Chuyển đổi số

Hệ thống phòng thủ của Israel chống lại tên lửa Iran hoạt động như thế nào và chi phí ra sao?

Phan Văn Hòa 03/10/2024 10:24

Để chống lại các cuộc tấn công từ Iran, Israel có thể đã huy động toàn bộ sức mạnh phòng không, kết hợp linh hoạt các hệ thống tiên tiến để tạo thành một lá chắn vững chắc.

Sau khi Iran phóng tên lửa tấn công Israel vào ngày 1/10 vừa qua, đã có nhiều video giả mạo hoặc sai ngữ cảnh xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội X, cho thấy cảnh tên lửa tấn công vào Israel.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số người dùng nhanh chóng khẳng định rằng hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, (Iron Dome) được ca ngợi của Israel đã thất bại. Những người khác suy đoán rằng Israel có thể đã cố tình để cho tên lửa của Iran rơi xuống lãnh thổ của mình để có tiền lệ tấn công trả đũa Iran.

Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy là sai.

Ngay cả khi một tên lửa bắn trúng một khu vực trống ở Israel, điều đó không nhất thiết chỉ ra sự thất bại của hệ thống Vòm Sắt hoặc tên lửa đó được cố ý hạ cánh như một phần của chiến lược trả đũa Iran.

Và trong trường hợp cụ thể này, có vẻ như Israel có thể đã không dựa vào hệ thống phòng thủ Vòm sắt.

Iran đã sử dụng tên lửa nào?

Các báo cáo cho biết, Iran đã bắn khoảng 180 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel.

Tên lửa đạn đạo hoạt động dựa trên nguyên lý cung cấp năng lượng ban đầu bằng động cơ đẩy mạnh để đưa tên lửa lên độ cao và vận tốc rất lớn. Sau khi động cơ ngừng hoạt động, tên lửa sẽ chuyển sang giai đoạn bay tự do theo quỹ đạo hình parabol, giống như một viên đạn được bắn lên cao. Quỹ đạo này được gọi là quỹ đạo đạn đạo.

Trong giai đoạn bay tự do, tên lửa không còn động cơ đẩy mà chỉ chịu tác động của lực hấp dẫn và lực cản của không khí (nếu còn di chuyển trong khí quyển). Chính vì vậy, tên lửa không thể điều chỉnh hướng bay trong giai đoạn này. Tầm bắn và độ chính xác của tên lửa đạn đạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm góc phóng, vận tốc ban đầu, loại đầu đạn và các điều kiện khí tượng.

Israel tuyên bố rằng, với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, họ đã bắn hạ hầu hết các tên lửa của Iran, mặc dù một số thiệt hại có thể đã xảy ra với phía Israel. Một nhà báo của BBC tại Lebanon cho biết, các tên lửa có thể đã tấn công các căn cứ quân sự của Israel cũng như một nhà hàng và trường học.

Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố rằng 90 phần trăm tên lửa của họ đã bắn trúng mục tiêu, bao gồm cả ba căn cứ quân sự.

Hiện vẫn chưa rõ Iran đã sử dụng loại tên lửa nào, mặc dù dựa trên các video, các chuyên gia nói với CNN rằng Iran có thể đã bắn Shahab-3. Đây là tên lửa tầm trung có khả năng bay khoảng 500-600 trăm dặm.

Một số báo cáo trên phương tiện truyền thông Iran đưa tin rằng, Iran cũng có thể đã triển khai tên lửa siêu thanh Fattah-1.

Hệ thống phòng thủ của Israel hoạt động như thế nào?

Hệ thống phòng thủ trên không nổi tiếng nhất của Israel là Vòm Sắt, do các công ty nội địa như Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries sản xuất. Trên trang web của mình, Công ty Rafael Advanced Defense Systems tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ Vòm Sắt đã chặn được hơn 5.000 tên lửa với tỷ lệ thành công trên 90%.

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt đã giúp đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Hamas trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, lần này có vẻ như Israel đã dựa vào các cơ chế phòng thủ khác, vì Vòm Sắt chỉ được sử dụng cho tên lửa tầm ngắn và có tầm bắn lên tới 43 dặm.

Một trong số đó là David's Sling, có tầm bắn từ 25 đến 190 dặm và được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa tầm trung.

Đối với tên lửa tầm xa hơn, Israel sử dụng Arrow 2 và Arrow 3, hoạt động ngoài khí quyển. Ví dụ, Arrow 3 được cho là có tầm bắn hơn 1.500 dặm.

Tất cả các hệ thống này đều bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa được trang bị bệ phóng tên lửa và radar có khả năng phát hiện tên lửa và các mối đe dọa khác, chẳng hạn như máy bay không người lái, máy bay và các loại đạn khác.

Sau khi phát hiện tên lửa, các thuật toán hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp xác định quỹ đạo của tên lửa và tên lửa đánh chặn sẽ được bắn từ bệ phóng để tiêu diệt chúng.

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt cũng có thể cho phép các mối đe dọa tầm ngắn tấn công vào mặt đất nếu nó xác định tên lửa đang hướng tới một khu vực không có người ở, do đó tiết kiệm được chi phí cho tên lửa đánh chặn.

Israel phải tốn bao nhiêu tiền để bắn hạ một tên lửa?

Trong khi ước tính cho thấy việc chế tạo một tên lửa cho Iran có thể tốn khoảng 100.000 USD trở lên, tuy nhiên chi phí để Israel tiêu diệt những mối đe dọa này được cho là cao hơn nhiều.

Reem Aminoach, cựu Chuẩn tướng và cố vấn tài chính cho người đứng đầu quân đội Israel, trước đây đã nói với tờ Bloomberg rằng việc đẩy lùi cuộc tấn công trước đó của Iran vào tháng 4 vừa qua có thể đã tiêu tốn của Israel khoảng 1,1 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Iran đã bắn hơn 120 tên lửa, 30 tên lửa hành trình và điều động khoảng 170 máy bay không người lái.

Một phần đáng kể chi phí để đẩy lùi cuộc tấn công như vậy được chi cho tên lửa đánh chặn. Chi phí cho một tên lửa David Sling ước tính khoảng 1 triệu USD, trong khi một số người cho rằng bắn một tên lửa Arrow có thể tốn khoảng 2 triệu USD.

Theo tờ Guardian, một cựu cố vấn tài chính của Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết một tên lửa Arrow thường có giá 3,5 triệu USD.

Nếu xét đến việc Israel dựa vào tên lửa Arrow, thì riêng chi phí cho tên lửa đánh chặn có thể lên tới ít nhất vài trăm triệu USD.

Phan Văn Hòa