Xã hội

Thu hút lao động cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Nghệ An - Bài 2

Minh Quân - Diệp Thanh 04/10/2024 10:08

Với vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp FDI luôn muốn xây dựng quy mô nhà xưởng lớn nhất với sản lượng cao nhất có thể. Đi cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân lực cũng rất cao. Tuy nhiên, những bất cập trong tuyển dụng lao động những năm gần đây là đang là bài toán khó.

COVER TUYỂN DỤNG FDI

Bài 2:
Nhiều khó khăn, bất cập

Với vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp FDI luôn muốn xây dựng quy mô nhà xưởng lớn nhất với sản lượng cao nhất có thể. Đi cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân lực cũng rất cao. Tuy nhiên, những bất cập trong tuyển dụng lao động những năm gần đây là đang là bài toán khó.

Loay hoay tìm nhân lực

Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp VSIP, kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2020) đến nay, Công ty Luxshare ICT Nghệ An là một trong những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất của tỉnh.

Bộ phận tuyển dụng công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An lì xì cho công nhân khi đến xin việc dịp đầu năm. Ảnh CSCC
Bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An lì xì cho công nhân khi đến xin việc dịp đầu năm. Ảnh: CSCC

Cách đây 2 năm, tình trạng khủng hoảng do thiếu nhân lực để hoàn thành đơn hàng đã khiến cho lãnh đạo công ty phải làm đơn “cầu cứu” sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh. Lo lắng tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến uy tín công ty trong mắt đối tác, lãnh đạo doanh nghiệp này vừa phải truyền thông rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng cấp bách đến các trường nghề, các cơ sở đào tạo, vừa phải xây dựng các chính sách thu hút lao động đặc biệt.

Trong cuộc làm việc với đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2022 về phối hợp tuyển dụng lao động, bên cạnh cho biết về nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông số lượng lớn, doanh nghiệp này cũng đã thông tin rất nhiều chế độ, chính sách đặc biệt dành riêng cho lao động có tay nghề cao.

Đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT trình bày về các chế độ dành cho thực tập sinh tại doanh nghiệp trong sự kiện kết nối trường nghề. Ảnh Diệp Thanh
Đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT trình bày về các chế độ dành cho thực tập sinh tại doanh nghiệp trong hoạt động kết nối trường nghề. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Đến nay, dù đã tạm thời vượt qua “khủng hoảng” về nhân lực nhưng theo lãnh đạo Công ty TNHH Luxshare – ICT Nghệ An, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về tuyển dụng lao động do mở rộng quy mô và có những đơn hàng yêu cầu gấp về tiến độ.

Tháng 3/2024, công ty có nhu cầu tuyển dụng 1.500 công nhân/tháng và công ty đã cùng lúc áp dụng nhiều cách thức tuyển dụng khác nhau: Tuyển trực tiếp tại doanh nghiệp, tuyển dụng thông qua các đơn vị trung gian, về các địa phương để tìm nguồn lao động.

Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng lao động của công ty vẫn liên tục ở trạng thái báo động, khi mỗi ngày chỉ có 60-90 lao động đến nộp hồ sơ. Thực trạng này đã khiến công ty phải có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ trong việc tuyển dụng nhân lực.

Với Công ty TNHH Công nghệ Everwin, bắt đầu từ tháng 6/2024, công ty chính thức đi vào hoạt động, song rất khó tuyển dụng những kỹ sư lành nghề có kỹ thuật cao tại Nghệ An. Do đó, trong giai đoạn đầu, công ty đang tạm thời tuyển dụng lao động nước ngoài để đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn thăm nhà máy sản xuất của Tập đoàn Everwin Precision Hong Kong Company Limited tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Phạm Bằng
Lãnh đạo tỉnh thăm nhà máy sản xuất của Tập đoàn Everwin Precision Hong Kong Company Limited tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Phạm Bằng

Bà Phạm Kim Chi - Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision chia sẻ: “Công ty vừa mới nhận được sự công nhận từ 2 khách hàng lớn và sẽ tăng cường sản xuất hàng loạt vào quý 4/2024. Đồng thời, chúng tôi cũng đang hợp tác với 2 khách hàng lớn khác, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2025. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều cơ hội kinh doanh khác nữa. Chính vì thế, nhu cầu về nhân sự của công ty hiện nay rất lớn. Cuối năm 2024, chúng tôi dự kiến sẽ có 2.500 công nhân và đến năm 2025, con số này phải tăng lên 4.500 người”.

Được biết, hiện doanh nghiệp này đang thiếu 100 kỹ thuật viên và 400 công nhân để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Mặc dù tổng số công nhân lao động cần tuyển mới chỉ 700 người nhưng từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Haivina Kim Liên vẫn loay hoay không giải quyết được vấn đề này.

Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Haivina Kim Liên chia sẻ: “Mặc dù đã đăng ký thông tin tuyển dụng ở nhiều nơi, tranh thủ những ngày cuối tuần để đội nắng, đội mưa về các huyện vùng sâu, vùng xa tuyển dụng, nhưng chúng tôi vẫn không tìm đủ số lượng cần có”.

Lễ chào cờ tại Công ty TNHH Havina Kim Liên. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh
Lễ chào cờ tại Công ty TNHH Havina Kim Liên. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Bên cạnh việc khó tuyển dụng lao động, một thực trạng đáng buồn khác của nhiều doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng là khó giữ chân lao động. Theo một thống kê được đưa ra vào đầu tháng 7 vừa qua của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho thấy, năm 2023 và 6 tháng năm 2024, số lao động nghỉ việc chiếm trên 50% số lao động tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Luxshare Nghệ An, năm 2023 tuyển dụng được 7.126 lao động nhưng có tới 3.793 người nghỉ việc, chiếm 53% số tuyển dụng; 6 tháng đầu năm 2024 tuyển dụng được trên 9.800 lao động nhưng có 7.759 người nghỉ việc, chiếm 79% số lao động được tuyển.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vi Ngọc Quỳnh, nguyên nhân khách quan khiến việc tuyển dụng, giữ chân lao động của các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn là hiện nay, các công trình hạ tầng thiết yếu như: Hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; trường mầm non, cơ sở y tế, khu vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao, chợ, siêu thị phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp và các địa bàn lân cận còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu để thu hút người lao động, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao.

ngày hội việc làm kcn WHA KKT đông nam ảnh Diệp Thanh00011
Ngày hội việc làm tại Khu công nghiệp WHA, KKT Đông Nam. Ảnh: Diệp Thanh

Mặt khác, do chi phối của thị trường lao động linh hoạt, cơ hội tìm việc của người lao động Nghệ An rất nhiều, kể cả làm việc trong tỉnh và ngoài tỉnh, đặc biệt là đi xuất khẩu lao động đang được người lao động quan tâm do chi phí ngày càng giảm và minh bạch, khả năng đi làm việc ổn định, thu nhập cao gấp 5 - 8 lần so với làm việc ở các doanh nghiệp trong tỉnh.

Cùng với đó, một số lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lao động trẻ, chưa có gia đình đang có tư tưởng thích tìm kiếm việc làm ở các tỉnh, thành phố khác hoặc thích lao động tự do, không thích vào làm việc trong các doanh nghiệp vì phải chịu sự quản lý, bị ràng buộc bởi các nội quy, quy định của doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về lao động. Hơn nữa, lao động phổ thông chưa qua đào tạo chủ yếu xuất thân từ các vùng nông thôn, miền núi, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu về tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật... còn thấp.

Ngoài ra, sự hợp tác, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp còn bất cập khi một số ngành nghề đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phần lớn số công nhân khi được tuyển dụng chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu của doanh nghiệp.

Khó giữ chân lao động

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên, không thể không kể đến nguyên nhân chủ quan khiến các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong tuyển dụng cũng như "giữ chân" lao động là tiền lương, thu nhập tại các doanh nghiệp của Nghệ An còn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước.

Công nhân, lao động nêu kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động năm 2024. Ảnh: Diệp Thanh
Công nhân, lao động nêu kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động năm 2024. Ảnh: Diệp Thanh

Theo thống kê của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đến cuối tháng 6/2024, tiền lương bình quân các doanh nghiệp trả cho người lao động đạt 6,63 triệu đồng/người/tháng. Dù tăng 5% so với mức tiền lương bình quân năm 2022 nhưng mức tiền lương bình quân của Nghệ An thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân của cả nước (8,49 triệu đồng/người/tháng) và thấp hơn các tỉnh lân cận (Thanh Hóa là 7,848 triệu đồng/người/tháng, Hà Tĩnh là 7,633 triệu đồng/người/tháng).

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam báo cáo: Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được trả bao gồm các khoản phụ cấp chỉ đạt từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, trong trường hợp có làm tăng ca cộng tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác thì tổng thu nhập của người lao động mới chỉ đạt từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.

giải thể thao cđ kkt đông nam Ảnh CSCC00000
Công nhân lao động các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham gia giải thể thao dành cho công nhân. Ảnh: CSCC

Việc mức lương cơ bản vùng này thấp hơn những vùng khác, tỉnh, thành này thấp hơn các tỉnh, thành cũng là một trong những yếu tố tạo nên dòng chảy lao động. Nhưng liệu đó có phải là yếu tố duy nhất?

Cách đây 1 năm, tại Công ty TNHH VietGlory (Diễn Châu) đã xảy ra sự việc ngừng việc tập thể của gần 6.000 lao động. Sau thời gian làm việc, lãnh đạo công ty và tổ chức công đoàn đã ghi nhận 8 nhóm kiến nghị của người lao động, trong đó, 2 nội dung chính là tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm. Còn lại là các nội dung liên quan đến lợi ích người lao động khác như chế độ độc hại, thai sản, phạt tiền chuyên cần, thời gian họp, thái độ của quản lý, cơ chế chấm công…

Sự việc kéo dài nhiều ngày không chỉ khiến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn mất ổn định mà còn khiến công ty cũng như công nhân thiệt hại nặng nề. Chưa kể, đúng vào thời điểm này, Công ty TNHH VietGlory Diễn Châu đang triển khai xây dựng nhà xưởng thứ 2 với quy mô tương đương nhà xưởng cũ ngay trong khuôn viên công ty.

Gần 6.000 công nhân tập trung trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ảnh: Diệu Hoa
Sự việc ngừng việc tập thể cách đây hơn 1 năm ở Công ty TNHH Việt Glory (Diễn Châu). Ảnh tư liệu: Diệu Hoa

Theo ghi nhận tại các cuộc làm việc giữa đại diện công ty, công nhân và các cấp công đoàn, dù lý do chính liên quan đến chế độ nhưng những bức xúc của người lao động lại tập trung ở thái độ của đội ngũ quản lý trực tiếp. Những vấn đề như quản lý chửi bới, gây khó dễ, coi thường công nhân trở thành đề tài được công nhân củng cố, khẳng định bằng rất nhiều tình huống cụ thể với từng cá nhân cụ thể.

Trực tiếp giải quyết nhiều sự việc ngừng việc tập thể tại doanh nghiệp FDI, bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho rằng: “Việc thu hút, giữ chân người lao động không đơn thuần chỉ bằng lương. Có nhiều doanh nghiệp FDI lương không cao hơn so với mặt bằng chung nhưng lãnh đạo doanh nghiệp được công nhân quý, công ty tôn trọng công nhân, quan tâm đến những phúc lợi thiết thực, thì công nhân vẫn nghe tiếng mà tìm đến hoặc gắn bó lâu dài.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp cứng nhắc, thiếu tôn trọng, ít chăm lo, không thấu hiểu thì rất khó để giữ chân lao động. Đơn cử như việc doanh nghiệp chỉ cho công nhân nghỉ 1 ngày khi bố mẹ qua đời. Hoặc sau nhiều năm cống hiến, công nhân lớn tuổi bị doanh nghiệp đẩy đến các bộ phận như vệ sinh, lao công… Họ không hiểu về văn hóa, phong tục và đạo lý người Việt”.

Điều này cho thấy, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định là yếu tố rất quan trọng, không những nhằm phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công mà còn góp phần thu hút, giữ chân lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI...

Minh Quân - Diệp Thanh