Xe

4 loại dầu trên ô tô cần kiểm tra, thay thế định kỳ

Hoàng Cường 28/09/2024 07:08

Trên mỗi chiếc ô tô dùng động cơ đốt trong đều có những loại dầu đặc thù đi kèm với mỗi bộ phận riêng biệt, theo thời gian sử dụng các loại dầu trên ô tô thường bị hao hụt, xuống cấp do đó người dùng cần kiểm tra thay thế định kỳ.

Bên cạnh dung dịch làm mát, nước rửa kính… trên các mẫu ô tô dùng động cơ đốt trong hiện nay còn có nhiều loại dầu đặc thù sử dụng cho từng bộ phận khác nhau. Đơn cử như dầu nhớt dùng cho động cơ, dầu cho hộp số, dầu cho hệ thống phanh… Theo thời gian cũng như môi trường sử dụng ô tô, các loại dầu này thường bị hao hụt, xuống cấp và cần được kiểm tra, thay thế.

4 loại dầu trên ô tô cần kiểm tra, thay thế định kỳ- Ảnh 1.
Ô tô dùng động cơ đốt trong hiện nay còn có nhiều loại dầu đặc thù sử dụng cho từng bộ phận khác nhau. Ảnh: B.H

Nếu người dùng ô tô lơ là, chủ quan không bổ sung, thay thế các loại dầu trên ô tô theo khuyến cáo của nhà sản xuất, theo thời gian có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của các bộ phận như động cơ, hộp số, hệ thống phanh, hệ thống lái… Tuy nhiên, thông thường ngoài dầu nhớt động cơ, không phải bất cứ ai sử dụng ô tô đều biết các loại dầu nào trên ô tô cần thay thế hay tình trạng dầu thế nào hay xe vận hành qua bao nhiêu km thì nên thay (!?)

Dầu nhớt động cơ

Dầu nhớt động cơ là dung dịch quan trọng giúp duy trì hoạt động của hệ thống động cơ qua cơ chế bôi trơn, làm giảm ma sát và làm sạch các bộ phận cơ khí như piston, xi-lanh hay trục khuỷu. Sau thời gian dài sử dụng, quá trình đốt cháy nhiên liệu của động cơ có thể tạo thành những muội than, cặn bẩn... lẫn trong dầu nhớt khiến dầu bị xuống cấp làm giảm khả năng bôi trơn.

4 loại dầu trên ô tô cần kiểm tra, thay thế định kỳ- Ảnh 2.
Người dùng ô tô cần theo dõi, kiểm tra và thay dầu nhớt định kỳ sau mỗi 5.000 - 10.000 km. Ảnh: B.H

Vì vậy, theo khuyến cáo của các nhà sản xuất ô tô, tùy theo mỗi loại xe, người dùng ô tô cần theo dõi, kiểm tra và thay dầu nhớt định kỳ sau mỗi 5.000 - 10.000 km hoặc khoảng 4 tháng để đảm bảo động cơ luôn vận hành ổn định.

Dầu hộp số

Dầu hộp số là dung dịch có chức năng bôi trơn các bánh răng bên trong hộp số ô tô. Để hộp số trên luôn hoạt động tốt, chất lượng dầu hộp số phải được đảm bảo. Với hộp số tự động, dầu hộp số còn góp phần đảm bảo quá trình hoạt động ổn định của bộ ly hợp thủy lực. Việc dầu hộp số thường xuyên phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao dễ khiến các phân tử trong dầu nhớt bị bẻ gãy, không còn đảm bảo hiệu quả làm việc.

Bên cạnh đó, giống như dầu động cơ, các muội than, cặn bẩn và bụi kim loại từ quá trình vận hành của hộp số sẽ lẫn trong dầu khiến dầu bị đặc dần, không còn hiệu quả bôi trơn. Chính vì vậy, dầu hộp số ô tô cũng cần được kiểm tra, thay thế định kỳ. Theo nhà sản xuất, với ô tô số sàn, dầu hộp số nên được thay sau mỗi chu kỳ 40.000 - 50.000 km sử dụng xe và sau mỗi 60.000 - 150.000 km đối với ô tô số tự động.

Dầu phanh

4 loại dầu trên ô tô cần kiểm tra, thay thế định kỳ- Ảnh 3.
Dầu phanh cũng cần được thay thế định kỳ để hệ thống phanh có thể hoạt động tối ưu. Ảnh: B.H

Dầu phanh đóng vai trò truyền lực từ bàn đạp phanh qua các cùm phanh (má phanh) ở 4 bánh xe. Dầu phanh cũng cần được thay thế định kỳ để hệ thống phanh có thể hoạt động tối ưu. Do đó, nên thường xuyên theo dõi kiểm tra mức dầu phanh, nếu thấy lượng dầu còn trong bình bị hao hụt, giảm xuống dưới mức tối thiểu nên thay thế. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến sự thay đổi màu sắc của dầu phanh, nếu màu dầu phanh chuyển sang nâu hoặc đen cũng nên thay thế. Thông thường, nếu không có sự hao hụt việc thay dầu phanh thường được thực hiện ít nhất hai năm một lần. Tuy nhiên, thời gian có thể thay đổi tùy theo tình trạng và nhu cầu sử dụng xe.

Dầu trợ lực

4 loại dầu trên ô tô cần kiểm tra, thay thế định kỳ- Ảnh 4.
Cần theo dõi kiểm tra các chi tiết chứa dầu trợ lực phòng trường hợp bị xì dầu, dẫn đến hao hụt khiến hệ thống lái, hệ thống treo hoạt động không hiệu quả. Ảnh: B.H

Dầu trợ lực lái và dầu trợ lực hệ thống giảm xóc có chức năng như một bơm thủy lực giúp người lái điều khiển vô-lăng dễ dàng và nhẹ nhàng hơn đồng thời góp phần giúp xe hoạt động êm ái hơn. Dầu trợ lực lái còn có vai trò duy trì nhịp độ làm việc của các bộ phận trong hệ thống lái, hệ thống giảm xóc của ô tô. Hiện nay, nhiều mẫu mã ô tô đời mới đã chuyển sang hệ thống lái trợ lực điện, tuy nhiên không ít xe vẫn còn dùng hệ thống trợ lực tay lái thủy lực. Dầu trợ lực cũng cần được kiểm tra, thay thế định kỳ hoặc khi màu dầu đã chuyển sang màu nâu hoặc đen. Đặc biệt, cần theo dõi kiểm tra các chi tiết chứa dầu trợ lực phòng trường hợp bị xì dầu, dẫn đến hao hụt khiến hệ thống lái, hệ thống treo hoạt động không hiệu quả.

Hoàng Cường