Quốc tế

NATO bắt đầu tập trận hạt nhân lớn ở Bắc Âu

Mỹ Nga 14/10/2024 07:12

NATO bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn vào 14/10 ở Bắc Âu.

nato.png
Binh sĩ Na Uy tại căn cứ NATO ở Rukla, Latvia. Ảnh: AP

Theo RIA Novosti ngày 14/10, cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn của NATO có tên gọi Steadfast Noon, với sự tham gia của 2.000 binh sĩ từ 13 quốc gia liên minh và tới 60 máy bay quân sự, bắt đầu ngày 14/10 ở Bắc Âu.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết, các cuộc tập trận sẽ diễn ra chủ yếu ở Anh, ở Biển Bắc, cũng như ở Bỉ và Hà Lan. Theo ông Rutte, cuộc diễn tập sẽ chứng minh cho “bất kỳ kẻ thù nào” thấy rằng NATO sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa.

Theo tuyên bố của liên minh, các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch, chuẩn bị hơn một năm và không có kế hoạch sử dụng vũ khí quân sự trong đó.

Cuộc diễn tập sẽ kéo dài hai tuần. 8 căn cứ không quân sẽ tham gia cuộc tập trận này. Đặc biệt, nhiều loại máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu hộ tống và máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử sẽ tham gia cuộc tập trận.

Cơ quan báo chí NATO nhắc lại rằng, liên minh này liên tục thực hiện các bước “để đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả của lực lượng răn đe hạt nhân của mình”. Đặc biệt, vào năm 2024, máy bay chiến đấu F35-A mới của Hà Lan được tuyên bố là phù hợp để sử dụng trong các nhiệm vụ răn đe hạt nhân.

Bất chấp việc NATO gọi các cuộc tập trận của mình là có kế hoạch, các tổ chức phản chiến vẫn chỉ trích việc tổ chức các cuộc tập trận này trong điều kiện căng thẳng quốc tế.

Ở một diễn biến khác, cựu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Spiegel (Đức) rằng tìm cách cải thiện quan hệ với Nga sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là cách tiếp cận đúng đắn.

“Tôi vẫn tin rằng, đây là chiến lược đúng đắn. Ngay cả sau khi sáp nhập Crimea và bắt đầu xảy ra xung đột ở Donbass, chúng tôi vẫn tiếp tục gặp nhau tại Hội đồng Nga-NATO” - ông Stoltenberg nói, đồng thời kêu gọi phương Tây “ngăn chặn bất kỳ sự hiểu lầm nào phát sinh từ phía Moskva”.

Mỹ Nga