Kinh tế

Giá cau ở Nghệ An 'leo thang', thị trường thu mua nhộn nhịp

An Nam 28/09/2024 16:53

Giá cau tăng gần gấp đôi so với đầu vụ, việc thu mua cau quả khá sôi động ở các địa phương, những lò sấy cau cũng hoạt động tấp nập.

bna_1(1).jpg
Cau được trồng nhiều tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ... Nhiều hộ dân trồng từ 300 - 500 cây. Hiện nay, người dân chủ yếu trồng các giống cau, như cau cao, cau lùn..., trong đó cau liền phòng ra trái quanh năm được nhiều hộ làm vườn ưa chuộng. Ảnh: Huy Thư
bna_2(1).jpg
Cau không chỉ được trồng trong vườn nhà theo hàng lối kiểu chuyên canh, mà còn được trồng xen trên bờ ao, trên các tuyến đường làng. Vụ cau năm nay không được mùa, nhưng khá được giá. Đầu vụ, cau có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trung tuần tháng 9 này giá cau đã tăng lên 70.000 - 75.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư
bna_3(1).jpg
Giá cau "leo thang", hoạt động mua bán cau diễn ra nhộn nhịp. Người dân làm nghề hái cau, mua cau đi săn hàng khắp các địa phương. Ngoài mua quạ cả vườn từ trước, trả tiền cọc, khi cau to quả thì đến hái, thợ trèo cau còn ghé từng nhà, từng vườn xem cau mua "nóng", hái tại chỗ, cân lên, tính tiền. Ảnh: Huy Thư
bna_4(2).jpg
Hiện nay, những người làm nghề hái cau thường dùng sào cột liềm, đứng dưới đất hay đứng trên thang để ngoặc buồng. Anh Trần Văn Quân (30 tuổi) thợ trèo cau lâu năm ở xã Nam Sơn (Đô Lương) chia sẻ: “Tuy trèo cau có tiếng, nhưng mấy lâu nay tôi cũng dùng sào, đứng dưới đất để ngoặc cho an toàn, chứ không dám leo lên, vít ngọn, chuyền cành như trước”. Ảnh: Huy Thư
bna_5(1).jpg
Một cây cau thường cho 4 -5 buồng/mùa. Mỗi lần bán chỉ hái được 1 - 2 buồng/cây, người hái cau sẽ lựa chọn buồng to để hái. Nếu bán cau quá non, quả nhỏ, cân nhẹ, chủ vườn thiệt, nên bà con có cau thường chờ cau to quả mới bán. Tuy nhiên nhiều khi quả nhỏ được giá, nhưng đến lúc quả to lại mất giá. Ảnh: Huy Thư
bna_6.jpg
Hiện nay, người dân làm nghề hái cau thường trang bị cho mình 1 cây sào chuyên dụng làm bằng inox hoặc nhôm (có giá từ 400 nghìn - 1 triệu đồng) có thể kéo dài ra hoặc gấp gọn vào khi di chuyển. Lúc ngoặc cau, họ căn vị trí cau rơi để cầm được buồng cau, không để cau rơi xuống đất. Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Các thợ hái cau cho biết, mùa cau năm nay, nhiều cây cau cho buồng sai quả nhưng điếc phần lớn, có khi mất công ngoặc buồng cả chục cây, nhưng không có quả to để mua. Anh Trần Trọng Đức (41 tuổi), một thợ hái cau ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) chia sẻ: Đi mua cau ở vùng sâu, vùng xa, tuy đi lại khó khăn, tốn kém, nhưng giá mềm, bán có lãi. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Giá cau cao gắp 10 - 12 lần so với năm 2023, không ít hộ trồng cau nhiều trong tỉnh thu cả trăm triệu đồng nhờ tiền bán quả. Bà Nguyễn Thị Dần ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) cho biết, nhà bà trồng hơn 300 cây cau liên phòng, nửa đầu năm bán quả được 47 triệu đồng. Từ tháng 7 đến nay bán thêm được 4 tạ cau chính vụ. Hôm qua 27/9, hai vợ chồng bà hái được 110 kg bán cho lái buôn tại vườn giá 70.000 đồng/kg. Vụ cau này, gia đình bà còn bán được 600 cây cau giống (25.000 đồng/cây). Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Giá cau tăng, nhiều người dân tranh thủ lúc nông nhàn cũng đổ xô đi hái cau, mua cau. Họ không chỉ "săn" cau trong huyện mà còn sang các huyện bạn hay Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) để tìm cau. Một số người đi hái cau kiêm luôn việc gom cau đưa về nhập cho các cơ sở thu mua. Ảnh: Huy Thư
bna_10..jpg
Anh Nguyễn Hữu Hưng - chủ một cơ sở thu mua cau ở xã Thanh Tiên cho biết: Những ngày này, mỗi ngày cơ sở anh thu mua 1,5 tấn cau của nhiều người đi hái cau trong vùng. Theo anh Hưng giá cau tuần trước đạt 75.000 đồng/kg, nay đã hạ. Giá cau lên xuống thất thường phụ thuộc vào lái buôn Trung Quốc. Ảnh: Huy Thư
bna_11a.jpg
Dịp này, những lò sấy cau trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương... hoạt động hết công suất. Theo người phụ trách 1 lò sấy cau ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương), cau sau khi luộc sẽ đưa vào lò sấy bằng củi, mỗi mẻ sấy khoảng 16 tấn. Sau 5 ngày đêm sấy liên tục mới hoàn thành 1 mẻ. Cau khô thành phẩm sẽ được lái buôn Trung Quốc cho xe đến tận nơi để nhập hàng. Ảnh: Huy Thư
Thu hái cau quả. Video: Huy Thư

An Nam