Xã hội

Phát huy vai trò tuổi cao, gương sáng

Minh Quân (Thực hiện) 01/10/2024 08:47

Thời gian qua, các cấp hội người cao tuổi trong tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của người cao tuổi. Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và Tháng hành động Vì người cao tuổi Việt Nam năm nay, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh xung quanh những vấn đề liên quan.

nguoicaotuoi-cover.png

Thời gian qua, các cấp hội người cao tuổi trong tỉnh đã chú trọng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của người cao tuổi. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và Tháng hành động Vì người cao tuổi Việt Nam năm nay, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh xung quanh những vấn đề liên quan.

Minh Quân (Thực hiện) • 01/10/2024

P.V: Tại Việt Nam, vào dịp tháng 10 có các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi và Tháng hành động Vì người cao tuổi Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết về lịch sử ý nghĩa của Ngày Quốc tế người cao tuổi?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Năm 1982, lần đầu tiên Liên hợp quốc tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu ở hầu hết các nước trên thế giới. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê - Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam. Hội nghị thông qua Chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khỏe và ăn uống; nhà ở và môi trường; gia đình; dịch vụ và bảo trợ xã hội; việc làm; nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.

Người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ ở địa phương (2).jpg
Người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương. Ảnh tư liệu minh họa

Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế người cao tuổi. Ngày Quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 01/10/1991.

Thông báo của Liên hợp quốc ghi rõ: “Nội dung và lĩnh vực hoạt động nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, có thể đề cập đến các lĩnh vực cụ thể là: Sự cống hiến của người cao tuổi trong khoa học; văn học, nghệ thuật, thể thao và phát triển xã hội; những hoạt động hữu ích trong phạm vi gia đình, cộng đồng, học đường và thương mại. Bên cạnh việc biểu dương những đóng góp trong nhiều lĩnh vực đối với cộng đồng, cũng cần đề cập đến nghĩa vụ của xã hội cộng đồng đối với người cao tuổi, nhất là những người đang gặp khó khăn trong đời sống do tuổi cao, sức yếu”.

Ngày Quốc tế người cao tuổi được tổ chức hằng năm để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, đó cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội, cũng là tâm điểm của chương trình về người cao tuổi của Liên hợp quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.

Cụ bà ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương) Ảnh Đình Tuân
Cụ bà ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

P.V: Thưa ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Hiện nay, người cao tuổi cũng được xác định là một trong những lực lượng xã hội quan trọng. Xin ông cho biết tổng quan về tình hình người cao tuổi trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Nghệ An hiện có 432.495 người cao tuổi, chiếm 12,13% dân số toàn tỉnh, trong đó, có hơn 1.300 cụ trên 100 tuổi. Cụ cao tuổi nhất là cụ Đặng Thị Tựu ở xã Tân Thành (Yên Thành) 117 tuổi. Hiện nay, số hội viên người cao tuổi là 428.508 người, chiếm tỷ lệ 95,41%. Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An có 21 hội cấp huyện, 460 hội cấp xã, 3.801 chi hội.

Theo dự báo của Bộ Y tế, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2038 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Cùng với việc già hóa nhanh, việc già hóa dân số ở Việt Nam cũng mang những đặc thù riêng, với 68% người cao tuổi sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già. Quá trình già hóa dân số đã đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội, cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và Nghệ An cũng không phải là ngoại lệ.

Tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Nam Đàn
Tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Nam Đàn.

P.V: Thời gian qua, tỉnh đã có những hoạt động gì để chăm lo đời sống cho người cao tuổi tốt hơn, thưa ông?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Thời gian qua, công tác chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương, hội người cao tuổi các cấp và toàn xã hội quan tâm, tạo động lực mạnh mẽ để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Hằng năm, hội người cao tuổi các cấp thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội làm tốt công tác chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 15.740 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 83.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước.

Khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Đồng Văn (Tân Kỳ). Ảnh: CSCC
Khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Đồng Văn (Tân Kỳ). Ảnh: CSCC

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng được thực hiện tốt thông qua Chương trình: “Mắt sáng cho người cao tuổi”; cấp thuốc, tặng quà; khám sức khỏe miễn phí, lập sổ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Đến nay, toàn tỉnh có 249.559 người cao tuổi có hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Cùng với đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và hội người cao tuổi quan tâm chỉ đạo chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần cho người cao tuổi; nhất là việc phát triển các loại hình câu lạc bộ để thu hút, tạo sân chơi bổ ích cho người cao tuổi. Hiện nay, toàn tỉnh có 9.413 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao người cao tuổi ở các bộ môn dưỡng sinh, múa dân vũ, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn… Nhiều huyện đã tổ chức thi đấu, giao lưu cấp huyện như Diễn Châu, Yên Thành, TX.Hoàng Mai, Nam Đàn, Quỳ Hợp…

Người cao tuổi xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) thi đấu bóng chuyền hơi
Người cao tuổi xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) thi đấu bóng chuyền hơi. Ảnh: CSCC

P.V: Phát huy truyền thống “Tuổi cao chí càng cao” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thời gian qua, người cao tuổi toàn tỉnh đã hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, góp phần quan trọng xây dựng quê hương giàu đẹp. Ông có thể chia sẻ những đóng góp của người cao tuổi thời gian qua?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Những năm qua, phong trào “Tuổi cao gương sáng” đã được các cấp hội và hội viên, người cao tuổi hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Người cao tuổi đã tích cực tham gia lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Toàn tỉnh hiện có trên 1.807 mô hình làm kinh tế giỏi cấp xã, 326 mô hình cấp huyện, 56 mô hình cấp tỉnh, 18 mô hình cấp Trung ương, có 16.532 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, trong đó, có 3.893 người cao tuổi là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại. Cuối năm 2023, Hội Người cao tuổi tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị biểu dương 114 người cao tuổi và cử 6 đại biểu dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc.

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ảnh: Thanh Phúc
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc tại Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023. Ảnh: Thanh Phúc

Trên lĩnh vực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, với uy tín, kinh nghiệm, bản lĩnh, trách nhiệm cao, người cao tuổi đã tham gia, đóng góp có hiệu quả ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương với nhiều nội dung thiết thực. Đặc biệt, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 25.011 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, đoàn thể, khuyến học, thanh tra nhân dân, hòa giải) từ tổ trưởng trở lên. Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác nắm bắt, triển khai tuyên truyền, vận động hội viên người cao tuổi thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hiệu quả các phong trào, các hoạt động của hội.

Trong phong trào thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, từ năm 2021 đến nay, hội viên hội người cao tuổi trong tỉnh đã hiến tặng trên 345.553 m2 đất; đóng góp 374.998 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng... Phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào thi đua tham gia bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng; phong trào khuyến học, khuyến tài… cũng được cán bộ, hội viên hội người cao tuổi tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Đình Sửu - Khối trưởng khối 3 cùng cán bộ thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) kiểm tra việc thi công tường rào nhà văn hóa khối. Ảnh: Thành Chung
Ông Nguyễn Đình Sửu - Khối trưởng Khối 3 cùng cán bộ thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) kiểm tra việc thi công tường rào nhà văn hóa khối. Ảnh: Thành Chung

Các cấp hội người cao tuổi đã sáng tạo lồng ghép phong trào “Tuổi cao gương sáng” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Hội người cao tuổi cơ sở luôn là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến, phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Hằng năm, 99% gia đình hội viên người cao tuổi đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa.

P.V: Hiện nay, vẫn còn khá nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hội người cao tuổi các cấp có những hoạt động gì để hỗ trợ họ vươn lên trong cuộc sống?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Tuy chính quyền, hội người cao tuổi các cấp và toàn xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, chia sẻ khó khăn với người cao tuổi, nhưng thực tế, vẫn còn khá nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn. Toàn tỉnh hiện còn hơn 13.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, gần 2.000 người cô đơn, không nơi nương tựa.

Ra mắt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại xóm Nam Thắng xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc
Ra mắt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại xóm Nam Thắng, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.

Do đó, hiện nay, các cấp hội người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh triển khai mô hình Câu lạc bộ "Liên thế hệ tự giúp nhau", qua đó, giúp hội viên người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, được trợ giúp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, thực hiện Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ "Liên thế hệ tự giúp nhau" trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, mặc dù không có nguồn vốn hỗ trợ nhưng các cấp hội người cao tuổi đã thành lập được 150 Câu lạc bộ "Liên thế hệ tự giúp nhau", nâng tổng số câu lạc bộ trên địa bàn toàn tỉnh lên 250 câu lạc bộ. Nghệ An được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá là tỉnh triển khai thực hiện muộn nhưng tổ chức thực hiện quyết liệt, đạt kết quả cao.

P.V: Để tạo điều kiện giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội, Tháng hành động Vì người cao tuổi năm nay sẽ hướng vào hoạt động như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Đăng Vĩnh: Trong Tháng hành động Vì người cao tuổi năm 2024, Hội Người cao tuổi tỉnh sẽ triển khai đến các cơ sở hội một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch, chương trình tháng hành động với mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người cao tuổi nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, gia đình và toàn xã hội, trong đó có người cao tuổi; Nắm bắt kịp thời tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Cao Đăng Vĩnh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh

Cùng với đó, tổ chức vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, nhất là người cao tuổi ở vùng nông thôn. Cụ thể, phối hợp với một số bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện huyện, thành, thị chăm lo sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho hội viên; quan tâm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên khi ốm đau, hoạn nạn và khi qua đời. Mặt khác, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền hướng tới Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp 5 năm (2019 - 2024).

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Minh Quân (Thực hiện)