Giáo dục

Giáo dục học sinh bằng tình yêu thương và trách nhiệm

Mỹ Hà 05/10/2024 14:23

Ngày Nhà giáo Thế giới (WTD) được tổ chức vào ngày 5/10 hằng năm với mục đích nhằm tôn vinh, ghi nhận công ơn giáo dục của các thầy cô giáo và vai trò của họ đối với công cuộc xây dựng tương lai toàn cầu.

Nhân dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3.

Luôn cố gắng để làm tốt vai trò của một người thầy

PV: Thầy đã có gần 30 năm đứng trên bục giảng. Có phải đây là nghề mà thầy yêu thích từ những ngày còn đi học?.

NGƯT Phan Trọng Đông: Tôi là con liệt sĩ, bố tôi hy sinh vào tháng 12/1975, khi tôi vừa tròn 1 tháng. Lúc đó, đất nước đã hoà bình, ông thuộc diện giải giáp quân ngũ, ở lại để tiếp quản vùng giải phóng.

Ngày ông hy sinh, thư thông báo vợ sinh con còn chưa kịp gửi đến, ông chỉ biết vợ đã có bầu. Sau này, mẹ tôi một mình nuôi con, bà làm cán bộ đông dược nhưng sức khoẻ yếu, cuộc sống của mẹ con tôi ngày nhỏ rất vất vả.

dscf8666-1-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho thầy giáo Phan Trọng Đông. Ảnh: Mỹ Hà

Ngày nhỏ tôi học tốt, năm 1990, tôi là 1 trong 8 học sinh, sinh viên được tham dự Liên hoan trại hè Châu Á Thái Bình Dương tại Nhật Bản. Sau này tôi thi đại học và đậu cả 3 trường gồm Nông nghiệp, Y khoa và Sư phạm, trong đó trường Y khoa là ngôi trường mà tôi mơ ước. Nhưng như tôi đã nói, lúc ấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, để nuôi con học trường Y là điều không thể và tôi chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Sinh học. Lúc ấy, việc chọn là hoàn toàn ngẫu nhiên, không có ai định hướng. Sau này, ra trường tôi đã có cơ hội được đi làm ở Viện di truyền nông nghiệp nhưng tôi đã chọn đi dạy bởi công việc này ổn định và sớm có thu nhập.

Việc dạy học của tôi cũng sớm có kết quả khá tốt. Lúc mới ra trường, ngôi trường đầu tiên tôi dạy học là Trường THPT Đô Lương 2. Trước đó, trường chưa có học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học. Về đây, tôi đã phát hiện, bồi dưỡng và bắt đầu có học sinh giỏi tỉnh. Kết quả này cho tôi động lực và tôi nghĩ rằng, có lẽ mình đi dạy cũng có hiệu quả.

Quá trình công tác tôi đã tham gia nhiều hoạt động, trải qua nhiều vị trí và bây giờ nhìn lại tôi thấy mình chọn nghề giáo là phù hợp. Nghề đã chọn mình. Ở đây, tôi có thể phát huy được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và cả tố chất quản trị của một nhà giáo.

NGƯT Phan Trọng Đông

PV: Năm 2024, thầy là 1 trong 64 giáo viên của tỉnh được vinh dự phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây có phải là đích đến của mỗi nhà giáo khi chọn con đường gắn bó với “bảng đen phấn trắng”?

NGƯT Phan Trọng Đông: Danh hiệu nhà giáo ưu tú là một danh hiệu cao quý và không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều mong muốn. Đó còn là ước mơ, là khát vọng của mỗi người làm nghề giáo. Tuy nhiên, tôi không đặt mục tiêu mình sẽ phấn đấu để đạt nhà giáo ưu tú và nếu chỉ chăm chăm vì danh hiệu thì sẽ thất bại.

Từ khi vào nghề đến nay tôi luôn quan điểm rằng hãy làm việc tốt thì việc tốt sẽ đến và nếu hội tụ đủ sẽ được kết tinh. Để được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, ngoài năng lực bản thân, giáo viên cần có môi trường để có thể toả sáng kết quả lao động, có những cộng sự từ người thân, đồng nghiệp, cấp trên (trước mọi vấn đề cần đánh giá bằng kết quả của sự việc)...

Niềm vui của các giáo viên Trường THPT Diễn Châu 3 và các đồng nghiệp trong ngày phong tặng Nhà giáo ưu tú
Niềm vui của các giáo viên Trường THPT Diễn Châu 3 và các đồng nghiệp trong ngày phong tặng Nhà giáo ưu tú. Ảnh: Mỹ Hà

Ở những ngôi trường tôi đã từng công tác và giữ cương vị hiệu trưởng, chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện để tôn vinh những người đồng nghiệp ưu tú, dù họ ở bất cứ cương vị nào, có người là giáo viên dạy Hóa học, có người là giáo viên dạy Thể dục, có người là giáo viên dạy Toán...

Năm nay ở Trường THPT Diễn Châu 3 có 3 giáo viên được vinh dự này và là ngôi trường THPT có số lượng giáo viên được phong tặng Danh hiệu nhà giáo ưu tú nhiều nhất tỉnh. Có những đồng nghiệp của tôi rất đáng trân trọng bởi nếu xét tiêu chuẩn họ đã có đủ điều kiện hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, khi ấy họ đã từ chối, không mưu cầu danh lợi vì cho rằng mình còn trẻ và nhường cơ hội cho những người khác.

Hài hoà giữa uy quyền và tình yêu thương

PV: Đổi mới giáo dục là câu chuyện đã được nhắc và thực hiện hơn 10 năm nay. Quá trình này có rất nhiều vấn đề đã được bàn luận, cân nhắc, mổ xẻ. Ở các trường học, sự chuyển biến rõ rệt nhất là ở những mặt nào?

NGƯT Phan Trọng Đông: Trong quá trình đổi mới, tôi thấy sự thay đổi đầu tiên rõ rệt nhất, đó là giáo dục tư duy học sinh. Nếu như trước đây giáo dục chủ yếu bằng sự quyền uy, uy lực của người thầy thì nay còn giáo dục học sinh bằng cả sự yêu thương. Đây là một mặt hết sức tích cực. Việc giáo dục bằng quyền uy sẽ tạo nên nề nếp, kỷ cương, khuôn phép. Nhưng cũng có những hạn chế làm giảm sự năng động, sáng tạo của học sinh. Việc kết hợp hài hòa giữa quyền uy và sự yêu thương, sẽ giúp học sinh phát triển, thể hiện bản thân, được là chính mình.

Trường THPT Diễn Châu 3 là ngôi trường đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Ảnh - NTCC
Trường THPT Diễn Châu 3 là ngôi trường đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Ảnh: NTCC

Đối với dạy học cũng có sự thay đổi rõ rệt. Trước khi triển khai chương trình mới, việc dạy học được gọi là giảng bài, kiến thức, năng lực thầy giáo có gì sẽ truyền lại cho học sinh như vậy, việc giảng bài chỉ dừng lại ở 1 chiều hoặc lên lớp thầy dạy và học trò học.

Với chương trình mới, việc dạy học thay đổi tích cực hơn và giáo viên sẽ sử dụng bao gồm tất cả các phương pháp trước đó gồm giảng bài, lên lớp dạy và học, tổ chức cho học sinh học. Nhờ đó, học sinh được khám phá, hình thành và tư duy phát triển.

Qua quá trình thực hiện đổi mới, chúng tôi cũng đã thấy được sự chuyển biến ở các nhà trường sau khi thay đổi phương pháp dạy học.

Nếu không có sự đổi mới giáo dục, có lẽ một trường ở vùng nông thôn như trường chúng tôi sẽ không có nhiều học sinh có cơ hội đậu vào những trường tốp đầu.

Nhưng hiện nay, cách dạy học mới giúp học sinh được phát huy năng lực, các em đã mạnh dạn tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, tham gia thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vì thế, cơ hội đến với các em cũng sẽ nhiều hơn.

NGƯT Phan Trọng Đông

cxh_3665(1).jpg
Học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: NTCC

PV: Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, mô hình "Trường học hạnh phúc" được xem là một bước tiến quan trọng, nhằm tạo ra môi trường giáo dục tích cực, nơi học sinh không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được nuôi dưỡng tinh thần, phát triển toàn diện nhân cách. Với Trường THPT Diễn Châu 3, ngôi trường đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình "Trường học hạnh phúc" tại Nghệ An, nhà trường có kỳ vọng gì khi xây dựng mô hình này?

NGƯT Phan Trọng Đông: Nếu nói là thí điểm cũng không chính xác. Thực chất là trường chúng tôi tự giác làm, chúng tôi chỉ có một tư duy, một mục tiêu đơn giản, đó là chọn cái gì tốt nhất cho học sinh, từ chất lượng dạy học, điều kiện dạy học và cuối cùng là kết quả của dạy học.

Một hoạt động trải nghiệm của Trường THPT Diễn Châu 3
Một hoạt động trải nghiệm của Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: NTCC

Qua quá trình thực hiện, thực tế có rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, dù trường học hạnh phúc là tôn chỉ mục đích nhưng lại không có một phương pháp cụ thể nào để xây dựng mô hình và cũng không có một công thức nào cụ thể.

Nếu nói xây dựng trường học hạnh phúc chỉ chú trọng vào thành tích, vào cơ sở vật chất hay vào dạy học đều không đúng. Đơn giản, đó là ngôi trường mà học sinh được học theo đúng năng lực, giáo viên được dạy học theo đúng khả năng. Và với những mong muốn này, nhà trường phải làm sao tạo được môi trường, tạo được cơ chế để học sinh, giáo viên đến trường thấy vui, hạnh phúc. Từ môi trường này, đội ngũ giáo viên và học trò phải làm nên thành tích bằng chính năng lực học trò, các em được phát huy đúng khả năng của mình.

Chúng tôi cũng hiểu rằng, việc thực hiện không nên ảo tưởng mà phải xây dựng một môi trường dạy học phù hợp với điều kiện kinh tế, phù hợp với văn hóa nơi các em sinh sống.

Uớc mơ của chúng tôi không phải xây dựng Trường THPT Diễn Châu 3 là trường chất lượng cao về giáo dục mà ước mơ của chúng tôi đó là xây dựng nhà trường trở thành trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục, thể thao của vùng miền. Để từ đây không chỉ học sinh mà người dân cũng được hưởng thụ, ngoài giờ học học sinh được rèn luyện. Từ mái trường này, học sinh tốt nghiệp sẽ có một tác phong văn hóa chuẩn mực và nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

NGƯT Phan Trọng Đông

cxh_3593.jpg
Giáo viên và học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: NTCC

Nhìn lại kết quả sau 4 năm triển khai khó có thể định tính rõ ràng. Nhưng chúng tôi thấy rõ được sự thay đổi của ngôi trường. Năm học vừa rồi trường chúng tôi đón nhận niềm vui về chất lượng dạy học khi có 3 học sinh được tuyên dương học sinh đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, thành tích học sinh giỏi lớp 12 đứng tốp 5 toàn tỉnh và kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp vượt 8 bậc so với năm học trước.

Khi nhận những thành quả này, chúng tôi đã vỡ òa vì hạnh phúc. Thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học, chúng tôi không giao chỉ tiêu thành tích cho giáo viên. Nhưng chúng tôi xây dựng bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng hành vi và được thể hiện bằng hành động. Có được những kết quả này, chính là giáo viên tự thi đua, giáo viên và học sinh có động lực phấn đấu khi thường xuyên được khen thưởng và khích lệ kịp thời.

cxh_3831.jpg
Những lớp học hạnh phúc ở Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: NTCC

PV: Việt Nam có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và thế giới cũng có ngày Nhà giáo thế giới 5/10 và đây là sự tôn vinh, ghi nhận đối với những người làm nghề “lái đò”. Vậy, theo anh trong thời đại mới, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, người giáo viên cần phải có tố chất gì. Riêng thầy, là người quản lý cần phải thay đổi như thế nào để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

NGƯT Phan Trọng Đông: Dù trong bất cứ thời đại nào, để trở thành một người thầy giáo tốt thì điều cốt lõi là phải có tri thức tốt. Thứ hai là phải có phẩm chất, đạo đức, phải có trái tim yêu thương, nhiệt huyết, tâm huyết với nghề. Đây là hai yếu tố căn bản, bắt buộc phải có, là điều kiện cần của nghề.

Tuy vậy, trong xã hội mới còn đòi hỏi người thầy phải có năng lực quản lý (khi lên lớp và khi giáo dục học sinh), mỗi người phải biết xây dựng kế hoạch bản thân. Ngoài ra, phải có năng lực hội nhập để không bị lạc hậu với xã hội, lạc hậu với học sinh. Nếu không trang bị điều này, quyền uy sẽ bị mất đi và sẽ không được tôn trọng.

cxh_3817.jpg
Học sinh Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: NTCC

Xã hội mới, đòi hỏi yêu cầu giáo dục phải thay đổi và người lãnh đạo cũng phải thay đổi. Trước đây các hiệu trưởng chủ yếu từ các nhà giáo lên và có tư duy của một nhà giáo, quản lý bằng phẩm chất, năng lực và bằng uy quyền của một nhà giáo. Trong xu thế hiện nay, lãnh đạo một đơn vị phải là một nhà quản trị tốt, đó là phải có uy quyền của một người thầy, có một nghiệp vụ quản lý tốt và có cả tư duy quản trị.

Người đứng đầu cũng phải sẵn sàng biết đón nhận những ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi luôn tư duy trong việc tốt có việc xấu, trong cái xấu phải tìm cái tốt để làm, trong những cái xấu tìm cái ít xấu để làm trước và điều chỉnh. Và nếu không thừa nhận cái xấu sẽ không làm việc được, không có sự tiến bộ.

NGƯT Phan Trọng Đông

P.V: Xin cảm ơn thầy đã tham gia cuộc trò chuyện!.

Mỹ Hà