Kinh tế

Nghệ An cấp 15.000 lít hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi sau mưa lũ

Quang An 08/10/2024 11:19

Những chuồng trại sau khi ngâm nước lâu ngày dễ bị ô nhiễm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi rất cao. Do đó, cần có giải pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, nhất là bước vào thời điểm tái đàn cho vụ Tết.

Nguy cơ bùng dịch hiện hữu

Xã Môn Sơn là địa phương bị ngập nặng trong đợt mưa lũ vừa qua, cũng là địa phương có số lượng gia cầm bị chết, cuốn trôi nhiều nhất là huyện Con Cuông, với gần 1.200 con. Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm hiện hữu vì mưa vẫn còn kéo dài sau khi nước rút, môi trường ẩm thấp là điều kiện để các loại vi rút sinh sôi, phát triển mạnh.

Ông Lương Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua, nước dâng cao, chia cắt các bản trong nhiều ngày, trong đó, có 1.180 con gia cầm của người dân các bản Thái Sơn 2, Nam Sơn, Cửa Rào bị chết, cuốn trôi. Bà con bị thiệt hại về kinh tế, đến thời điểm này cũng chưa dám tái đàn vì nước rút chưa lâu, môi trường nuôi chưa phục hồi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn cao.

gggr.jpg
Nhiều gia cầm bị chết sau đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: CSCC

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Con Cuông, ngay sau khi nước rút, đơn vị đã nhận hóa chất tiêu độc, khử trùng để phân phát cho các xã, ưu tiên những địa phương bị ngập lâu ngày với số lượng 2.000 lít. Đồng thời, cử cán bộ thú y hướng dẫn bà con dọn vệ sinh, đảm bảo môi trường sau lũ. Tuy nhiên, với tổng đàn lớn hơn 34.000 con gia súc và 80.000 con gia cầm, lại chăn nuôi nhỏ lẻ ở các xã, các thôn, bản nên việc kiểm soát dịch bệnh sau mưa lũ vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt, với các bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…

Huyện Anh Sơn cũng là địa phương bị ngập sâu nhiều ngày trong đợt mưa lũ vừa qua, tập trung tại các xã Hùng Sơn, Đức Sơn, Phúc Sơn, Tường Sơn… Sau khi nước rút, bên cạnh việc ổn định cuộc sống, sinh hoạt thì bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh cũng được các địa phương ưu tiên hàng đầu.

Phun thuốc tiêu độc khử tại các chuồng trại chăn nuôi sau mưa lũ. Ảnh Q.A
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi sau mưa lũ. Ảnh Q.A

Ông Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Anh Sơn là huyện có đàn vật nuôi khá lớn trên địa bàn tỉnh, với tổng đàn trâu, bò khoảng 30.000 con, tổng đàn lợn gần 60.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 1 triệu con. Do đó, việc chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh sau mưa lũ được đơn vị triển khai ngay khi nước rút bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Các cán bộ thú y của đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, đến các xã để hướng dẫn người dân cách tiêu độc, khử trùng, sát khuẩn chuồng trại theo quy định.

Bên cạnh đó, các xã và các hộ dân cũng chủ động mua vôi bột để rải quanh khu vực nuôi, đề phòng vi rút xâm nhập. Huyện cũng đang tập trung tiêm phòng vụ thu, tạo lớp bảo vệ cho đàn vật nuôi sau mưa lũ. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xuất hiện tại các xã Khai Sơn, Phúc Sơn… gặp môi trường mưa ẩm có thể bùng phát trở lại ở các địa phương lân cận.

Tăng tỷ lệ tiêm phòng cho vật nuôi

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai -tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, đợt mưa lớn kèm theo hoàn lưu bão số 4 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi có 17.464 con gia cầm và 76 con gia súc bị chết, cuốn trôi, tập trung tại các địa phương Con Cuông, Đô Lương, Diễn Châu, Anh Sơn, TP. Vinh… gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.

Tiêm phòng vắc xin là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh
Tiêm phòng vắc- xin là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: Q.A

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Mùa mưa bão, đặc biệt, sau các đợt lũ lụt thì khu vực chăn nuôi thường xuyên bị ảnh hưởng, ô nhiễm. Môi trường ẩm thấp rất thích hợp cho các loại mầm bệnh xuất hiện. Ở gia súc thường có các bệnh như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, tụ huyết trùng. Đối với gia cầm có các bệnh liên quan đến đường hô hấp như các loại cúm gia cầm. Do đó, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi không được chủ quan trong giai đoạn nhạy cảm này.

tiêm phòng_ảnh Quang An
Các địa phương đang triển khai tiêm phòng vụ thu. Ảnh: Quang An

Hiện nay, tỉnh cũng đã cấp 15.000 lít hóa chất để phân phát cho các huyện chủ động tiêu độc, khử trùng sau đợt mưa lũ vừa qua. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi để tạo lớp màng bảo vệ, ít nhất phải bao phủ 80% tổng đàn mới có thể chống chịu các loại dịch bệnh. Hiện đang trong thời điểm tiêm phòng vụ thu (15/9 - 15/10), do đó, các địa phương, người chăn nuôi cần tập trung thực hiện tốt, hoàn thành tốt yêu cầu này.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7746/UBND-NN yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

tiêm phòng tụ huyết trung cho trâu tại bản Vắng Lin xã Yên Thắng huyện Tương Dương_ảnh Quang An
Tỷ lệ tiêm phòng tổng đàn phải trên 80% mới đủ khả năng phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Quang An

Theo đó, các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan của địa phương tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp tái đàn cần chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ, khỏe mạnh và được tiêm phòng đầy đủ…

Quang An