Xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm pháp luật giao thông
Ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Tại Nghệ An, việc nêu gương cán bộ, công chức trong xây dựng văn hoá giao thông cũng đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt…
Nhiều vi phạm trong tham gia giao thông
Chỉ thị 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu: Thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng, nhất là trong việc kiểm tra nồng độ cồn.
Cá biệt có một số trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường, chống đối, không hợp tác việc kiểm tra, giải quyết của cơ quan chức năng, gây bức xúc trong Nhân dân.
Chỉ tính riêng trong năm 2023 và quý I năm 2024, lực lượng Công an trên cả nước đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.
Một số vụ tai nạn giao thông do cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn gây ra đã làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, gây bất bình trong Nhân dân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời; nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Chỉ thị 35 cũng nhấn mạnh đến việc xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.
Tại Nghệ An, tuy không nhiều nhưng trên thực tế vẫn xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý như trường hợp lái xe biển xanh của huyện Tương Dương vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,173mg/lít khí thở vào tối 22/9/2023.
Trường hợp khác là một cán bộ thuộc lực lượng vũ trang không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn, chống đối, điều khiển phương tiện bỏ chạy xảy ra vào ngày 21/1/2024 trên đường Trần Phú, TP. Vinh.
Khi người này điều khiển xe ô tô bỏ chạy đến khu vực đường Chu Văn An thì bị Cảnh sát giao thông chốt chặn, lập biên bản, bắt quả tang người phạm tội về hành vi chống người thi hành công vụ. Vi phạm nồng độ cồn của người này ở mức 0,399 mg/khí thở.
Cá biệt có trường hợp cán bộ, công chức có hành vi côn đồ, thiếu văn hoá khi tham gia giao thông khiến dư luận bức xúc. Như vụ việc xảy ra sáng ngày 13/3, tại vòng xuyến Hải quan (TP Vinh), khi các phương tiện đang lưu thông thì xảy ra va chạm giữa ô tô và xe máy mang biển kiểm soát 37N9 – 6899, khiến xe máy ngã ra đường. Ngay khi đứng dậy, người điều khiển xe máy đã dùng chân đạp vào cửa xe ô tô và tháo mũ bảo hiểm đang đội đập mạnh vào kính bên lái khiến bị vỡ, tiếp đó quăng mạnh cả chiếc mũ bảo hiểm vào trong xe ô tô.
Sự hung hãn của người điều khiển xe máy khiến nhiều người phẫn nộ, cho rằng đây là hành vi thiếu văn hóa giao thông, cần xử lý nghiêm.
Ngay sau đó, Công an TP Vinh đã vào cuộc xử lý vụ việc. Qua xác minh, người đàn ông đi xe máy là một cán bộ thuộc ngành Hải quan, sinh năm 1984.
Nêu gương trong xây dựng văn hoá giao thông
Nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng văn hoá giao thông, lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Đồng thời, yêu cầu lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Đơn cử Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1763-CV/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Trong đó, yêu cầu các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc rà soát, bổ sung nội dung “không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, đồ uống có cồn, chất kích thích” vào quy chế làm việc, nội quy của cơ quan, đơn vị; đề ra chế tài xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể liên quan.
Công văn số 1763 nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, công chức: “Yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang phải gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia và không ngồi trên các phương tiện do người lái xe đã sử dụng rượu, bia điều khiển”.
Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật giao thông tuyệt đối “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không được giải quyết bất kỳ trường hợp nào can thiệp, xin bỏ qua vi phạm. Xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng lợi dụng, giả mạo làm việc cho các cơ quan nhà nước, báo chí, lợi dụng mạng xã hội để tác động đến công tác xử lý của lực lượng công an. Nghiêm cấm mọi hành vi bao che, thay đổi, bỏ qua lỗi vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Quá trình xử lý đối với người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang, phải gửi thông báo việc vi phạm đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị để kiểm điểm, xử lý theo quy định; đồng thời, gửi cơ quan ủy ban kiểm tra và cơ quan nội vụ cùng cấp để giám sát việc xử lý công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên vi phạm.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn, khối, xóm, bản can thiệp, tác động đến việc xử lý của lực lượng trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT, quyết tâm tạo chuyển biến về chấp hành các quy định về trật tự, ATGT ngay trong các cơ quan, tổ chức.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Bên cạnh vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu trong việc hình thành “văn hóa giao thông ở các cơ quan, đơn vị.
Công văn số 1763-CV/TU của Thường trực Tỉnh ủy về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An” nêu rõ: “Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy nếu để cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm hoặc xử lý không nghiêm, không đúng quy định vi phạm về điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích”.
Tại Văn bản số 7995/UBND-NC ngày 21/9/2023 về việc tăng cường việc chấp hành pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Sẽ xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông gây ra tai nạn giao thông, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn; bị Tổ công tác của Bộ Công an phát hiện và có văn bản thông báo gửi về cho đơn vị, địa phương quản lý khi nhận được văn bản thông báo không chỉ đạo xử lý hoặc xử lý không nghiêm túc.
Trước đó, tại Kế hoạch 328/KH-UBND ngày 16/5/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu rõ sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là vấn đề nêu gương “đã uống rượu, bia không lái xe” cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, đơn vị mình.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, 6 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông đường bộ ở Nghệ An giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (so với cùng 2023 giảm 33 vụ (13,8%), giảm 40 người chết (25,8%), giảm 28 người bị thương (17,5%).