Nghệ An thực hiện bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương nhiệm kỳ 2025 - 2030
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu: Hoàn thành 100% việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác.
Đây là nội dung tại Thông tri số 09-TT/TU ngày 10/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội Đảng các cấp.
Theo đó, về cơ cấu cấp ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng; coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; quy định thống nhất những chức danh có cơ cấu "cứng” tham gia ban thường vụ, số chức danh còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ của địa phương, đơn vị.
Việc chuẩn bị nhân sự cần kết hợp hài hoà giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Các địa phương, đơn vị có cơ cấu cấp ủy nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, điều động nhân sự từ nơi khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để giới thiệu, chỉ định tham gia cấp ủy hoặc bổ sung sau đại hội.
“Hoàn thành 100% việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ, đồng thời yêu cầu: “Phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; bí thư đảng ủy và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị".
Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ); tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy và người đứng đầu các cấp có thẩm quyền phải có trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, đề bạt, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khoá mới theo quy định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu: Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ. Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy.
Vào đầu nhiệm kỳ, những nơi nào chưa bầu đủ số lượng, tỷ lệ, cơ cấu cấp ủy theo quy định, thì trong nhiệm kỳ phải chủ động chuẩn bị nhân sự để kiện toàn, bổ sung theo quy định.
Riêng cơ cấu cấp ủy, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và việc đổi mới cấp ủy đối với đảng bộ lực lượng vũ trang thực hiện theo hướng dẫn của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương.
Cơ cấu cấp ủy, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và việc đổi mới cấp ủy đối với tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… cơ bản thực hiện như ở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và do ban thường vụ cấp ủy cấp trên cơ sở xem xét, quyết định.