Xây dựng Đảng

Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh ở Nghệ An

Thanh Lê 04/10/2024 12:13

Nhiều đại biểu đã tập trung trao đổi làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh ở Nghệ An giai đoạn 2024-2025.

Sáng 4/10, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2025”.

3 chọn
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.L

Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đã được Đảng, Nhà nước định hướng rõ ràng bằng các chủ trương, chính sách cụ thể. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn... Huy động và phát triển các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh".

 1 chon
Đồng chí Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: T.L

Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đang từng bước triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới thông minh, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.

Nhờ đó, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đã đạt nhiều kết quả to lớn, tạo chuyển biến thực chất, hướng tới nông thôn mới thông minh. Khu vực nông thôn Nghệ An đang dần trở thành những “miền quê đáng sống”.

 2 chọn
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: T.L

Không khí “nông thôn mới” tràn ngập trên mỗi xóm làng. Hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn được UBND các xã ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả vào công tác quản lý, điều hành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông 4 cấp; 100% xã sử dụng chữ ký số; sử dụng các phần mềm chuyên ngành khác như kế toán, địa chính, tư pháp,… 100% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng, kết nối internet và mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Các sản phẩm OCOP của các xã nông thôn mới nâng cao đều được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng nhanh ở khu vực nông thôn; người dân được phổ biến kỹ năng số; kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, truy cập mạng internet để khai thác thông tin, bán hàng, học tập, giải trí,… ngày càng được nâng cao, rút ngắn khoảng cách với khu vực thành thị; tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh khu vực nông thôn đạt trên 80%...

 an
Làng Nam, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) có hồ điều hòa rộng lớn, bao quanh là những ngôi nhà dân khang trang. Ảnh: Ảnh tư liệu Quang An

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức to lớn, chưa có tiền lệ, vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, xây dựng mô hình, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Là một chủ trương lớn, nhưng việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, manh mún và mang tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn thấp (dưới 10%). Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, đất đai còn thiếu, chưa đồng bộ,...

Hội thảo “Chuyển đổi số trong nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2025” được tổ chức nhằm tiếp tục quán triệt, làm sâu sắc hơn trong nhận thức về tính chất, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trong tình hình hiện nay.

Cùng với đó, nghiên cứu, luận giải, đề xuất các giải pháp khoa học, kiến nghị các cơ chế, chủ trương, chính sách phù hợp, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

 a minh
Đồng chí Vương Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: T.L

Tham luận tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu tập trung trao đổi làm rõ hơn những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2024-2025. Quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Các ý kiến đã phân tích, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tại các địa phương trong tỉnh thời gian qua; trao đổi, nghiên cứu về những mô hình tiêu biểu, cách làm hay về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh ở tỉnh Nghệ An.

Từ đó, đề xuất phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh ở tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Thanh Lê