Kinh tế

Doanh nhân, doanh nghiệp Nghệ An phát huy vai trò "rường cột", tiên phong việc lớn

Thu Huyền 12/10/2024 09:46

Vượt qua khó khăn, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Nghệ An không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Nêu gương đi đầu, tiên phong việc lớn

Được thành lập từ năm 1997, Đảng bộ Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) ban đầu là 1 tổ Đảng với 9 đảng viên sinh hoạt trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài có gần 60 chuyên gia làm việc. Sau quá trình phát triển, hiện nay, NASU là 1 thành viên của Tập đoàn TH, người Việt Nam cơ bản đã thay thế chuyên gia nước ngoài.

bna_nasu.jpg
Những cánh đồng mía của NASU vào vụ thu hoạch. Ảnh : CSCC

Sản xuất, kinh doanh phát triển, năm 2023 doanh thu của công ty 1.400 tỷ đồng; nộp thuế 77 tỷ đồng; Năm 2024, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, đã nộp thuế 35 tỷ đồng, dự kiến nộp gần 80 tỷ đồng trong năm nay. Công ty hiện đảm bảo việc làm cho 360 lao động; đặc biệt, tạo sinh kế cho gần 17.000 hộ nông dân vùng Tây Bắc Nghệ An và hơn 300 lái xe chở mía với chi trả gần 1.000 tỷ đồng/năm. Hằng năm, luôn duy trì khoảng 2 tỷ đồng an sinh xã hội.

Một góc hệ thống vận hành nhà máy NASU
Một góc hệ thống vận hành nhà máy NASU. Ảnh: CSCC

Ông Ngô Vân Tú - Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An cho biết: Để đạt được thành quả đó ngoài hỗ trợ của tỉnh Nghệ An, các huyện, xã vùng mía, NASU luôn nỗ lực để phát triển với phương châm chung của tập đoàn: Không tối đa hóa lợi nhuận và tối đa hóa lợi ích của các bên tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh. NASU đã thực hiện kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại NASU cũng như tại Tập đoàn TH để góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, các doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đã nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, khoa học, kỹ thuật, triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh mới. Các doanh nhân doanh nghiệp góp phần tích cực cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm, thu hút hàng chục vạn lao động, đóng góp to lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đà phục hồi tích cực; tốc động tăng trưởng kinh tế Nghệ An hiện xếp thứ 26 so với các tỉnh trong cả nước; đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, thuộc tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

VNPT ký kết hợp tác
VNPT ký kết hợp tác kết nối cung - cầu với các doanh nghiệp. Ảnh: T.H

Đi đầu trong chuyển đổi số phải kể đến VNPT Nghệ An. Với quan điểm hạ tầng phải đi trước một bước và hạ tầng số là vấn đề mấu chốt, nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nên VNPT Nghệ An đã tập trung nguồn lực ưu tiên trọng điểm đẩy mạnh đầu tư về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mạng thông tin di động băng thông rộng và truy nhập cáp quang băng thông rộng cố định của VNPT đã phủ đến 460 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, dịch vụ di động đã đến 100% khu dân cư, 98% diện tích... cung cấp Mobile data tốc độ cao (tối thiểu 36 Mbps). Dịch vụ Internet cáp quang tốc độ lên tới 1000 Mbps sẵn sàng cung cấp cho khách hàng chính quyền, doanh nghiệp và người dân...,

bna_vnpt.jpg
VNPT tập huấn nghiệp vụ giải pháp chuyển đổi số và đào tạo nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: T.H

Bà Hồ Thị Thùy Trang - Giám đốc VNPT Nghệ An cho biết: Năng lực hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin của VNPT Nghệ An đảm bảo sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đến tận cấp thôn, xóm, đảm bảo mỗi hộ gia đình đều có mạng cáp quang, mỗi người dân đều có thể sử dụng thiết bị thông minh ở bất cứ đâu. Thời gian tới, VNPT Nghệ An sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng để triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực chuyển đổi số để cải thiện về xếp hạng bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh cũng như cải thiện xếp hạng bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Đầu mối bara Đô Lương khánh thành ngày 22.03.2024
Đầu mối bara Đô Lương do Công ty TNHH Hòa Hiệp và các đơn vị thi công. Ảnh: CSCC

Song song với sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt đạo đức kinh doanh, quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, sau cơn bão số 3, đến thời điểm hiện nay, đã quyên góp tổng số tiền gần 4,6 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm đến các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Ghi nhận những đóng góp quan trọng đó, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã được các cấp, ngành tôn vinh, biểu dương. Trong từng lĩnh vực, nhiều doanh nhân đã thành công, tạo nên thương hiệu lớn, nhận nhiều giải thưởng quốc gia và được vinh danh trên nhiều diễn đàn doanh nghiệp…

Công ty TNHH Hòa HIệp ủng hộ 100 triệu đồng cho đồng bào các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng lũ lụt 2024
Công ty TNHH Hòa HIệp ủng hộ 100 triệu đồng cho đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng lũ lụt 2024. Ảnh: TH

Trong bối cảnh chồng chất khó khăn vừa qua, đội ngũ doanh nhân Nghệ An vẫn phát huy được bản lĩnh, tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh và đề ra các biện pháp để khắc phục khó khăn, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH Hòa Hiệp, hàng chục năm qua, "con tàu" Hòa Hiệp do doanh nhân Phạm Đình Hạnh "chèo lái" luôn có bước phát triển vững chắc, được đánh giá là đơn vị mạnh không chỉ ở Nghệ An mà còn trên địa bàn toàn quốc với việc thi công xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi lớn và phức tạp về kỹ thuật. Công ty TNHH Hòa Hiệp cùng với các đối tác thi công nhiều công trình quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, Khu công nghiệp WHA, Đại lộ Vinh - Cửa Lò... 9 tháng đầu năm 2024, công ty đạt doanh thu hơn 1.665 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 34,673 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 650 lao động.

Phát huy vai trò "rường cột"

Trong quá trình phát triển, đội ngũ doanh nhân luôn nhận được sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh, các cấp ủy, chính quyền. Ông Phạm Đình Hạnh - Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã rất quan tâm tới đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là điểm tựa tinh thần quan trọng giúp đội ngũ doanh nghiệp vững tin, đưa doanh nghiệp phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất tại nhà máy của Công ty Luxshare ICT tại VSIP Nghệ An). Ảnh: Thành Duy
Sản xuất tại nhà máy của Công ty Luxshare ICT tại VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Nghệ An hiện có 29.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký khoảng 194 ngàn tỷ đồng, nhưng thực chất số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng gần 14.000 doanh nghiệp, với số lao động sử dụng khoảng 31.000 lao động; đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Tuy số lượng doanh nghiệp so với cả nước ở mức khá cao, nhưng trong số đó gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô hoạt động còn khiêm tốn, không có doanh nghiệp lớn, không có những thương hiệu lớn.

Doanh nghiệp, doanh nhân được xem là đại diện cho sức mạnh sản xuất mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng góp không nhỏ vào những thành tựu phát triển chung của đất nước. Ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Ngày 21/8/2024, UBND tỉnh Nghệ An xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 41, trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 58.000 - 59.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; tầm nhìn đến năm 2045 có khoảng 73.000 - 74.000 doanh nghiệp đăng ký. Phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển, có vị thế, uy tín; một số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Tàu ăn hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: TH
Tàu "ăn hàng" tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: T.H

Để tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tại Chương trình gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng kênh đối thoại, để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, doanh nhân, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao đạo đức kinh doanh.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng hoa chúc mừng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: Thu Huyền
Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng hoa chúc mừng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tháng 10/2024. Ảnh: T.H

“Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa thời cơ thuận lợi, tiếp tục khẳng định vai trò, mang hết "tâm - tài - trí - tín" vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là tập trung triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị”, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.

Thu Huyền