Kinh tế

Đã cơ bản hoàn thiện, Bến xe Nam Vinh vẫn...'đắp chiếu'!

Tiến Đông 08/10/2024 17:51

Dù đã cơ bản hoàn thiện, nhưng Bến xe Nam Vinh nằm cạnh đường tránh Vinh vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Bến xe Nam Vinh vẫn còn... "đắp chiếu". Video: Tiến Đông

Dự án xây dựng Bến xe Nam Vinh do Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An làm chủ đầu tư, với quy mô bến xe loại 1, có diện tích xây dựng bến là 100.000 m2, công suất 500 chuyến xe xuất bến mỗi ngày và 15.000 lượt người đi xe; tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại phía Nam thành phố Vinh, gần với cầu Bến Thủy 2 và bên cạnh Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh.

bna_22.jpg
Bến xe Nam Vinh nằm bên cạnh Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh. Ảnh: Tiến Đông

Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện từ tháng 5/2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2011. Nhưng sau một thời gian dài, mãi đến năm 2020, Bến xe Nam Vinh mới được tiến hành xây dựng với diện tích 46.200m2. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng bến xe có diện tích 19.000m2, tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng. Đến tháng 3/2023, bến xe này đã hoàn thành các hạng mục để sẵn sàng hoạt động ngay khi việc vận tải khách tại Bến xe chợ Vinh buộc phải ngừng vào ngày 30/4/2023.

bna_14(1).jpg
Bến xe Nam Vinh nằm trên khu đất có hình "móng ngựa", được con sông Rào Máng bao bọc nên việc đấu nối vào Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh gặp không ít khó khăn. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù phần lớn các hạng mục xây dựng của Bến xe Nam Vinh đã thực hiện xong. Nhưng do chưa thể đấu nối với Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh, nên bến xe này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Theo tìm hiểu, vào ngày 27/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 3863/QĐ-UBND về việc phê duyệt điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, căn cứ vào đề nghị của Sở Giao thông vận tải, cũng như các quy định liên quan, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt điểm đấu nối đường nhánh từ Bến xe Nam Vinh vào Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh tại Km22+900 (phải tuyến).

bna_10(1).jpg
Hiện tại các hạng mục chính của bến xe đã xây dựng xong, từ tòa nhà điều hành chính, hệ thống sân đỗ xe, tường rào, nhưng chưa thể hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã giao cho Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An làm chủ đầu tư, chủ sử dụng nút giao căn cứ hồ sơ pháp lý liên quan dự án để giải phóng mặt bằng đủ diện tích để thiết kế nút giao, lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế có đủ năng lực thiết kế đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành (bố trí làn tăng, giảm tốc, biển báo hiệu, sơn phân làn, đảo giao thông…), để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác, sử dụng nút giao. Đồng thời, phải tổ chức quản lý, bảo trì thường xuyên nút giao và chịu hoàn toàn trách nhiệm về an toàn giao thông tại nút giao này.

bến xe
Bến xe Nam Vinh được xây dựng hiện đại nhưng chưa thể hoạt động. Ảnh: Tiến Đông

Ngay sau đó, phía Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An cũng đã được Khu Quản lý đường bộ 2 cấp phép triển khai thi công điểm đấu nối tại khu vực nói trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bến xe có quy mô lớn này vẫn đang còn... "đắp chiếu".

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại một số công trình tại bến xe này đã hoàn thành như: tòa nhà điều hành chính, hệ thống bãi xe, tường rào, và lối ra, vào. Dù vậy, cổng chính đang được bịt kín bằng tôn vì bến xe này chưa được công bố hoạt động.

bna_4(1).jpg
Việc chưa thể đấu nối để đưa bến xe đi vào hoạt động là một sự lãng phí lớn. Ảnh: Tiến Đông

Theo đại diện Công ty CP Bến xe Nghệ An, nguyên nhân dẫn đến việc Bến xe Nam Vinh dù đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động, khai thác là vì đang còn một số vướng mắc liên quan đến việc thi công, xây dựng điểm đấu nối. Cụ thể là tại vị trí xây dựng làn chờ rẽ trái từ bến xe đi vào Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh.

Có thể thấy rằng, việc sớm đưa Bến xe Nam Vinh đi vào hoạt động là nhu cầu bức thiết, nhằm phân luồng các tuyến xe khách nội, ngoại tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố Vinh. Nhất là khi hoạt động vận tải khách tại Bến xe chợ Vinh cũng đã phải dừng lại từ cách đây hơn 1 năm trời. Các tuyến vận tải khách từ Bến xe chợ Vinh trước đây cũng đã phải chuyển về hoạt động tại các bến xe nằm ở vùng ven thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên với khoảng cách xa hơn, gây không ít khó khăn cho các đơn vị vận tải.

Tiến Đông