chậu hết chất dinh dưỡng, trở thành bã, không còn khả năng để nuôi đuông, buộc phải thay lượt mới. Bã dùng để làm phân bón cho cây trồng, đặc biệt, dùng để trồng chuối, sắn rất tốt, sau đó, dùng quả chuối và củ sắn để làm thức ăn, tạo vòng tuần hoàn cho việc nuôi đuông cọ”, bà Lương cho hay.

Ông Mạc Văn Tuất – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho hay, bà Lô Thị Cương thử nghiệm nuôi thành công con đuông cọ là mô hình mới, đầu tiên trên địa bàn huyện. Hiện đã có một số hộ nông dân trên địa bàn đến mua về tạo con giống để nuôi thử. Đuông cọ không phải là món ăn được bán phổ biến, thậm chí để tìm mua cũng khó. Do đó, giá bán đuông cọ hiện nay khá cao là tất yếu./.

Xuân Hoàng - Quang An