Kinh tế

Trồng húng quế, mô hình mới trên đất Quế

Xuân Hoàng - Quang An 29/09/2024 07:40

Nông dân huyện Quế Phong trồng cây húng quế để nhập cho doanh nghiệp làm nguyên liệu chế biến dược phẩm. Đây là mô hình mới, có thể nhân ra diện rộng.

Cây húng quế phát triển khá tốt tại mô hình của gia đình anh Lương Văn Quý. Ảnh: Quang An
Cây húng quế phát triển khá tốt tại mô hình của gia đình anh Lương Văn Quý. Ảnh: Quang An

Anh Quang Văn Quý - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Phương Tiến 2, xã Tiền Phong (Quế Phong), là người luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ. Tháng 7 vừa qua, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh Quý đã thực hiện mô hình trồng cây húng quế với quy mô 2.000m2 tại vườn nhà. Đến nay, sau hơn 2 tháng chăm sóc, cây đã đến kỳ thu hoạch.

Anh cho biết: Thực hiện mô hình, được Hội Nông dân xã hỗ trợ giống, phân bón NPK và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc cho thấy, cây húng quế chịu được hạn, không cần tưới nhiều, ưa thích với vùng đất cao, không có sâu bệnh, nhiều gia đình có thể trồng được.

hung 1
Đến trung tuần tháng 9, cây húng quế đã đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Xuân Hoàng

“Hiện nay, húng quế đã đến kỳ thu hoạch, nhưng do thời tiết bất lợi nên tôi đang chờ ít ngày, khi nào trời nắng sẽ thu hoạch, được doanh nghiệp thu mua ngay tại chỗ. Theo hướng dẫn của doanh nghiệp, cách thu hoạch cây húng quế là cắt ngang cây, lấy phần trên bán cho doanh nghiệp, còn phần dưới giữ lại lưu gốc, tiếp tục chăm sóc để phát triển. Theo đó, một lần trồng có thể thu hoạch được 3 lứa mới trồng lại”, anh Quang Văn Quý chia sẻ.

hung 2
Húng quế không những dùng để làm rau gia vị mà còn sử dụng để chế biến dược liệu. Ảnh: Quang An

Anh Lương Văn Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Phong cho biết: Lý do Hội Nông dân xã triển khai mô hình trồng cây húng quế là do có doanh nghiệp chế biến dược liệu ở huyện Quỳ Hợp phối hợp trồng để lấy nguyên liệu. Trước mắt, Hội Nông dân xã thực hiện 2 mô hình tại hộ anh Lương Văn Quý ở bản Phương Tiến 2 và một mô hình ở bản tái định cư Na Chạng, với tổng diện tích 2.500m2.

Qua đánh giá cho thấy, các hộ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây phát triển đều, khả năng cho năng suất cao. Đến trung tuần tháng 9, húng quế đã đến kỳ thu hoạch.

hung 3
Cây húng quế ở giai đoạn ra hoa. Ảnh: Quang An

“Lần đầu thực hiện mô hình cho thấy, cây húng quế dễ trồng trên đất đồi cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau 2 tháng là cho thu hoạch. Nhận thấy đây là cây trồng không cần vốn đầu tư nhiều, gia đình nào cũng có thể trồng được, do vậy, tới đây Hội Nông dân xã sẽ mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho doanh nghiệp và tăng thu nhập cho bà con nông dân”, anh Lương Văn Hà cho hay.

hung 4
Từ ngày 25/9, người trồng húng quế ở Quế Phong thu hoạch bán cho doanh nghiệp. Ảnh: XH

Anh Lương Văn Hà cũng vừa cho biết, sau đợt mưa bão vừa qua, phía doanh nghiệp đã tiến hành thu mua cây húng quế với giá 3.000 đồng/kg, với 100m2 , bà con thu về từ 70 - 80 kg. Tuy nhiên, vụ sau năng suất sẽ cao hơn, bởi bà con thu hoạch bằng cách cắt ngang cây, nên phần gốc để lại sẽ mọc mầm nhiều. Cùng thời điểm với xã Tiền Phong, Hội Nông dân xã Châu Kim cũng thực hiện mô hình trồng cây húng quế với diện tích 800m2.

Ông Mạc Văn Tuất - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho rằng, cây húng quế lâu nay người dân chủ yếu trồng trong vườn nhà để làm rau gia vị, bán nhỏ lẻ cho các nhà hàng, quán ăn, giá trị mang lại chưa cao. Tuy nhiên, khi có doanh nghiệp vào ký kết hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm thì cây húng quế thực sự trở thành hàng hóa, tạo nguồn thu nhập cho bà con. Nếu phía doanh nghiệp thu mua với giá hợp lý và lâu dài, Hội Nông dân huyện sẽ chỉ đạo hội nông dân các xã triển khai mở rộng diện tích, nhằm tận dụng nguồn đất sẵn có của các hộ để tăng thu nhập.

Xuân Hoàng - Quang An