Kinh tế

Mía Đồng Văn (Tân Kỳ) đạt năng suất gần 100 tấn/ha

Trân Châu 30/09/2024 17:15

Đồng Văn (Tân Kỳ) là xã vùng sâu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Mía là cây chủ lực ở đây, với diện tích canh tác gần 500 ha. Nhờ ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, thâm canh đúng quy trình, thôn Thung Mòn, nơi sở hữu 70% diện tích mía của xã Đồng Văn, có hơn 200 ha mía đạt năng suất từ 80 - 100 tấn/ha.

Nâng diện tích mía thâm canh

Xã Đồng Văn có địa hình khô hạn, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn. Thôn Thung Mòn nằm ở phía trong xã, có thung Mòn khá rộng, trải dài dưới những con đồi. Với chất đất pha cát và thiếu nước sản xuất thường xuyên nên bà con chủ yếu trồng mía, sắn, chuối, các loại cây công nghiệp khác.

Cây mía bén duyên ở đây cũng bởi địa hình rộng, có đầu ra thu mua ổn định, canh tác không quá phức tạp. Hai năm nay, cây sắn trên địa bàn xuất hiện bệnh khảm lá nên bà con cũng chuyển sang trồng mía nhiều hơn. Diện tích mía ở xã Đồng Văn lên gần 500 ha, riêng thôn Thung Mòn có 200 ha, chiếm tỷ lệ gần 40% tổng diện tích toàn xã. Trong đó, gần 200 ha đạt năng suất từ 80-100 tấn/ha.

img_7916.jpeg
Đồi mía trải rộng ở Thung Mòn, xã Đồng Văn (Tân Kỳ). Ảnh: Trân Châu

Giống mía được trồng ở đây là giống mía NK3 của Thái Lan. Theo anh Nguyễn Công Ngọ - cán bộ nông nghiệp xã Đồng Văn, bí quyết trồng mía năng suất cao ở Thung Mòn đó là: Ruộng mía được cày bằng máy 3 chảo, 5 chảo và làm đất rất kỹ theo quy định. Khi trồng cũng trồng rải bằng máy, hàng cách hàng theo quy định.

Giống múa NK3 cho năng suất cao. Ảnh: Trân Châu
Giống múa NK3 cho năng suất cao ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Trân Châu

Đối với đất bãi và đất ruộng, nông dân cày sâu 30 - 35cm và bừa từ 2 đến 3 lần, rạch hàng 1 lần sâu từ 25 - 30cm. Đối với đất đồi, thiết kế hàng mía theo đường đồng mức, nơi có điều kiện cày máy với độ sâu 40 - 50cm. Đất làm xong phơi ải, diệt trừ nguồn sâu bệnh. Hom mía giống phải đạt các yêu cầu: Có 2-3 mắt mầm tốt, không bị nhiễm sâu bệnh. Hom có đường kính đạt trên 80% đường kính thân mía giống.

Ngoài sự nỗ lực của bà con, Nhà máy Đường Sông Con đã cho các hộ trồng vay tiền đầu tư, hỗ trợ đời sống khi mía chưa đến mùa thu hoạch, rồi hỗ trợ thu hoạch (bốc vác, hỗ trợ lên xe tải 1 tấn là 50 nghìn đồng).

Khi chăm sóc mía, phun thuốc trừ sâu cũng thực hiện bằng máy bay không người lái phun trừ bằng thuốc sinh học. Ngoài ra, 1 ha trồng mới được hỗ trợ 2 triệu đồng. Nhà máy cũng hỗ trợ sửa chữa đường và thanh toán tiền mía cho bà con nhanh gọn, kịp thời. Với năng suất mía đạt 100 tấn/ha, tiền lãi 1 ha/năm đạt 50 triệu đồng.

Đảng ủy, chính quyền, mặt trận cùng vào cuộc

Cán bộ nông nghiệp xã Đồng Văn (Tân Kỳ) bên ruộng mía thâm canh. Ảnh: Trân Châu
Cán bộ nông nghiệp xã Đồng Văn (Tân Kỳ) bên ruộng mía thâm canh. Ảnh: Trân Châu

Để có được kết quả mía năng suất cao ở thôn Thung Mòn như hiện nay, vai trò của Đảng ủy, Mặt trận, chính quyền xã và thôn rất quan trọng. Nhiều cuộc tập huấn trên đồng, đi tham quan các xã được thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy thôn Thung Mòn cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo triển khai kế hoạch, đề ra chỉ tiêu về sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi từ đầu năm, đầu vụ, tham mưu mở các lớp tập huấn cho bà con về chăm sóc cây trồng, vật nuôi để bà con áp dụng.

Xóm tập trung tuyên truyền cho bà con, rồi làm điểm, làm mẫu. Mía lưu gốc sau khi bén khoảng 5-8 lá thì bón đạm vào kích thích cho cây khỏe hơn, đẻ nhánh nhiều hơn, sau đó, khoảng 2 tháng sau bón phân NPK và chờ đến tháng 8-9 thì bóc lá sạch. Gia đình chị Thanh cũng là hộ gia đình sản xuất mía đạt năng suất cao trong nhiều năm. Chị cho biết, từ các mô hình trồng mía năng suất cao ở thôn, kết hợp ứng dụng KHKT, bà con học hỏi làm theo.

Mía ở Thung Mòn, xã Đồng Văn (Tân Kỳ) đạt năng suất 100 tấn/ ha. Ảnh: Trân Châu.
Mía ở Thung Mòn, xã Đồng Văn (Tân Kỳ) đạt năng suất 100 tấn/ha. Ảnh: Trân Châu

Do lợi nhuận cây mía mang lại khá cao nên bà con rất chú trọng chăm bón và áp dụng KHKT được phổ biến qua các buổi tập huấn. Mía được kiểm tra thường xuyên, bóc lá sạch sẽ, làm cỏ kịp thời, bón phân cân đối. Vì thế, diện tích mía đạt năng suất từ 80-100 tấn/ha ở thôn Thung Mòn là 200 ha. Đây là một kết quả kỷ lục ở một xã vùng sâu.

Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm: Để có được cánh đồng mía rộng hiệu quả như hiện nay, Công ty CP Mía đường Sông Con hàng năm phối hợp tốt với xã tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật thâm canh mía, hỗ trợ phân bón, giống, cho vay đầu tư đầy đủ. Xã cũng làm tốt công tác quy hoạch mía và đầu tư phát triển giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho bà con đi lại và sản xuất hàng hóa. Đảng ủy, chính quyền xã Đồng Văn tập trung chỉ đạo phát triển mô hình, mở rộng diện tích mía thâm canh.

Để tiếp tục nâng cao năng suất cây mía và đảm bảo hơn quyền lợi cho các hộ trồng, người trồng mía ở thôn Thung Mòn cũng đề nghị Nhà máy thu mua kịp thời vụ khi đến mùa thu hoạch. Bên cạnh đó, cần có chính sách giá cả phù hợp bởi có những thời điểm giá mía vẫn thấp thua các địa phương khác.

Trân Châu