Xã hội

Thu hút lao động cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Nghệ An - Bài 1

Minh Quân - Diệp Thanh 04/10/2024 10:06

Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, đủ kỹ năng và kiến thức để làm việc trong các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Địa phương có nguồn nhân lực tốt sẽ là điểm mạnh để có thể thu hút hơn nữa sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp FDI.

COVER TUYỂN DỤNG FDI

Bài 1:
Bức tranh toàn cảnh

Trong những năm qua, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả khả quan, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, qua đó, nâng cao đời sống của người dân. Thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, sau 38 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, 27 năm thu hút đầu tư FDI tại Nghệ An, tính lũy kế đến ngày 30/6/2024, tỉnh Nghệ An đã thu hút được 137 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4,165 tỷ USD, đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động trong nhiều phân ngành kinh tế. Từ vị trí thứ 20 (năm 2021) trên cả nước về thu hút vốn FDI, từ năm 2022, Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tình hình lao động làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tình hình lao động làm việc tại một doanh nghiệp FDI ở Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Nghệ An cũng là địa phương số ít trong cả nước thu hút được 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị linh kiện điện tử vào đầu tư, kinh doanh, gồm: Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin, Juteng và Sunny. Đây là những thương hiệu mạnh, có uy tín lớn và có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường, nghiêm túc tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật của nước sở tại.

Thống kê cũng cho thấy, khu vực FDI hiện chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhờ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Hiện nay, khoảng 68% tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, năng lượng xanh, khu vực FDI góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành những ngành công nghiệp chủ lực, đặc biệt: công nghệ điện tử, năng lượng, thép, linh kiện ôtô…

Bên cạnh đó, khu vực FDI đã và đang có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm và dịch vụ lớn, mà còn tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Từ sau đại dịch Covid-19, với sự có mặt của nhiều dự án FDI trên địa bàn tỉnh, nhiều người lao động Nghệ An không còn phải đi tìm việc ở các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc mà có cơ hội tìm được vị trí việc làm với mức lương xứng đáng với trình độ đào tạo ngay tại quê nhà.

Hiện nay, 164 doanh nghiệp thuộc khu vực FDI (chiếm 1,05% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) đã tạo việc làm trực tiếp cho 49.000 lao động, chiếm 14% lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn tạo ra nhiều việc làm khác một cách gián tiếp do tác động kích thích đầu tư trong nước (phát triển các doanh nghiệp phụ trợ, các ngành nghề cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI). Nhờ đó, thị trường lao động của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng lao động ở ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng ở ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Ông Hoàng Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, chủ đầu tư KCN Hoàng Mai II báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý về nhu cầu cần bàn giao mặt bằng gấp để giao cho nhà đầu tư thứ cấp kịp thời trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI rất lớn. Ảnh: Thành Duy
Ông Hoàng Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, chủ đầu tư KCN Hoàng Mai II báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý về nhu cầu cần bàn giao mặt bằng gấp để giao cho nhà đầu tư thứ cấp kịp thời trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI rất lớn. Ảnh: Thành Duy

Theo ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Nhờ đưa vào Nghệ An các công nghệ tiên tiến, các dây chuyền sản xuất hiện đại, mô hình, tư duy quản lý doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp FDI đã và đang góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao hơn, bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghệ, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị cấp cao. Nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật trong khu vực FDI đang có xu hướng chuyển mạnh sang nhóm nghề “thợ có kỹ thuật lắp ráp và tự động hóa”; bên cạnh đó, lực lượng lao động trong khu vực FDI phải có thêm kỹ năng ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật, Hàn...) và có khả năng làm việc nhóm, có tác phong công nghiệp...

Các xu hướng này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Nghệ An, thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động giản đơn, thu nhập thấp sang lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và thu nhập cao. Qua khảo sát cho thấy, quá trình làm việc tại các doanh nghiệp FDI, nhiều người lao động đã thay đổi tác phong công nghiệp, tiếp cận và hiểu biết tốt hơn về văn hóa doanh nghiệp, nâng cao được trình độ kỹ năng và chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, trình độ ngoại ngữ...

Tình hình cung – cầu lao động

Sự phát triển vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài của Nghệ An, bên cạnh mang đến những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng đặt ra vấn đề cần đảm bảo việc cung cấp nguồn lao động cho các dự án FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc “giữ chân” các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn nước ngoài đến “lót ổ” lâu dài.

Đồ họa: H.Q
Nghệ An đang là một trong những địa phương đứng top đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI. Đồ họa: Hữu Quân

Theo thống kê, dân số của tỉnh Nghệ An năm 2023 là 3.439.149 người, trong đó, dân số trong độ tuổi lao động là 2.230.474 người, chiếm 64,85% trên tổng dân số. Quy mô lực lượng lao động của tỉnh Nghệ An đang đứng thứ 2/6 tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ (chỉ sau tỉnh Thanh Hóa). Hàng năm, Nghệ An có từ 33.000 - 35.000 người đến tuổi lao động.

Cùng với số quân nhân, công an hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, số học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm, lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nhu cầu việc làm, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước, số lao động thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn, mỗi năm Nghệ An có khoảng 60.000 - 70.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, Nghệ An có hàng chục nghìn lao động trở về quê từ các “thủ phủ” công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Số lao động này hầu hết đều có kinh nghiệm, tay nghề đã qua đào tạo, sản xuất.

INFO-laodong Đồ hoạ Hữu Quân
Đồ hoạ: Hữu Quân

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế có 1.597.231 người; lực lượng lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ 69%, trong đó, có văn bằng chứng chỉ đạt 28,6%. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh là 2,03% (trong đó, khu vực thành thị là 2,22%, khu vực nông thôn 1,99%). Số lao động ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn tỉnh là 2.963 người; số lao động Nghệ An làm việc ở ngoại tỉnh là khoảng 698.900 người; số lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh là 1.934 người.

Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lớn, với 339 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 45.049 lao động. Với riêng các doanh nghiệp FDI, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ, kết nối cung cấp 15.000 lao động.

Còn theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, năm 2024 và những năm tiếp theo, trong khu kinh tế, các khu công nghiệp có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động (như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng ...), do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.

Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đối với các doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu công nghiệp Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao: 6 tháng cuối năm 2024 nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.

ngày hội việc làm kcn WHA KKT đông nam ảnh Diệp Thanh00008
Người lao động tìm hiểu các doanh nghiệp trong ngày hội giới thiệu, tư vấn việc làm tại Khu công nghiệp WHA (Nghi Lộc). Ảnh: Diệp Thanh

Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng lên nhanh chóng và chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh, may xuất khẩu, linh kiện ô tô, điện tử... Dự báo giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm FDI trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động.

Minh Quân - Diệp Thanh