Xã hội

Điểm tựa của người dân trong ứng phó thiên tai

Gia Huy - Hải Thượng 08/10/2024 11:21

Mưa bão, sạt lở, lũ quét… tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, luôn đe doạ đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tại các địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã kịp thời có mặt ở những khu vực khó khăn, phức tạp, sát cánh cùng chính quyền ứng phó với các tình huống; trở thành “ điểm tựa” vững chắc của người dân trong phòng, chống thiên tai.i.

ca0a20b04b6bed35b47a-1-.jpg

“ Nơi nào khó có bộ đội”

Gia đình chị Lương Thị Hoa ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong) là một trong những hộ bị sập nhà trong đợt mưa to do hoàn lưu bão số 4 gây sạt lở xảy ra vào cuối tháng 9 vừa qua. Chị Hoa cho biết, chồng mất sớm, bản thân nuôi con nhỏ, lại sống ở địa bàn hay xảy ra sạt lở nên mỗi khi mưa lũ về chị luôn cảm thấy lo lắng, bất an.

f13914837f58d9068049-1-.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) giúp dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Ảnh: H.T

Trong đợt mưa to do hoàn lưu bão vừa qua, dù nhà bị sập hoàn toàn, nhưng trước đó, mẹ con chị Hoa đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ, chính quyền địa phương và người dân hỗ trợ di dời người và tài sản, trước khi đất, đá ập xuống làm sập nhà...

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Quang Văn Thành ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ (Quế Phong) trước khi được di dời.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Quang Văn Thành ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ (Quế Phong) trước khi được di dời. Ảnh: H.T

Ngôi nhà sàn của ông Quang Văn Thành ở bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ cũng bị hàng chục khối đất, đá tràn xuống, gây hư hỏng nghiêm trọng, nhưng may mắn trước đó ông đã được những người lính quân hàm xanh giúp đỡ di dời tài sản đến địa điểm an toàn.

Trung tá Hồ Đăng Thảo - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết, đơn vị đã phát huy tinh thần “4 tại chỗ” trong ứng phó với thiên tai. Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng của đồn đã có mặt tại các địa điểm bị ảnh hưởng ở các bản Mường Piệt, Lốc, Na Lướm, Mường Cạt… phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác giúp 17 hộ trong diện nguy cơ sạt lở di dời tài sản, vật nuôi, tháo dỡ các công trình di chuyển đến nơi an toàn.

img_0145(1).jpeg
BĐBP hỗ trợ di dời hộ dân bị sạt lở ở xã Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: H.T

Ngoài nhà cửa, đợt mưa lớn còn khiến 1.500 m2 ao cá của các hộ dân ở xã Thông Thụ bị thiệt hại trên 70%, 4,3 ha lúa nước bị ảnh hưởng, 0,15 ha hoa màu bị thiệt hại; khoảng 1,2 ha cây keo bị đổ gãy; đoạn Quốc lộ 48 từ xã Đồng Văn đi xã Thông Thụ sạt lở mái ta luy dương ở các khu vực dốc Cao Mạ, bản Lốc gây ách tắc giao thông và thiệt hại một số công trình khác.

Ngay sau mưa lũ, bên cạnh huy động lực lượng phối hợp chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã trích một phần kinh phí hỗ trợ một số gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

“Nơi nào khó có bộ đội biên phòng”, đó là sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa bàn biên giới về tinh thần “vì dân” của lực lượng quân hàm xanh trong ứng phó với thiên tai.

uploaded-khanhlybna-2024_03_02-_z5201770629170-25e49f827a5619dd543c5fea5b9d89a6-1-9450-3903.jpeg

Sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Bộ đội Biên phòng đã giúp chính quyền địa phương và nhân dân các thôn, bản vững tâm hơn khi thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại...”.

Ông Lương Ngọc Huân - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ

Đóng quân tại địa bàn trọng yếu, nơi thiên tai thường xuyên đe dọa, Đồn Biên phòng Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông luôn bám sát diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời phối hợp hỗ trợ chính quyền, người dân chủ động ứng phó. Như đợt mưa lớn do hoàn lưu bão số 4, nước đầu nguồn chảy về đã làm nước sông Giăng dâng cao gây ngập nhiều hộ dân.

f67d8578e1a347fd1eb2.jpg
Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông) phối hợp với chính quyền địa phương và người dân giúp các hộ bị ngập di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: H.T

Một số địa điểm như cầu tràn Khe Mọi thuộc địa phận làng Mét, xã Lục Dạ nước chảy ngập cách mặt cầu khoảng 1m; địa bàn các bản: Thái Sơn 2, Nam Sơn, xã Môn Sơn nhà nhiều hộ dân bị nước ngập. Đồn Biên phòng Môn Sơn đã cử lực lượng xuống địa bàn phối hợp địa phương và người dân giúp các hộ gia đình bị ngập kê kích, di chuyển tài sản, đồ dùng sinh hoạt đến nơi an toàn.

a2a66bb80f63a93df072.jpg
Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông) giúp người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: H.T

Ở Xã Nậm Giải (Quế Phong) - nơi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đặc biệt, sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào năm 2007 cướp đi sinh mạng của 13 người dân ở bản Pục và bản Méo cùng nhiều nhà cửa, trường học bị vùi lấp… thì thiên tai, bão lũ trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

b2948d7a5128e876b139.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Quế Phong) giúp người dân khu vực nguy cơ sạt lở di dời tài sản. Ảnh tư liệu Lê Thạch

Là đơn vị được giao quản lý 2 địa bàn là xã Nậm Giải và xã Hạnh Dịch, cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng tránh, ứng phó với thiên tai, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch luôn có mặt kịp thời, sát cánh cùng chính quyền và nhân dân ứng phó với các tình huống...

Ngày 29/9, khi địa phương phát hiện tại khu vực núi Pu Mèo thuộc bản Pục, xã Nậm Giải xuất hiện vết nứt khá lớn, dài 40-50 cm, ảnh hưởng trực tiếp đến 4 hộ gia đình ở dưới chân núi, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền và các lực lượng khác kịp thời di dời các hộ trong phạm vi sạt lở đến nơi an toàn.

bna_1-1-b660a084b5c28ddf8d9b1dfa84cf587d.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra khu vực sạt lở đất ở bản Xa Mặt, xã Nhôn Mai do mưa lớn. Ảnh: H.T

Còn tại xã biên giới Nhôn Mai (Tương Dương), Bộ đội Biên phòng cũng là điểm tựa của chính quyền và người dân trong ứng phó với thiên tai, nhất là hiện tượng sạt lở.

Điển hình vào ngày 2/10, mưa lớn khiến khu vực bản Xa Mặt xảy ra sạt lở ảnh hưởng đến 3 hộ dân, trong đó, hộ anh Hùng Văn Mằn bị ảnh hưởng nặng nhất, với những vết nứt, đứt gãy lớn ở nền đất, ngay lập tức Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã phối hợp với địa phương và người dân hỗ trợ gia đình anh Mằn và các hộ khác tháo dỡ tài sản di chuyển đi nơi khác để tránh thiệt hại.

bna_fotojet-359b81b42716012e5f6350efab228dbe(1).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở tháo dỡ, di dời tài sản. Ảnh: GH

Không chỉ gây ngập các điểm cầu tràn, mưa lớn cũng làm sạt lở các tuyến đường giao thông huyết mạch gây ách tắc giao thông; để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn đã cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, cử người trực không để người dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

d7c04d3327e881b6d8f9-1-.jpg
Đồn Biên phòng Mường Ải cắm biển cảnh báo để người dân không đi qua điểm sạt lở trên đường 543D. Ảnh: HT

Đại úy Dương Ngọc Mạnh Tiến - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mường Ải cho biết: Tuyến đường 543D từ thị trấn Mường Xén đi các xã Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn), đặc biệt là tại các điểm thuộc các bản Sa Vang, xã Tà Cạ, bản Xốp Khăm, Xốp Típ, xã Mường Típ… thường xuyên sạt lở gây ách tắc giao thông.

6be0da17b0cc16924fdd-1-.jpg
Biển cảnh báo do BĐBP Mường Ải thực hiện giúp người dân nhận biết và không đi qua các điểm sạt lở. Ảnh: G.H

Bên cạnh đó, trên địa bàn có một số điểm nguy cơ sạt lở rất cao nếu xảy ra mưa lớn, Bởi vậy, cùng với sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Ải đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển báo nguy hiểm để người dân biết chủ động phòng tránh.

Đồng thời, bố trí lực lượng rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là các khu vực có dân cư, trường học… để tổ chức di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.

712897b4b4e70db954f6-1-.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Ải cảnh báo người dân về nguy cơ sạt lở. Ảnh: G.H

Khi mưa bão, gió mạnh, sóng lớn đi qua, các tổ thợ xây áo lính, tổ mộc quân hàm xanh, tổ xung kích của BĐBP lại không quản ngại khó khăn về thời tiết, địa hình, tích cực, chủ động triển khai các hoạt động giúp đỡ nhân dân và địa phương khắc phục hậu quả như xây dựng, sửa sang lại nhà cửa, đường giao thông, các công trình phụ trợ, sớm ổn định cuộc sống.

f8ee2ef34a28ec76b539-1-.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang khắc phục sạt lở đảm bảo giao thông. Ảnh: H.T

Theo Đại tá Nguyễn Công Lực - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An: Trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, lực lượng BĐBP luôn chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện và tổ chức ứng trực, bảo đảm các điều kiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

img_9974(1).jpeg
Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn túc trực tại các điểm không an toàn ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh tư liệu HT

Các đơn vị luôn quán triệt chủ trương "phòng là chính, tích cực, chủ động, thông tin nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau"; vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước

1-9-.jpg
Chi đoàn Đồn Biên phòng Tam Quang gặt lúa giúp dân. Ảnh: G.H

Khi thời tiết chuyển biến xấu, lực lượng BĐBP tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là; tổ chức di dời dân ở những nơi nguy hiểm đến khu vực an toàn; huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu, có phương án bảo vệ, đề phòng kẻ xấu lợi dụng bão lũ để trộm cắp, phá hoại tài sản của nhân dân…

66eceb3cc66f7f31267e-1-.jpg
Đồn Biên phòng Na Ngoi ( Kỳ Sơn) hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông tại bản Tặng Phăn. Ảnh: H.T

Bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền mùa mưa bão

Cùng với tuyến biên giới đất liền, các đơn vị biên phòng tuyến biển cũng sẵn sàng các phương án “4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai. Theo thống kê hiện nay, tỉnh Nghệ An có khoảng 2.833 phương tiện tàu, thuyền với 13.638 lao động hoạt động trên biển.

uploaded-khanhlybna-2024_02_29-_can-bo-tram-kiem-soat-bien-phong-lach-con-don-bien-phong-quynh-phuong-kiem-tra-nhat-ky-hanh-trinh-cua-tau-ca-anh-quynh-an-8820-3154(1).jpeg
Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Cờn (Đồn Biên phòng Quỳnh Phương) kiểm tra nhật ký hành trình của tàu cá. Ảnh: G.H

Thời điểm có mưa bão, cùng với việc duy trì chế độ trực, các đơn vị biên phòng tuyến biển còn kết hợp đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình người, phương tiện hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, cùng gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, kêu gọi, hướng dẫn cho tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của UBND tỉnh, kiên quyết không cho tàu, thuyền ra khơi đến khi có lệnh mới. Đồng thời, theo dõi nắm chắc diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động rà soát bổ sung phương án ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với địa phương tham gia ứng cứu kịp thời, hiệu quả khi cần.

Là một trong những địa phương có lượng tàu, thuyền và ngư dân hoạt động trên biển đông, ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, mỗi lúc có thiên tai, bão lũ, lực lượng BĐBP đã chủ động liên hệ với chính quyền các địa phương tuyên truyền đến tận người dân, thông báo cho các chủ tàu, thuyền và ngư dân biết về tình hình thời tiết để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, khi tàu về cảng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng đã phối hợp sắp xếp tàu, thuyền đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy, nổ.

a59432765aadfcf3a5bc.jpg
Bộ đội Biên phòng Nghệ An kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn. Ảnh: H.T

Đối với tuyến biển, ngoài tuyên truyền, vận động người dân đưa tàu, thuyền vào bờ tránh, trú bão an toàn, các đơn vị biên phòng còn tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch không để người và phương tiện hoạt động khi có mưa bão; sắp xếp khu neo đậu tàu, thuyền vào tránh bão; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Vào ngày 3/5, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương nhận được tin báo tàu cá NA 4611 TS do anh Hoàng Đức Đông (SN 1990), hộ khẩu thường trú khối Tân Tiến, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) làm thuyền trưởng cùng với 2 thuyền viên là Hoàng Đức Thi và Trương Văn Hưng (SN 1985), cùng trú phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) đang hành nghề câu mực tại tọa độ 19°09'N - 105°47" E thì gặp gió lốc làm lật và chìm tàu. Anh Hoàng Đức Thi bơi ra xa được 1 thuyền nhỏ cứu sống, còn anh Hoàng Đức Đông và Trương Văn Hưng mất tích.

hai-doi-2-bo-doi-bien-phong-nghe-an-cuu-nan-ngu-dan-va-tau-ca-gap-nan-tren-bien.-anh-tu-lieu-hai-thuong-1-.jpg
Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng Nghệ An cứu nạn ngư dân và tàu cá gặp nạn trên biển. Ảnh tư liệu H.T

Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã thông báo cho các đơn vị biên phòng tiếp giáp; các phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn, đồng thời, phối hợp với địa phương, gia đình điều động tàu phối hợp tìm kiếm. Sau 2 ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy 2 nạn nhân bị mắc kẹt trong tàu cá bị chìm.

Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã điều động 65 đợt phương tiện tàu, xuồng và ô tô các loại/1.079 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; Đưa được 18 thuyền viên vào bờ an toàn; hỗ trợ di dời 578 người dân đến nơi trú, tránh an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương, chủ phương tiện thông báo, hướng dẫn và kêu gọi được 6.086 lượt/15.078 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão đảm bảo an toàn; tham gia chữa cháy 15,7 ha rừng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, BĐBP Nghệ An đã điều động 73 đợt phương tiện/351 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; cứu được 11 người, sửa chữa 196 ngôi nhà…

Có thể nói, tinh thần chủ động, quyết tâm cao, luôn kịp thời có mặt trong các tình huống khẩn cấp, những người lính quân hàm xanh đã trở thành “điểm tựa” tin cậy của chính quyền và nhân dân trong ứng phó với thiên tai.

Gia Huy - Hải Thượng