Miền Tây Nghệ An tích cực khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Ở vùng cao Nghệ An, mùa mưa bão, ngập lụt cũng là thời điểm chuẩn bị chăn nuôi, trồng trọt phục vụ thị trường tết. Vì vậy, các địa phương vừa chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả, vừa điều chỉnh lịch sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Sản lượng giảm do thiên tai
Vùng lòng hồ Thuỷ điện Hủa Na trên địa bàn xã Đồng Văn là một trong những “vựa” sản xuất cá lồng của huyện Quế Phong, cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá các loại mỗi năm. Song đây cũng là vùng chịu nhiều thiệt hại mỗi khi có mưa lụt.
Ông Lương Văn Thương, cán bộ UBND xã Đồng Văn cho biết, sau hai đợt mưa lụt đầu tháng 9 năm nay, các lồng cá người dân nuôi trên lòng hồ thuỷ điện bị hư hỏng, cá bị tràn ra ngoài gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi. Ngoài ra, hơn 80% diện tích lúa vụ mùa trên địa bàn xã, đặc biệt ở các bản Mường Hinh, Nậm Banh bị ngập.
Tổng diện tích lúa nước được gieo cấy cả năm của Đồng Văn hơn 186 ha, năng suất bình quân cả năm ước đạt 52 tạ/ha, sản lượng hơn 960 tấn. Nhưng năm nay, một số diện tích ở các bản thấp trũng như Nậm Banh dự kiến mất trắng khoảng 70%.
Đối với cá lồng, tổng diện tích nuôi trồng trên lòng hồ hơn 13 ha, cho sản lượng khoảng 35 tấn cá mỗi năm, thì mùa vụ năm nay dự kiến giảm do nhiều lồng cá bị hư hỏng, thất thoát vì ngập lụt.
Theo ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quế Phong, trên địa bàn huyện này, các đợt mưa lũ, ảnh hưởng bão cuối tháng 8 đến giữa tháng 9/2024 đã làm hơn 1 ha ao cá bị thiệt hại trên 70%; 4,3 ha lúa nước bị ảnh hưởng; 27 lồng cá của các hộ dân ở xã Thông Thụ và xã Đồng Văn bị hư hỏng trên 70% và 12 nhà bè bị tốc mái; 22,25 ha cây keo bị đổ, gãy.
Các đợt mưa, lũ, sạt lở cũng khiến chăn nuôi, trồng trọt ở các xã của huyện Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Kỳ Sơn... bị ảnh hưởng, giảm năng suất thu hoạch. Ở huyện biên giới Tương Dương, ông Lô Văn Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện cho biết, riêng đợt mưa lũ ngày 22/9 đã làm thiệt hại hoàn toàn trên 70% diện tích lúa ruộng ở các xã Nga My, Tam Quang do bị ngập hoặc bị vùi lấp do sạt lở.
Thống kê trên địa bàn toàn tỉnh, đến ngày 23/9, mưa lũ, sạt lở diễn ra chủ yếu ở các huyện vùng cao đã làm thiệt hại khá lớn về sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, diện tích lúa bị thiệt hại là 537,90 ha. Trong đó, thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 376,48 ha, gồm Tương Dương 12,788 ha, Con Cuông 85,9 ha, Tân Kỳ 42,7 ha, Kỳ Sơn: 0,55 ha; Anh Sơn 28 ha… Thiệt hại dưới 70% là 161,42 ha, trong đó Tân Kỳ 91,6 ha, Quế Phong 41,92 ha, Kỳ Sơn 0,2 ha, Anh Sơn 3,5...
Đối với chăn nuôi, gia súc bị chết 70 con. Gia cầm bị chết: 14.803 con (huyện Tương Dương: 92 con, Con Cuông 1271 con, Đô Lương: 1600 con, Yên Thành 280 con, Kỳ Sơn 10 con, Diễn Châu: 1550 con, Anh Sơn 800 con, thành phố Vinh 9000 con, Tân Kỳ 200 con). Diện tích ao hồ nhỏ bị thiệt hại:1.755,53 ha; diện tích nuôi cá vụ 3 thiệt hại 83,40 ha.
Khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhiều huyện vùng cao đã phải hứng chịu thiệt hại lớn về trồng trọt, chăn nuôi do ảnh hưởng của ngập lụt, sạt lở. Ở những địa phương bị thiệt hại, người dân đang tích cực khắc phục hậu quả. Đối với các ruộng lúa, ngô, sắn và cây trồng khác bị ngập, đổ do mưa bão, người dân cố gắng thu hoạch các sản phẩm còn có thể sử dụng, chưa bị nảy mầm ở lúa, ngô. Với những diện tích đã ngập úng, lên mầm hoặc thối rữa thân thì nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh để hạn chế nấm bệnh gây hại ruộng.
Với các lồng cá bị hư hỏng, chính quyền hỗ trợ người dân sửa chữa, thay mới số thiết bị không sử dụng được; gia cố các lồng có nguy cơ hư hỏng khác. Ví như ở xã Đồng Văn, UBND xã hướng dẫn người dân sử dụng thêm các cây lùng, nứa khô gia cố nhà bè, nhà lồng nuôi cá và liên hệ công ty cung cấp lưới lồng để người dân thay mới, vá các lưới bị hư hỏng.
Ở các huyện vùng cao, do đặc trưng địa hình, khí hậu, cùng với nắm bắt diễn biến thời tiết hàng nằm, các địa phương đã chủ động đề ra các phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp để “tránh” thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.
Ví như đối với sản xuất lúa hè thu - mùa năm 2024, trước những dự báo về các ảnh hưởng của cơn bão số 3 và sau đó là các đợt hoàn lưu bão, rồi ảnh hưởng của bão số 4, các huyện miền Tây, các địa phương vùng miền núi các huyện trung du, đồng bằng đã chủ động thu hoạch lúa “chạy lụt”.
Ở xã Đồng Văn, bà Lương Thị Tiến - Trưởng bản Mường Hinh cho biết, là địa phương có diện tích nuôi cá lồng bè lớn nhất xã, trước các đợt mưa bão hàng năm, UBND xã đều chỉ đạo người dân các bản chủ động thu hoạch các lứa cá lớn. Vì vậy đợt mưa bão đầu tháng 9 vừa qua dù đã làm gãy đổ, hư hỏng hơn chục lồng bè, song thiệt hại về sản lượng cá được giảm thiểu nhờ chủ động ứng phó trước đó.
Ở huyện Kỳ Sơn, với địa hình đồi núi và độ dốc lớn, diện tích lúa rẫy và lúa nước vụ mùa hơn 800 ha, cho năng suất bình quân hàng năm đạt khoảng 35 - 38 tạ/ha. Trước những diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, các giống địa phương ngày càng thoái hóa năng suất thấp, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai thử nghiệm và đưa giống lúa mới VNR20 vào trồng ở một số địa phương. Còn tại xã Na Ngoi, đặc thù địa hình đồi núi cao, thời tiết khô hạn và thường xuyên sạt lở vào mùa mưa bão, vì vậy người dân Na Ngoi hầu như bỏ vụ mùa, chỉ trồng ở một số địa bàn như bản Huồi Thum, Buộc Mú 2.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, chăn nuôi gia súc gia cầm là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của các địa phương vùng cao. Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tổn thất đối với đàn gia súc, gia cầm vào mùa mưa bão, người dân cần hạn chế chăn thả rông trâu bò ở các nương rẫy, khu sản xuất xa nhà. Đặc biệt những địa bàn thường xảy ra sạt lở, ngập lụt.
Thường xuyên thăm đàn, di chuyển đàn vật nuôi khi có cảnh báo mưa, sạt lở để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, người dân cũng hạn chế tái đàn vào thời điểm từ tháng 9 hàng năm, vừa tránh mưa lũ, vừa tránh các đợt rét đậm, rét hại làm giảm năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.