Mỹ sẽ gửi hệ thống phòng thủ tên lửa và điều quân tới Israel
Mỹ cho biết vào hôm 13/10 (giờ địa phương) rằng họ sẽ gửi binh sĩ và hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến tới Israel, trong một động thái bất thường nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên không của Israel sau các cuộc tấn công tên lửa từ Iran.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố động thái này nhằm "bảo vệ Israel", bên đang cân nhắc khả năng trả đũa Iran sau khi Tehran bắn hơn 180 tên lửa vào Israel vào ngày 1/10.
Theo các quan chức, Mỹ đã kín đáo thúc giục Israel điều chỉnh phản ứng để tránh kích động một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông. Ông Biden công khai lên tiếng phản đối một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran và bày tỏ lo ngại về việc tấn công vào hạ tầng năng lượng của Iran.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder, mô tả việc triển khai này là một phần của "những điều chỉnh lớn hơn mà quân đội Mỹ đã thực hiện trong những tháng gần đây" nhằm hỗ trợ Israel và bảo vệ các nhân sự của Mỹ trước các cuộc tấn công từ Iran và các nhóm được Iran hậu thuẫn.
Tuy nhiên, việc triển khai quân đội Mỹ tới Israel là rất hiếm xảy ra trừ các cuộc diễn tập, do Israel vốn có khả năng quân sự mạnh mẽ. Trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ đã hỗ trợ Israel phòng thủ từ các tàu chiến và máy bay chiến đấu ở Trung Đông khi nước này bị tấn công từ Iran, tuy nhiên các lực lượng này đặt cơ sở ở ngoài lãnh thổ Israel.
Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) là một phần quan trọng trong các hệ thống phòng thủ trên không nhiều lớp của quân đội Mỹ và tăng cường thêm cho hệ thống phòng thủ tên lửa vốn đã rất hùng mạnh của Israel.
Một khẩu đội THAAD, thường cần khoảng 100 binh sĩ để vận hành, bao gồm 6 bệ phóng lắp trên xe tải với 8 tên lửa đánh chặn trên mỗi bệ, cùng 1 radar mạnh mẽ.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cảnh báo vào hôm 13/10 rằng Mỹ đang "đặt binh sĩ của mình vào nguy hiểm" khi triển khai quân để vận hành các hệ thống tên lửa tại Israel.
Ngoại trưởng Araqchi đăng trên X (trước đây là Twitter): "Trong khi chúng tôi đã nỗ lực rất lớn trong những ngày gần đây để ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện trong khu vực, tôi nói rõ rằng chúng tôi không có lằn ranh đỏ trong việc bảo vệ người dân và lợi ích của mình”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Iran đã cố gắng tránh một cuộc chiến trực tiếp với Mỹ, và việc triển khai lực lượng Mỹ tới Israel là một yếu tố khác trong tính toán của nước này.
Iran đã phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel hồi tháng 4. Sau đó, ngày 1/10, Iran phóng hơn 180 tên lửa đạn đạo vào Israel trong lúc căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah, lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Liban. Nhiều tên lửa đã bị đánh chặn trên không trung nhưng một số vẫn vượt qua hệ thống phòng thủ.
Các quan chức Mỹ không cho biết hệ thống này sẽ được triển khai tới Israel nhanh chóng như thế nào. Lầu Năm Góc cho biết THAAD đã được triển khai tới miền Nam Israel để tập trận vào năm 2019, lần gần nhất và cũng là duy nhất cho đến nay hệ thống này có mặt ở đó.
Lockheed Martin, hãng sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ, chế tạo và tích hợp hệ thống THAAD, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Raytheon, thuộc tập đoàn RTX, chế tạo radar tiên tiến của hệ thống này.