Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An đạt hơn 54%

Phạm Bằng 27/09/2024 11:18

Tính đến ngày 20/9, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Nghệ An đã giải ngân 5.022 tỷ đồng, đạt 54,14%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Tính đến ngày 20/9, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Nghệ An đã giải ngân 5.022 tỷ đồng, đạt 54,14%, trong đó, nguồn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý giải ngân đạt 48,09%; kế hoạch vốn kéo dài giải ngân đạt 34,09%.

bna_img_9934.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho rằng, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại. Ảnh: Phạm Bằng

Trên địa bàn tỉnh có 36 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh, trong đó có 24 đơn vị giải ngân đạt trên 60%, như: TX. Hoàng Mai (85,89%), TP. Vinh (79,68%), Diễn Châu (79,59%), Thanh Chương (62,33%), Tân Kỳ (62,07%), Đô Lương (61,68%), Cửa Lò (60,47%), Quỳnh Lưu (60,15%), Công an tỉnh (75,13%), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (70,37%), Sở Nội vụ (70,11%)...

Tính theo dự án, đã có 68 dự án/tổng số 158 dự án đã giải ngân đạt trên 60%, trong đó có 38 dự án cơ bản hoàn thành kế hoạch giải ngân, đạt trên 90%.

Đối với các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đã giải ngân 369,288 tỷ đồng, đạt 54,15%.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2) đã giải ngân 129,947 tỷ đồng, đạt 46,41%; 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân 142,503 tỷ đồng, đạt 54,08%.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh khá khả quan, song Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân có xu hướng chậm lại.

Một số nguồn vốn giải ngân vẫn còn chậm, như: Ngân sách trung ương - vốn trong nước (45,17%), chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (36,87%), chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (18,97%), vốn kéo dài (34,09%).

Máy móc thi công kè Nậm Mộ. Ảnh: Quang An
Dự án Kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) đang gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: tư liệu Quang An

Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 32 cơ quan, đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh, trong đó còn 1 đơn vị là Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn chưa giải ngân.

66 dự án thuộc nguồn đầu tư công tập trung giải ngân dưới mức bình quân, trong đó có 12 dự án chưa giải ngân; nguồn chương trình MTQG còn 114 dự án chưa giải ngân.

Các huyện, đơn vị: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An có số vốn còn lại lớn chưa giải ngân.

Trong các nguyên nhân, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Một số chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thi công và thực hiện các thủ tục thanh toán.

Ghi nhận kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu trong thời gian tới, các ngành, địa phương, chủ đầu tư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đấu thầu, giải phóng mặt bằng, phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; Xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đúng tiến độ.

Phạm Bằng