Giá cả 'leo thang', người dân Nghệ An thắt chặt hơn chi tiêu
Từ tháng 10 này, các mặt hàng như: xăng dầu, điện, gas đều tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giá cả đã "leo thang".
Trung bình hai ngày 1 lần, bà Trịnh Thị Hoà Hợp (xã Hưng Lộc, TP.Vinh) đi chợ 1 lần để mua thực phẩm cho gia đình. Là người thường xuyên đi chợ, trực tiếp mua sắm nên việc biến động giá cả tác động rất lớn đối với chi tiêu của gia đình bà.
“Từ tháng 6, khi có thông tin tăng lương cơ sở là giá cả đã “nhảy trước” một bước. Sau đó, là mưa bão, lũ lụt, một số mặt hàng như rau xanh khan hiếm, giá tăng. Đến nay, giá xăng đã điều chỉnh giảm, sản xuất ổn định trở lại sau mưa bão nhưng các mặt hàng vẫn “đứng im”, chưa kể một số mặt hàng đang trên đà tăng giá”, bà Hợp phản ánh.
Theo khảo sát tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn tiếp tục tăng nhẹ, khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg (tuỳ loại) so với đầu tháng 9. Cụ thể, sườn non có giá 150.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước và 20.000 đồng/kg so với cách đây 4 tháng); ba chỉ có giá 155.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước), nạc vai, thăn, mông 140.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước).
Bên cạnh đó, trứng gia cầm như gà, vịt đều tăng 200 - 300 đồng/quả, cụ thể, giá trứng gà ta 45.000 đồng/chục (tăng 5.000 đồng/chục), gà trại 35.000 đồng/chục (tăng 3.000 đồng/chục), trứng vịt loại 1 có giá 35.000 đồng/chục (tăng 2.000 đồng/chục).
Mặt hàng biến động giá nhiều nhất vẫn là rau xanh, hiện, giá rau ở các chợ neo cao, nhất là thời điểm sau mưa bão từ tháng 9 đến nay. Nhóm rau xanh ăn lá tăng gần gấp đôi so với trước đó, nhóm rau củ tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các đại lý gạo trên địa bàn tỉnh, gạo bán lẻ hiện có giá tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Theo đó, giá gạo thường từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa từ 21.000 - 23.000 đồng/kg, gạo Đài Thơm 20.000 - 23.000/kg, gạo ST25 từ 30.000 - 43.000 đồng/kg... Theo chia sẻ của các tiểu thương, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh khiến nguồn cung giảm, chi phí vận chuyển, nhân công kéo theo giá gạo liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Do giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống ở chợ neo cao nên các cửa hàng ăn uống cũng đã điều chỉnh tăng giá bán. Theo đó, từ đầu tháng 9 đến nay, giá 1 suất ăn sáng (bún, phở, súp hay bánh mướt, xôi) đều tăng thêm 3.000 - 5.000 đồng; suất cơm hộp, cơm phần cũng tăng 5.000 - 7.000 đồng/suất.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Nghệ An cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm 2024 tăng liên tục, vượt xa tốc độ tăng của thu nhập trung bình. Sự chênh lệch này đặt người tiêu dùng vào tình thế khó khăn, buộc họ phải hay đổi thói quen mua sắm, chi tiêu.
“Gần 20 năm công tác, song đến hiện tại, mức lương của tôi mới chỉ gần 7 triệu đồng/tháng, nếu tính toán các khoản phụ cấp cũng chỉ xấp xỉ 10 triệu đồng. Thu nhập tăng nhưng không đáng kể nên bắt buộc tôi phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm”, chị Trần Nguyên Bình, một công chức ở thành phố Vinh chia sẻ.
Việc cắt giảm chi tiêu khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh, các chợ truyền thống khó khăn trong kinh doanh, nhiều siêu thị cũng giảm doanh số.
“Việc người dân thắt chặt chi tiêu khi giá cả hàng hóa tăng cao khiến sức mua giảm mạnh. Trước đây, khi giá thịt chỉ ở mức 90.000 -110.000 đồng/kg thì mỗi ngày bán được 100kg thịt thì nay, giá thịt tăng thêm 20.000-30.000 đồng/kg, lượng thịt bán ra giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với trước. Bán ra ít thì lãi ít”, chị Hoàng Thị Phương, một tiểu thương kinh doanh thịt các loại ở chợ Quang Trung (TP.Vinh) cho biết.
Mới đây nhất, đầu tháng 10 đến nay, tại kỳ điều chỉnh gần nhất, giá điện, xăng dầu và gas tăng mạnh. Theo đó, ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã điều chỉnh tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành; kỳ điều chỉnh giá gần nhất (10/10), giá xăng, dầu các loại cũng tăng thêm trên 1.000 đồng/lit, giá gas cũng 3 lần liên tiếp tăng, kỳ điều chỉnh gần đây nhất là đầu tháng 10, mỗi bình ga 12kg tăng thêm từ 6.000 - 10.000 đồng/bình. Vật giá leo thang khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Về xu hướng những tháng tới, giai đoạn cuối năm cận tết, nhu cầu tiêu dùng tăng, một số hàng hóa thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng tăng giá. Để đảm bảo ổn định, các ngành chức năng cần theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, giá cả, nắm bắt tình hình cung cầu để kịp thời có những giải pháp quản lý.
Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ gồm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 9,21%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,93%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,52%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,62%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,67%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,38%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,53% và Giáo dục tăng 0,41%.
Có 2 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ gồm: Giao thông giảm 0,41% và Bưu chính viễn thông giảm 0,35%.