Xã hội

Nghề đan nơm bắt cá ở Thanh Chương

Huy Thư 27/09/2024 18:40

Đan nơm không chỉ đem lại thu nhập cho những người cao tuổi theo nghề, mà còn góp phần gìn giữ một nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời ở Thanh Chương.

bna_1.jpg
Nơm là dụng cụ được đan bằng tre, mây, nhựa... dùng để bắt cá trong ao, ngoài đồng hay ven sông, suối. Đi nơm cá không chỉ kiếm được cá cải thiện bữa ăn, mà còn là một thú vui của nhiều người. Nghề đan nơm ở Thanh Chương đã có từ lâu đời. Hiện nay, những người còn gắn bó với nghề này đều là người cao tuổi. Ảnh: Huy Thư
bna_2...jpg
Để đan được 1 chiếc nơm phải qua nhiều công đoạn: Chẻ tre, mây, vót răng, chuốt mây, uốn vành, bện đầu, bện chân, vô vành, nức tay cầm… Tùy từng loại nơm (nơm soi, nơm trung, nơm đại) mà cắt tre, chẻ tre, vót răng phù hợp. Ông Trần Đình Mão (75 tuổi) ở xóm Đình Sơn, xã Đồng Văn cho biết: “Trước đây cha tôi cũng làm nghề đan nơm, nên tôi biết đan từ khi 10 tuổi. Sau khi nghỉ hưu tôi cũng làm thêm nghề này. Hai anh em cùng làm nghề của cha”. Ảnh: Huy Thư
bna_3.jpg
Theo những người trong nghề, mỗi bộ răng nơm thường có 60 - 80 chiếc răng, trong đó có 4 -6 răng cái. Đó là những chiếc răng to hơn bình thường, mặt trong, nửa trên có khắc 2 rãnh để giữ 2 vành nơm. Nơm làm nhiều răng cái, tuy khó néo vành nhưng rất vững vàng. Người thợ bắt đầu đan nơm bằng việc bện đầu nơm rồi đến chân nơm... Ảnh: Huy Thư
bna_4..jpg
Trong quá trình làm nghề, những người thợ ở Thanh Chương đã có nhiều cải tiến, sáng tạo ra một số dụng cụ... áp dụng vào sản xuất để đan nơm nhanh hơn, chất lượng tốt hơn. Ảnh: Huy Thư
bna_5..jpg
Ông Trần Đình Hòa (64 tuổi) ở xóm Đình Sơn, xã Đồng Văn chia sẻ: Ông làm nghề đến nay đã hơn 40 năm. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhưng gia đình ông vẫn gắn bó và duy trì nghề đan nơm đến hôm nay. Mỗi năm, hai vợ chồng ông đan được 300 đến 350 chiếc nơm. Sản phẩm làm ra không phải đem đi chợ, mà lái buôn thường đến tận nhà để thu mua. Ảnh: Huy Thư
bna_6.jpg
Ông Lê Văn Hàn (72 tuổi) ở xóm 6, xã Thanh Lương cho hay: Ông đã gắn bó với nghề đan nơm từ nhiều năm nay. Là một cán bộ hưu trí, ông đến với nghề này bằng sự đam mê. Ông đã dành phần lớn diện tích tầng trên của ngôi nhà 2 tầng để cất nguyên vật liệu, thực hiện các công đoạn làm nơm, phơi nơm. Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Những ngày trời nắng, trên mái tôn nhà ông Hàn phơi đầy nơm. Ông làm nhiều loại nơm, kích thước theo yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt nơm của ông chỉ làm từ 2 nguyên liệu chính là tre và mây, không dùng đồ nhựa. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Để làm được những chiếc nơm chuẩn, theo các thợ đan nơm, trước hết phải chọn tre già, chặt đúng tiết, vót răng đều, uốn vành tròn, đan, bện đúng kỹ thuật. Khi chiếc nơm hoàn thành phải đẹp mắt, chân, miệng tròn đều, lưng cong, chắc chắn, đảm bảo nơm tốt, dùng bền. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Nói về nghề đan nơm, ông Lê Văn Hàn chia sẻ: “Tôi yêu thích nghề đan nơm nên tự mày mò để học. Nhiều hôm, tầm 4h sáng tôi đã dậy đan nơm. Tôi chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nên chọn nguyên liệu, xử lý kỹ rồi mới đan, làm cái nào chắc chắn cái đó. Tuổi già làm thêm nghề này vừa vui, vừa có thêm thu nhập". Ảnh: Huy Thư
bna_10.jpg
Nơm tre Thanh Chương có chất lượng tốt nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Thời điểm này, gần như các cụ đan nơm đều làm không kịp cho khách đặt hàng. Giá nơm tùy vào từng loại nơm, giao động từ 100 đến 300 nghìn đồng/chiếc, những chiếc nơm "khủng" có giá từ 800 nghìn – 1 triệu đồng. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Ngoài bán ở chợ truyền thống, nhập cho các lái buôn vận chuyển đi các nơi, nơm của bà con Thanh Chương còn được rao bán trên mạng xã hội. Nghề đan nơm của những người cao tuổi không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần gìn giữ một nghề thủ công truyền thống, lâu đời. Ảnh: Huy Thư
Ông Lê Văn Hàn đan nơm tre có tiếng ở xã Thanh Lương (Thanh Chương). Video: Huy Thư

Huy Thư