Xây dựng Đảng

Bài 1: ‘Ở đâu có dân, ở đó có đảng viên’

Khánh Ly - Đặng Cường 29/09/2024 08:19

Với phương châm “ở đâu có dân ở đó có đảng viên”, quá trình tìm nguồn, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú vào đảng được các cấp ủy, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị huyện Quế Phong thực hiện thông qua việc gây dựng các mô hình, phong trào thi đua ở cơ sở. Qua đó, phát hiện các nhân tố thực sự giác ngộ và mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng để “học hỏi, rèn luyện, cống hiến và nêu gương…”.

NolucphattriendangoQP-B1-cover (2)
NolucphattriendangoQP-B1-cover (2)

Khánh Ly - Đặng Cường • 29/09/2024

Với phương châm “ở đâu có dân ở đó có đảng viên”, quá trình tìm nguồn, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú vào Đảng được các cấp ủy, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị huyện Quế Phong thực hiện thông qua việc gây dựng các mô hình, phong trào thi đua ở cơ sở. Qua đó, phát hiện các nhân tố thực sự giác ngộ và mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng để “học hỏi, rèn luyện, cống hiến và nêu gương…”.

nolucphattriendangoqp-b1-tit1.png

Ngày 5/9/2024, tại bản Liên Phương, xã Châu Kim diễn ra lễ kết nạp đảng viên mới thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và người dân. Lễ kết nạp Đảng hôm ấy khá đặc biệt, bởi 2 quần chúng ưu tú được kết nạp là một cặp vợ chồng trẻ người dân tộc Thái cùng tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Đó là anh Lưu Văn Tài và chị Lương Thị Tý, SN 1996. “Việc được kết nạp Đảng trong cùng một ngày không chỉ là niềm vinh dự mà còn là động lực to lớn để vợ chồng chúng em tiếp tục cố gắng rèn luyện, xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, đảng viên mới Lưu Văn Tài chia sẻ.

Vợ chồng anh Lưu Văn Tài, chị Lưu Thị Tý bản Liên Phương xã Châu Kim kết nạp Đảng cùng 1 ngày
Vợ chồng anh Lưu Văn Tài-chị Lưu Thị Tý ở bản Liên Phương, xã Châu Kim kết nạp Đảng trong cùng một ngày. Ảnh: CSCC

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở bản Liên Phương, xã Châu Kim, nhờ chăm chỉ học hành, tốt nghiệp cấp 3, chàng trai dân tộc Thái Lưu Văn Tài thi đậu vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và gặp vợ là Lô Thị Tý cũng là người dân tộc Thái ở huyện Tương Dương, đã chuyển xuống khu tái định cư ở xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Tốt nghiệp ra trường, họ nên duyên vợ chồng.

Mới đầu, không xin được việc làm, hai vợ chồng quyết định rời quê đi làm công ty ở Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… Sau đó, họ quay về bản Liên Phương đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, thuê lại ruộng bỏ hoang của người dân đi làm ăn xa để trồng lúa chất lượng cao.

May mắn tôi được Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm bố trí làm cán bộ bán chuyên trách ở Văn phòng Đảng ủy xã. Hai vợ chồng còn được các bác đảng viên nòng cốt trong Chi bộ bản Liên Phương bồi dưỡng vào Đảng. Chúng tôi biết ơn và hứa sẽ cố gắng phấn đấu, rèn luyện, trở thành cầu nối ý Đảng- lòng dân ở thôn, bản”.

Anh Lưu Văn Tài - bản Liên Phương, xã Châu Kim

Lãnh đạo Đảng ủy và đoàn thể xã Châu Kim trao đổi với đảng viên mới Lưu Văn Tài (thứ hai bên phải). Ảnh: KL
Lãnh đạo Đảng ủy và đoàn thể xã Châu Kim trao đổi với đảng viên mới Lưu Văn Tài (thứ hai bên phải). Ảnh: Khánh Ly

Việc bồi dưỡng, kết nạp được hai đảng viên có trình độ đại học không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm vui chung của bản Liên Phương. Bởi theo Bí thư Chi bộ Lô Xuân Dục thì “đây sẽ là những “hạt giống đỏ” kế thừa, bổ sung nguồn lực chất lượng cao cho chi bộ thôn, bản”.

Tại bản Đô, xã Châu Kim cũng có một cặp vợ chồng đang cùng phấn đấu vào Đảng. Đó là chị Mạc Thị Hoàng (SN 1987) và anh Vi Văn Sinh (SN 1985). Bận rộn với công việc kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng cặp vợ chồng này vẫn tích cực tham gia các hoạt động và ủng hộ nhiệt tình cho các phong trào tại thôn, bản. Bởi vậy, họ được chi bộ “chọn mặt gửi vàng” bồi dưỡng vào Đảng.

Chị Mạc Thị Hoàng (áo trắng) trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy xã Châu Kim về quyết tâm phấn đấu vào Đảng. Ảnh: Q.A
Chị Mạc Thị Hoàng (áo trắng) trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy xã Châu Kim về quyết tâm phấn đấu vào Đảng. Ảnh: Q.A

“Mới đầu vợ chồng tôi có tâm lý e ngại vì sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, sợ bị ràng buộc, nhưng sau khi được các bác đảng viên trong chi bộ tuyên truyền, động viên, vợ chồng tôi đã quyết tâm vào Đảng để rèn luyện, phấn đấu trở thành những công dân tốt, nêu gương trong chấp hành chủ trương chính sách, quy định của địa phương”, chị Hoàng bộc bạch.

Tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng có hơn 70 người chủ yếu là cán bộ, giáo viên nhưng kết thúc khóa học, tôi là 1 trong 5 người đạt loại Giỏi. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Chị Mạc Thị Hoàng - bản Đô, xã Châu Kim

Hiện tại, chị Mạc Thị Hoàng đã được Chi bộ bản Đô hỗ trợ hoàn tất hồ sơ chuẩn bị kết nạp, còn anh Vi Văn Sinh vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng và đang đặt quyết tâm phấn đấu để sớm trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một góc xã Châu Kim. Ảnh: Khánh Ly
Một góc xã Châu Kim. Ảnh: Khánh Ly

nolucphattriendangoqp-b1-tit2.png

Từ sự giác ngộ được kết nạp vào Đảng là vinh dự của mỗi cá nhân, cũng là cơ hội để cống hiến, trưởng thành, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Quế Phong đã không ngừng nỗ lực phấn đấu trên mọi phương diện để đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Với chị Lương Thị Huỳnh, ở bản Ăng Đừa, xã Thông Thụ “giây phút giơ tay tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ kết nạp Đảng là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời, vừa xúc động, vừa tự hào…”.

Trước đó, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật trở về địa phương, cô gái trẻ Lương Thị Huỳnh hăng hái tham gia các hoạt động ở thôn, bản và được Chi bộ bản Ăng Đừa bồi dưỡng vào Đảng. Việc Huỳnh được kết nạp Đảng vào ngày 22/11/2023 là niềm tự hào của cả gia đình.

Lương Thị Huỳnh hiện làm kế toán kho tại Công ty Goertek chuyên về lĩnh vực điện tử ở Bắc Giang.
Lương Thị Huỳnh hiện làm kế toán kho tại Công ty Goertek chuyên về lĩnh vực điện tử ở Bắc Giang. Ảnh: Đặng Cường

“Đêm trước ngày cháu Huỳnh được kết nạp Đảng, cả đêm tôi trằn trọc không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để đến nhà văn hóa chứng kiến lễ kết nạp của con. Thấy vui và tự hào lắm”, bà Quang Thị Huệ, mẹ chị Lương Thị Huỳnh tâm sự.

Hiện nay, chị Huỳnh đã được nhận vào làm công nhân tại Công ty Goertek chuyên về lĩnh vực điện tử ở Bắc Giang, giữ vị trí kế toán kho. “Tôi luôn ý thức mình là đảng viên, dù làm gì, ở đâu cũng phải tiên phong gương mẫu”, Lương Thị Huỳnh chia sẻ.

Phấn đấu vào Đảng để rèn luyện, cống hiến, trưởng thành cũng là tâm nguyện của nhiều em học sinh tại Trường THPT Quế Phong. Điển hình như em Và Ý Xồng, dân tộc Mông ở bản Mường Lống - địa bàn cách trung tâm xã biên giới Tri Lễ khoảng 30km trên con đường độc đạo quanh co, bám quanh sườn núi.

Bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ. Ảnh: Đình Tuyên
Bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ. Ảnh: Đình Tuyên

Nơi đây, đời sống người dân còn khó khăn, tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, phụ nữ người Mông trong bản ngày chỉ biết lên nương rẫy, tối về quanh quẩn trong nhà, ít khi ra khỏi bản. Nhiều chị em không biết tiếng phổ thông phải theo học các lớp xóa mù chữ do Bộ đội Biên phòng tổ chức. Vì vậy, việc cô gái trẻ Và Ý Xồng được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn là học sinh cấp 3, trở thành niềm tự hào, tấm gương sáng cho lớp trẻ của bản.

Em Và Ý Xồng bản Mường Lống, xã Tri Lễ được kết nạp đảng tại Trường THPT Quế Phong.
Em Và Ý Xồng bản Mường Lống, xã Tri Lễ được kết nạp Đảng tại Trường THPT Quế Phong.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hải - giáo viên chủ nhiệm của em Ý Xồng cho biết: Xuất thân trong gia đình nông dân ở bản nghèo, nhưng Ý Xồng luôn nỗ lực vượt qua các rào cản, vừa chăm chỉ học tập, vừa gương mẫu và hăng say với các phong trào của lớp, của trường. Em là cán bộ phụ trách học tập cần mẫn, nhiệt tình của lớp 12A4. Việc Xồng được đứng vào hàng ngũ của Đảng là hoàn toàn xứng đáng.

Và Ý Xồng bày tỏ: “Được thầy cô bồi dưỡng, dìu dắt và tạo điều kiện kết nạp Đảng ở độ tuổi 18 là niềm hạnh phúc và kỷ niệm khó quên trong cuộc đời em. Đây cũng là nguồn động viên khích lệ và là hành trang để em trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Học sinh trường THPT Quế Phong tuyên thệ trong lễ kết nạp Đảng
Học sinh Trường THPT Quế Phong tuyên thệ trong lễ kết nạp Đảng. Ảnh: CSCC
nolucphattriendangoqp-b1-tit3.png

Nếu như những người trẻ phấn đấu vào Đảng để rèn luyện, cống hiến, trưởng thành thì với những người đã “có tuổi” như ông Vi Văn Thương, người dân tộc Thái, SN 1967 ở bản Đô (xã Châu Kim) vào Đảng là để “nêu gương cho con cháu”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vi Văn Thương chân thành bộc bạch: “Trước đây, tôi cũng có nguyện vọng và đã đi học cảm tình Đảng, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ bị tai nạn nghiêm trọng, sau đó đau ốm thường xuyên, 3 đứa con đang tuổi ăn học nên tôi chưa có điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình. Nay con cái đã trưởng thành, tôi lại đang đảm nhiệm vị trí thôn đội trưởng, nên muốn vào đảng để nêu gương cho lớp con cháu chứ không mưu cầu danh lợi gì”.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim - Hà Minh Tuấn (bên phải) và Bí thư Chi bộ bản Đô - Lương Tiến Duy (giữa) trao đổi với đảng viên Vi Văn Thương. Ảnh: KL
Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim - Hà Minh Tuấn (bên phải) và Bí thư Chi bộ bản Đô - Lương Tiến Duy (giữa) trao đổi với đảng viên Vi Văn Thương. Ảnh: Khánh Ly

Được sự giúp đỡ của Chi bộ bản Đô, tháng 1 năm 2023, ông Vi Văn Thương đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Theo Bí thư Chi bộ bản Đô, ông Lương Tiến Duy: Trong điều kiện công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên khó khăn như hiện nay, việc có thêm một đảng viên mẫu mực trong đạo đức lối sống và chăm chỉ, cần cù trong phát triển kinh tế như đồng chí Thương là một tin vui đối với chi bộ, cũng là nhân tố tạo động lực, sự lan tỏa để thế hệ trẻ rèn luyện, phấn đấu, noi gương”.

Còn đối với ông La Văn Hóa - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khối Hồng Phong (thị trấn Kim Sơn), ngày 8/9/2023 đánh dấu sự kiện quan trọng trong đời khi ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở độ tuổi 59.

Ông La Văn Hoá (áo xanh) vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở tuổi 59. Ảnh CSCC
Ông La Văn Hoá (áo xanh) vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở tuổi 59. Ảnh CSCC

Thời điểm ông Hóa viết đơn xin vào Đảng, một số người khuyên lớn tuổi rồi thì hãy nghỉ ngơi... Ấy nhưng, ông Hóa lại nghĩ “trước đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải sớm gác lại giấc mơ học hành để tìm hướng làm ăn thoát nghèo. Nay kinh tế gia đình ổn định, nếu trở thành đảng viên, tham gia sinh hoạt Đảng, nắm bắt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của khối”.

Mặt khác, qua các cuộc họp mở rộng, ông Hóa biết được hiện nay công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn do lớp trẻ đi làm ăn xa nhiều, số ở lại địa phương thì lo làm ăn kinh tế, không mặn mà với việc thôn, bản. Bởi vậy, ông nghĩ rằng, nếu người đã lớn tuổi như ông vào Đảng thì sẽ làm gương cho lớp trẻ nỗ lực phấn đấu.

Nguồn phát triển Đảng của Chi bộ không nhiều, nên khi nghe ông La Văn Hóa ngỏ ý muốn xin vào Đảng, cấp ủy rất vui mừng, sau khi xin ý kiến của đảng ủy cấp trên, chi bộ đã phân công đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ ông Hóa làm hồ sơ kết nạp”.

Đồng chí Lô Văn Thành - Bí thư Chi bộ khối Hồng Phong, thị trấn Kim Sơn

Khu vực trang trại của gia đình ông La Văn Hóa.
Khu vực trang trại của gia đình ông La Văn Hóa; ông Hóa giới thiệu về mô hình kinh tế vườn đồi với lãnh đạo thị trấn Kim Sơn và khối Hồng Phong. Ảnh: Đình Tuyên

Cùng chúng tôi ghé thăm trang trại của đảng viên La Văn Hóa ở vùng đồi Sàn Huồng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Kim Sơn - Hoàng Trung Thông chia sẻ: Đồng chí Hóa là tấm gương điển hình của ý chí vươn lên phát triển kinh tế hộ. Từ chăn nuôi trâu, bò, gà địa phương đến trồng mía, trồng keo, trồng cây ăn quả, rau màu… việc gì đồng chí cũng tiên phong. Hiện trang trại của gia đình đồng chí cho thu nhập bình quân 150-200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân La Văn Hóa cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong khối mở rộng đường lên khu sản xuất; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía, tham gia tổ chăn nuôi lợn, bò, tổ trồng keo… để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, góp sức cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nhờ vậy, đồng chí La Văn Hóa được huyện Quế Phong tuyên dương là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; điển hình thực hiện Chỉ thị 05, điển hình Dân vận khéo.

Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh Sách Nguyễn
Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh: Sách Nguyễn

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho biết: Nguyện vọng muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng để thấm nhuần hơn chủ trương chính sách, cống hiến nhiều hơn cho việc dân, việc bản của những người như đồng chí La Văn Hóa rất đáng trân trọng. Qua đó, đã minh chứng rằng, phấn đấu vào Đảng không bao giờ là muộn đối với bất cứ ai có nguyện vọng chính đáng, có sự quyết tâm và tinh thần cống hiến… Ở đâu có dân thì ở đó sẽ có đảng viên!

Đảng bộ huyện Quế Phong hiện có 32 tổ chức cơ sở đảng, trong đó, có 19 đảng bộ và 13 chi bộ cơ sở trực thuộc. Tổng chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở là 241 chi bộ (trong đó có 107 chi bộ khối, xóm, bản). Nhiệm kỳ 2020-2025, tính đến tháng 7/2024, huyện Quế Phong đã kết nạp được 542 đảng viên mới/400-500 đảng viên theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra (đạt 108,4%). Toàn huyện hiện đã “phủ sóng” 107/107 trưởng khối, xóm, bản là đảng viên.


>> Trang chủ
>> Bài 2: Khó khăn trong tìm nguồn

Khánh Ly - Đặng Cường