Pháp luật

Giải quyết các vấn đề pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Tiến Đông 09/10/2024 10:43

Sáng 9/10, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” lần thứ 2, năm 2024.

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu ở Hà Nội và kết nối với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Tại điểm cầu Nghệ An, Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các sở, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

toàn cảnh
Toàn cảnh điểm cầu tại Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Diễn đàn "Kinh doanh và pháp luật" là một trong những hoạt động đổi mới công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương. Đây là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” của Chính phủ.

Diễn đàn là sự đối thoại trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế liên quan đến đời sống pháp lý của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành nắm bắt những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó có giải pháp khắc phục về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Lãnh đạo BNA
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Tại Diễn đàn, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã lựa chọn 2 chủ đề: “Một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất” và “Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ”, để các đại biểu thảo luận. Đây được xem là 2 vấn đề thiết thực và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Bởi trên thực tế những năm gần đây, các quy định của pháp luật về đất đai và thuế đã được điều chỉnh nhiều lần. Tuy vậy vẫn có những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về một số vướng mắc pháp lý, một số quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó có nhiều ý kiến về vấn đề thủ tục đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn phiền hà; pháp luật về thuế còn có những vấn đề chưa thật sự thỏa đáng, chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Tại Nghệ An hiện có 29.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký khoảng 194.000 tỷ đồng. Tuy vậy, số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng gần 14.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô hoạt động còn khiêm tốn, không có doanh nghiệp lớn, không có những thương hiệu lớn.

tặng hoa
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng đại diện các doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam. Ảnh: Kim Oanh

Nghệ An cũng phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 58.000 - 59.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 23.000 - 24.000 doanh nghiệp hoạt động.

Kết thúc Diễn đàn, các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương sẽ được Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổng hợp, phân giao cho các thành viên Hội đồng để nhận diện đúng, đầy đủ, xác định đâu là vấn đề của thể chế, đâu là vấn đề về thực thi, để trình Chính phủ đưa ra các giải pháp gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Tiến Đông